LTS: Bí ẩn về Hành cung Lỗ Giang (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) có niên đại hơn 700 năm đang dần hé lộ sau khi các nhà khoa học tiến hành khai quật một phần di tích. Để làm rõ hơn ý nghĩa, vai trò của Hành cung Lỗ Giang đối với lịch sử Việt Nam, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Minh Trí - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Lần đầu tiên khảo cổ học Việt Nam phát hiện ra hành cung của nhà vua ngoài kinh thành Thăng Long. Ông có thể cho biết quá trình nghiên cứu, phát hiện di tích này diễn ra thế nào?
PGS.TS Bùi Minh Trí: Hành cung là nơi triều đình cho xây dựng những cung điện để vua nghỉ ngơi khi xa giá đi tuần du ở các nơi xa kinh đô Thăng Long. Thời Trần - triều đình đã cho xây dựng khá nhiều hành cung, trong đó có hành cung rất nổi tiếng như hành cung Thiên Trường hay Tức Mạc (Nam Định), được đánh giá như kinh đô thứ 2 sau Thăng Long.
Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, các hành cung xưa đều không còn tồn tại đến ngày nay. Và, cũng trải qua nhiều thế kỷ, các nhà nghiên cứu chủ yếu biết đến hành cung Thiên Trường hay Tức Mạc, dường như không ai chú ý đến hành cung Lỗ Giang. Vì vậy, hành cung Lỗ Giang xưa ở đâu, diện mạo, qui mô, hình thái của nó như thế nào vẫn là bí ẩn lịch sử.
PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học của Việt Nam phát hiện ra một hành cung ngoài kinh đô Thăng Long. Ảnh: Ngọc Quang. |
Việc tìm hiểu về hành cung Lỗ Giang ban đầu chỉ dựa trên những manh mối rất nhỏ, từ những dòng ghi chép ngắn ngủi trong Đại Việt sử ký toàn thư, đó là sự kiện mẹ vua Trần Anh Tông là bà Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái hậu mất vào năm 1293, nhưng lại không nói rõ là ở địa phương nào.
Từ nguồn tư liệu này kết hợp với điều tra dân gian, điều tra khảo cổ học và các thư tịch khác liên quan tới từ Lỗ Giang, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã đi tìm và mới biết đến địa danh Lỗ Giang xưa ở đâu. Địa danh này nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý, xưa thuộc xã Thâm Động, phủ Long Hưng, miền đất rất nổi tiếng và gắn bó đến lịch sử phát tích của nhà Trần, nay là xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Từ kết quả điều tra khảo cổ học tại khu vực Đền Trần (xã Hồng Minh) - nơi tương truyền là cung Lỗ Giang, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Thái Bình xây dựng kế hoạch khai quật khu di tích nhằm tìm hiểu làm rõ vị trí, diện mạo và qui mô của hành cung Lỗ Giang xưa.
Sau khi được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành đã tiến hành khai quật di tích này từ tháng 11 tới giữa tháng 12 năm 2014.
Kết quả khai quật ban đầu đã phát lộ một nền móng của công trình kiến trúc thời Trần rất độc đáo, có hệ móng kép rất lớn để kê 2 chân tảng đá kê cột, còn gọi là móng cột đôi. Tuy mới tìm thấy 4 hàng móng cột, nhưng dựa vào dấu tích gạch bó nền và sân gạch ở 2 bên hàng hiên phía Bắc và phía Nam, chiều rộng lòng nhà có thể xác định chính xác là 9,9m, như vậy kiến trúc này có qui mô khá lớn.
Thêm nữa, trong hố khai quật tìm được nhiều loại vật liệu lợp trên mái của kiến trúc đó, như ngói mũi sen lợp thân mái, ngói mũi sen lợp diềm mái bên trên gắn lá đề trang trí hình rồng cùng những mảnh vỡ của đầu rồng và những loại ngói úp nóc trang trí rồng giống như các loại ngói tìm thấy tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Phát hiện này cho thấy rằng, kiến trúc này có bộ khung bằng gỗ, trên mái lợp ngói mũi sen và được trang trí đồ án mang tính vương quyền, giống như kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long.
Điều này cũng có nghĩa, đây chính là loại hình kiến trúc hoàng gia hay là kiến trúc cung điện hoặc lầu gác do triều đình nhà Trần đã cho xây dựng tại đây lúc đương thời. Đây cũng chính là dấu ấn minh chứng về sự tồn tại của hành cung Lỗ Giang xưa ở đây.
Trên quan điểm của một chuyên gia khảo cổ học, ông đánh giá thế nào về giá trị khoa học lịch sử của di tích này?
PGS.TS Bùi Minh Trí: Việc phát hiện ra hành cung Lỗ Giang mang lại ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học. Chúng ta biết rằng, di tích Hoàng Thành Thăng Long sau khi khai quật đã chứng minh sống động về sự tồn tại của các cung điện, lầu gác của các vương triều, từ thời Lý, Trần, Lê.
Tuy nhiên, những gì nhìn thấy ở Hoàng Thành Thăng Long hôm nay chủ yếu là dấu tích kiến trúc của thời Lý. Dấu tích của các công trình kiến trúc thời Trần cũng có khá nhiều, nhưng không rõ ràng nên chưa rõ quy mô ra sao.
Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân: Thứ nhất là giai đoạn đầu, nhà Trần cơ bản kế thừa những cung điện của nhà Lý nên hầu như không xây mới. Đến giai đoạn sau, nhất là sau các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, nhà Trần mới tái thiết dựng xây kinh đô Thăng Long. Tuy nhiên, dấu ấn kiến trúc của giai đoạn này không còn lại nhiều bởi nó đã bị san bạt khi nhà Lê sơ qui hoạch lại Kinh đô Thăng Long vào thế kỷ 15.
