Ngày 13/5, Hệ thống trường liên cấp Việt Nhật (Đà Nẵng) đã tổ chức hội thảo: “giới thiệu chương trình và phương pháp đào tạo Việt – Nhật” với sự tham gia của các giáo viên, các nhà quản lý giáo dục và nhiều phụ huynh.
Hệ thống trường liên cấp Việt Nhật (Đà Nẵng) với nhiều đổi mới trong chương trình, phương pháp đào tạo. Ảnh: LP |
Hệ thống trường liên cấp Việt – Nhật được gồm: trường mầm non Việt Nhật (trụ sở số 231/5, 231/6 đường Lê Duẫn), trường mầm non Momo và trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Nhật (trụ sở tại số 2A đường Nguyễn Qúy Đức, Đà Nẵng).
Trường được xây dựng hiện đại, đảm bảo chuẩn về cơ sở vật chất, mỗi phòng học có đầy đủ phương tiện dạy học truyền thông và hiện đại.
Có tất cả các phòng chức năng, hồ bơi, sân bóng, bãi tập… là ngôi trường không chỉ đẹp mà còn đầy đủ mọi điều kiện tốt nhất cho việc học tập và rèn luyện kỹ năng.
Ngoài ra, nhà trường còn có một nông trại Việt Nhật rộng hơn 2 hecta tại xã Điện Tiến (Điện Bàn, Quảng Nam) vừa làm nơi cho học sinh khám phá, học tập vừa là nơi cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho trường.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra những bất cập trong chương trình và phương pháp đào tạo hiện hành.
Đó là việc các cơ sở giáo dục công lập có số lượng học sinh ngày càng tăng, số trường đạt chuẩn quốc gia bị thu hẹp.
Số lượng học sinh của mỗi lớp thường vượt quá quy định. Học sinh phải học tập, sinh hoạt trong môi trường chật hẹp, thiếu sân chơi, thiếu phòng chức năng, không tiếp cận với các phương tiện học tập hiện đại, dạy học chưa gắn với thực tế.
“Vì thế, chất lượng đào tạo ngày càng thấp, chưa đạt được mục tiêu là: “hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản mà Luật giáo dục đã đặt ra.
Mặt khác nội dung chương trình hiện hành đang bộc lộ sự quá tải cần khắc phục, cần đổi mới phương pháp dạy học để học sinh không còn thụ động tiếp thu mà phải chủ động khám phá kiến thức cũng là một thách thức lớn đối với đội ngũ giáo viên, với mỗi nhà trường về phương tiện dạy học.
Học sinh sau những giờ học ở trường phải đến các lớp học thêm để được củng cố và mở rộng kiến thức.
Nạn dạy thêm học thêm tràn lan khiến việc học của con em chúng ta trở nên mệt mỏi, nặng nề, việc học không còn hấp dẫn, lý thú, thực sự đem lại niềm vui cho trẻ như mong đợi”, một giáo viên nhận xét.
Đại diện nhà trường cho hay, thế kỷ 21, thế kỷ của hội nhập và phát triển, nhu cầu học ngoại ngữ trở nên cấp thiết vì đó là chìa khóa để các em mở cánh cửa ra với thế giới.
Nhưng việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường cũng khó đem lại kết quả như mong đợi vì thiếu thốn con người, phương tiện.
Vì những lý do đó, chúng tôi đã nung nấu ý tưởng thành lập trường liên cấp Việt Nhật với mong muốn đem lại một môi trường học tập lý tưởng cho các em.
"Chương trình đào tạo được xây dựng theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng đã được sắp xếp, thay đổi một số nội dung cho liền mạch về kiến thức. Đảm bảo chuẩn về kiến thức và năng của Bộ giáo dục.
Chương trình tiếng Anh và tiếng Nhật ưu việt, kết hợp những giờ học nâng cao với giáo viên bản xứ. Chú trọng rèn luyện kỹ năng, phát triển tài năng, hình thành nhân cách cho học sinh".
Phương pháp dạy học là khuyến khích trẻ tư duy, sáng tạo, biết tự khám phá thay vì học thuộc, bắt chước.
Trường liên cấp Việt Nhật kết hợp hài hòa giữa phương pháp dạy học tích cực với tinh hoa trong đào tạo và phương pháp dạy học của Nhật Bản.
Trường Việt Nhật mong muốn góp phần tạo dựng các thế hệ những công dân toàn cầu. Đó là những công dân vững kiến thức, giàu hiểu biết, mạnh tư duy, giỏi hành động, tốt nhân cách.
Hội tụ đủ những yếu tố cần thiết về đạo đức, trí tuệ, thể chất, ngôn ngữ và kỹ năng sống để hội nhập quốc tế và vẫn giữ được bản sắc dân tộc của Việt Nam - vị này cho hay.
Tại buổi hội thảo, các phụ huynh cũng đặt ra các câu hỏi về: nội dung chương trình đào tạo, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng sống cho học sinh... của nhà trường.
Hiệu trưởng các bậc học của hệ thống trường liên cấp Việt Nhật đã có những giải thích cặn kẽ cho phụ huynh dễ hiểu.