Bị buộc thôi việc sai luật
Năm 1970, bà Bùi Thị Kiểm được nhận vào bệnh viện cán bộ tỉnh Vĩnh Phú làm hộ lý. Đến năm 1981, sau khi hợp nhất hai bệnh viện cán bộ và bệnh viện Việt Trì thì bà Kiểm được cơ quan điều lên làm ở tổ phục vụ (căng tin), có nhiệm vụ mua hàng công nghệ phẩm, lương thực, thực phẩm được phân phối bằng tem phiếu cho cán bộ công nhân viên chức thời bao cấp.
Do sơ xuất, bà Kiểm đã bỏ quên 10 quyển sổ gạo của cán bộ công nhân viên ở của hàng lương thực Gia Cầm, nên chưa mua số lương thực được cấp theo sổ dẫn đến việc mọi người hiểu lầm, tố cáo bà Kiểm vi phạm chế độ tem phiếu.
Vì lý do trên, bà Kiểm đã bị Cơ quan công an thành phố Việt Trì bắt tạm giam. Sau đó, Viện kiểm sát truy tố bà Kiểm ra trước TAND thành phố Việt Trì, xét xử về hành vi đầu cơ kinh tế và vi phạm chế độ tem phiếu, tuyên phạt 36 tháng tù giam (bản án sơ thẩm số 18 ngày 10/06/1982).
Vì bị oan, bà Kiểm đã có đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm theo quy định của pháp luật, được TAND tỉnh Vĩnh Phú thụ lý giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
Tại bản án phúc thẩm số 72 ngày 29/9/1982 của TAND tỉnh Vĩnh Phú quyết định giữ nguyên các quyết định của Bản án sơ thẩm.
Không đồng ý với Bản án phúc thẩm, bà Bùi Thị Kiểm đã có đơn khiếu nại đến Tòa hình sự - TAND Tối cao.
Tại bản án giám đốc thẩm số 24/HSGĐ ngày 10/7/1984 của Tòa hình sự - TAND tối cao đã tuyên bà Bùi Thị Kiểm không phạm tội đầu cơ kinh tế nên chỉ xem xét hành vi vi phạm chế độ tem phiếu dùng vào việc phân phối tài sản xã hội chủ nghĩa và xử phạt bà Kiểm bằng hình thức cảnh cáo.
Sau khi có Bản án giám đốc thẩm, bà Bùi Thị Kiểm đã có đơn khiếu nại cơ quan có thẩm quyền giải quyết chế độ, quyền lợi theo quy định của pháp luật kể từ thời gian bà bị buộc thôi việc vì cho rằng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với bà là không đúng bởi:
Quyết định của trưởng ty y tế Vĩnh Phú ngày 16/9/1982 thi hành kỷ luật bà Kiểm bằng hình thức buộc thôi việc với lý do vi phạm chế độ lương thực, hàng hóa của nhà nước nên bị bắt và phạt tù. Quyết định này được ký trước khi có bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật là trái với quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Hữu Tố đã 34 năm đi kêu oan cho vợ, nhưng tới nay chưa được giải quyết chế độ. ảnh: Ngọc Quang. |
Sau khi có bản án giám đốc thẩm số 24/HSGĐ ngày 10/7/1984 của Tòa hình sự - TAND tối cao, bà Kiểm đã có đơn gửi sở y tế đề nghị bố trí lại công việc để bản thân và con cái được hưởng chế độ Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, sở y tế không giải quyết. Điều này trái với quy định tại điều 9 mục 6 thông tư số 12-LĐ/TT ngày 25/5/1977 của Bộ lao động về củng cố tăng cường kỷ luật lao động trong các xí nghiệp cơ quan nhà nước có quy định: “Những người bị xử tù án treo là người phạm tội không được đền bù thiệt hại. Tùy theo tính chất sai phạm, tùy theo nhu cầu công tác vẫn được sắp xếp việc làm thích hợp không bị buộc thôi việc”.