Do đó, việc phát hiện ra hành cung Lỗ Giang cũng là lần đầu tiên cho ta thấy rõ ràng hơn về một công trình kiến trúc lớn của nhà Trần. Kỹ thuật và nghệ thuật trang trí của kiến trúc này cho thấy sự kế thừa rất xuất sắc từ kiến trúc cung điện thời Lý.
Đây cũng là lần đầu tiên một công trình kiến trúc từ thời nhà Trần được tìm thấy bên ngoài Thăng Long có kỹ thuật xây dựng bằng hệ móng trụ kép, cột đôi (loại móng trụ có hình chữ nhật lớn gấp đôi móng trụ hình vuông thông thường). Móng trụ lớn thì chân tảng lớn, chân tảng lớn thì dựng các cột lớn... điều đó đưa đến giả thuyết rằng, kiến trúc này rất có thể có nhiều tầng mái.
Tính độc đáo của kiến trúc ở đây chính là hệ móng trụ kép hay cột đôi. Tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long cũng đã tìm thấy loại kiến trúc có móng trụ kép tương tự, nhưng là kiến trúc của thời Lý (thời Trần chưa tìm thấy) và nó có quy mô rất nhỏ, nhỏ hơn nhiều so với kiến trúc ở hành cung Lỗ Giang.
Vì thế, những phát hiện khảo cổ học tại hành cung Lỗ Giang đã mang lại nhiều giá trị khoa học trong việc nghiên cứu so sánh, đánh giá giá trị về trình độ kỹ thuật xây dựng cũng như quy mô, hình thái kiến trúc của thời Trần. Đồng thời, phát hiện này cũng mang lại những giá trị lịch sử, làm rõ hơn mối quan hệ của triều đình nhà Trần với các vùng miền, qua đó hiểu hơn được diện mạo của các hành cung thời Trần.
Nó cũng làm rõ hơn các giá trị văn hóa của huyện Hưng Hà ngày nay (Long Hưng xưa) và mối quan hệ của vùng đất này với kinh thành Thăng Long. Giá trị để lại chính là di sản văn hóa nhà Trần, nơi đó người ta gọi là “địa linh” gắn bó mật thiết tới sự hưng vượng của triều đại nhà Trần.
Một số hiện vật đã khai quật được từ di tích Hành cung Lỗ Giang. Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành. |
Việc bảo tồn di tích quan trọng này sẽ gặp phải những khó khăn gì thưa ông?
PGS.TS Bùi Minh Trí: Thuận lợi lớn nhất hiện nay chính là di tích Hành cung Lỗ Giang được bảo tồn trong lòng dân. Khi chúng tôi tiến hành khai quât, nghiên cứu và công bố những tư liệu quý giá về hành cung Lỗ Giang thì có rất đông nhân dân trong vùng đến nghe và hưởng ứng tích cực. Họ trân trọng và yêu mến nó, đồng thời các cấp chính quyền từ tỉnh cho tới địa phương cũng vào cuộc rất tích cực.
Bảo tồn di tích rất cần có sự đồng lòng của nhân dân, của các cấp chính quyền địa phương thì mới làm được, thí dụ nhỏ là hiện nay khu vực này đã hạn chế việc đào đất hay xây dựng mộ trên các khu đất cao ngoài Lăng Ngói mà sẽ dịch chuyển đến nơi khác. Khi người dân ý thức được giá trị của di tích họ sẽ đồng lòng bảo vệ, gìn giữ nó.
Mặt khác, công tác bảo tồn di tích khảo cổ học bao giờ cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, vì đây là loại hình di tích rất mong manh, rất khó bảo tồn. Chúng ta biết rằng, các di tích đều được xuất lộ dưới lòng đất, cộng với khí hậu nhiệt đới gió mùa cho nên việc xử lý bảo tồn là vấn đề không đơn giản.
Hoàng Thành Thăng Long của chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong công tác bảo tồn, nếu không nhận thức đầy đủ về công tác bảo tồn và không đủ trình độ khoa học về bảo tồn và kỹ năng xử lý bảo tồn thì trong tương lai di sản này sẽ không còn nguyên vẹn như hiện nay, nó sẽ tự phá hủy bởi sự tác động của môi trường tự nhiên và của chính con người.
Khai quật khảo cổ học đã là một lần làm ảnh hưởng tới di tích, vì nó đang nằm trong môi trường ổn định dưới lòng đất thì ta làm lộ ra, rõ ràng là sẽ bị nhiệt độ nóng ẩm tác động vào; và như vậy nếu không có đầy đủ các biện pháp khoa học bảo tồn thì sẽ hỏng thôi. Thí dụ chúng ta sẽ thấy các dấu hiệu như: đất nứt nẻ, sa mạc hóa, rêu cỏ mọc tự nhiên trên di tích. Khi đã bị “sa mạc hóa” rồi mà lại bị nước xâm nhập vào thì đất sẽ biến thành bùn và di tích sẽ hỏng.
Một điều thấy rõ là các công trình kiến trúc này không được xây dựng bằng đá hay bằng các loại vật liệu bền vững mà chủ yếu chỉ còn lại phần nền móng và nằm dưới đất, gắn liền với đất, vì vậy việc bảo tồn những di sản này chính là bảo tồn đất, mà bảo tồn đất là một thách thức rất lớn. Trong khoa học bảo tồn di sản khảo cổ không thể nghiên cứu nửa vời hay biết một tí về kỹ thuật mà có thể làm được.