Cũng trong thời gian này, có một số người trong cơ quan vi pham pháp luật cũng bị tòa án xử phạt tù (cho hưởng án treo) thì vẫn được cơ quan bố trí công tác bình thường, tại sao bà Kiểm chỉ bị tuyên án cảnh cáo (mức án nhẹ hơn án treo) thì lại bị buộc thôi việc?! Như vậy liệu có công bằng?
Cơ quan chức năng ở Vĩnh Phúc có thiếu trách nhiệm?
Thông tư số 12-LĐ/TT ngày 25/5/1977 của Bộ lao động là văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Chính vì vậy bà Kiểm có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền như ty y tế tỉnh Vĩnh Phú nay là Sở Y tế tỉnh Vĩnh phúc giải quyết quyền lợi, chế độ liên quan đến người lao động sau khi có bản án giám đốc thẩm.
Có những cán bộ thoái hóa biến chất, tùy tiện, vô nguyên tắc |
Từ đó đến nay ông Nguyễn Hữu Tố (chồng bà Kiểm) liên tục đại diện thay cho vợ khiếu nại, kêu cứu đến tất cả các cơ quan từ sở, ngành, UBND tỉnh cho đến các cơ quan tiếp dân của Trung ương Đảng, Chính phủ và chánh thanh tra nhà nước, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Ông Tố nói trong ấm ức: “Bà nhà tôi đã gần 70 tuổi, sức khỏe rất yếu nên không tiện đi lại, trong khi các thủ tục khiếu nại, mong muốn lấy lại công bằng lại quá gian chuân, hai vợ chồng theo đuổi hơn 30 năm trời vẫn chưa được giải quyết chế độ. Chúng tôi vô cùng uất ức, nhưng sẽ kiên trì tới cùng”.
Ai điều tra, truy tố oan chủ quán Xin Chào phải bị xử lý bằng luật hình sự |
Ông Tố vẫn kiên trì đối thoại với ban tiếp dân của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cho Sở Y tế Vĩnh Phúc tham mưu hướng giải quyết.
Tuy nhiên, sau gần 2 năm tiếp theo, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng không chốt được hướng giải quyết quyền lợi cho người dân.
Ông Tố tiếp tục kiên trì khiếu nại tại Ban tiếp công dân tỉnh Vĩnh Phúc. Đến ngày 10/3/2016, Ban tiếp công dân tỉnh Vĩnh Phúc giao phiếu tiếp công dân cho Sở Tư pháp kiểm tra rà soát, hướng dẫn và trả lời công dân trước ngày 15/2/2016.
Ngày 30/3/2016, Sở Tư pháp có báo cáo số 49/BC-STP về kết quả rà soát hồ sơ vụ việc, đề xuất giải pháp giải quyết đối với đơn khiếu nại của ông Nguyễn Hữu Tố và bà Bùi Thị Kiểm gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong đó có nội dung: “Sở Tư pháp nhận thấy: Pháp lệnh số 5 – LCT/HĐND7 ngày 27/11/1981 không quy đinh thời hiệu khiếu nại. Thời hạn khiếu nại chỉ quy định từ khi pháp lệnh số 53- LCT/HĐND8 có hiệu lực thi hành ngày 01/08/1991 đến nay.
Thông qua buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Tố, ông Tố trình bày sau khi có bản án giám đốc thẩm bà Bùi Thị Kiểm đã gửi đơn khiếu nại quyết định kỷ luật số 345/QĐ-TCCB ngày 19/6/1982 và văn bản số 250/TCCB ngày 18/6/1986 đến nhiều cơ quan từ tỉnh đến trung ương nhưng không được xem xét giải quyết.
Cụ thể ông Tố đã cung cấp 01 văn bản số 148-TTr ngày 12/9/1988 của bộ Y tế nội dung băn bản ghi rõ : “Bộ Y tế đã nhận được đơn dủa bà Bùi Thị Kiểm khiếu tố về việc như nội dung bà đã nêu trong đơn.
Sau khi xem xét, bộ đã chuyển đơn của bà cho sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú và đề nghị Sở Y tế xét nguyện vọng của bà được trở lại làm việc hoặc nghỉ mất sức, nghiên cứu giải quyết theo sự phân cấp, quản lý của nghành”.
Sở Tư pháp Vĩnh Phúc còn kiến nghị biện pháp giải quyết: “Để đảm bảo quyền khiếu nại của công dân theo quy định của pháp luật, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục giao cho Sở Y tế Vĩnh Phúc phối hợp làm việc với các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Phú Thọ xem xét, xác minh vụ việc đã được giải quyết hết thẩm quyền hay chưa.
Từ đó căn cứ quy định của pháp luật như đa viện dẫn ở trên để tham mưu cho UBND tỉnh biện pháp giải quyết, trả lời công dân”.
Trên thực tế, kiến nghị của Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc là không cần thiết, bởi vì ngay từ tháng 3/2007, bác sĩ Nguyễn Huy Mai – nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Trì đã có xác nhận: “Tôi bác sĩ Nguyễn Huy Mai nguyên giám đốc bệnh viện Việt Trì (bệnh viện tỉnh Vĩnh Phú) nay là bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ xác nhận bà Kiểm là nhân viên của bệnh viện theo như lời bà Kiểm đã khai trên.
Bà Kiểm là nhân viên tích cực công tác có nhiều cố gắng rất mong các cơ quan lưu ý giải quyết cho bà Kiểm”.
Ngày 2/3/2007, bác sĩ Nguyễn Huy Ngọc – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, xác nhận và đóng dấu: “Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ xác nhận chữ ký của bác sĩ Nguyễn Huy Mai ( nguyên giám đốc bệnh viện Việt Trì – bệnh viện tỉnh Phú Thọ nay là bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) là đúng.
Trân trọng kính chuyển các cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm xem xét giải quyết chế độ cho bà Bùi Thị Kiểm theo chế độ hiện hành của Nhà nước”.
Ngày 18/2/2008 Phó chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội Phú Thọ có phiếu trả lời đơn và hướng dẫn số 11/XLĐ-TTr ngày 18/2/2008 gửi bà Bùi Thị Kiểm có nội dung: “Sở Lao động – Thương binh Xã hội nhận được đơn của bà có nội dung bà nguyên là cán bộ bệnh viện tỉnh Vĩnh Phú có thời gian công tác từ năm 1964 đến năm 1981.
Tháng 6/1981 bà bị bắt tạm giam bị Tòa án thành phó Việt Trì tuyên phạt 03 năm tù đồng thời bị Ty Y tế Vĩnh Phú ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
Sau đó bà làm đơn đến TANDTC được sửa án giam thành phạt cảnh cáo. Sau đó bà đã làm đơn lên Sở Y tế đề nghị giải quyết việc làm và chế độ nhưng đến nay là 24 năm vẫn chưa được giải quyết đề nghị được xem xét.
Sau khi nghiên cứu đơn, thanh tra Sở có ý kiến trả lời như sau:
1. Đơn của bà gửi sai thẩm quyền giải quyết
2. Căn cứ luật khiếu nại tố cáo ban hành ngày 2/12/1998 và luật sửa đổi bổ sung luật khiếu nại tố cáo ngày 15/6/2004 và ngày 29/11/2005 thanh tra Sở lao động- Thương binh Xã hội Phú Thọ trả lời đơn và hướng dẫn ông, bà liên hệ với Sở Y tế Vĩnh Phúc để được xem xét”.
Sự việc như vậy đã quá rõ ràng, vậy thì tại sao Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc còn tham mưu cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Sở Y tế Vĩnh Phúc phối hợp, làm việc với các cơ quan tỉnh Phú Thọ để xác minh?
Vụ việc trên đã kéo dài 34 năm, vì vậy dư luận đang mong đợi Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc xem xét chỉ đạo các ban ngành giải quyết chế độ cho bà Kiểm càng sớm càng tốt khi đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”.