Giáo dục là quốc sách hàng đầu - bài học từ Nhật Bản

18/08/2017 05:55
Nguyễn Quốc Vương
(GDVN) - Vụ trưởng phụ trách tài chính của Bộ Giáo dục Nhật Bản từng khóc nấc lên giữa chừng khi đề cập đến tình hình tài chính phục vụ cải cách giáo dục.

LTS: Trong quá trình cải cách giáo dục, quốc gia nào cũng sẽ cần đến nguồn lực tài chính để giải quyết những vấn đề của nền giáo dục cũ và xây dựng nền giáo dục mới. 

Tuy nhiên, Nhật Bản là một trong những nước trong thực tế đã giải quyết thành công được bài toán này trong hai lần cải cách giáo dục vào thời Minh Trị và hậu chiến (sau tháng 8/1945). 

Từng là nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Đại học Kanazawa - Nhật Bản nên Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương đã có dịp tìm hiểu rất kỹ càng về kinh tế tài chính trong công cuộc cải cách giáo dục ở Nhật Bản, ông có bài viết gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này. 

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi.

 
Dưới thời Minh Trị

Cho dù nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của giới trí thức Tây học và tầng lớp võ sĩ bậc thấp, chính quyền Minh Trị ngay khi thành lập và tiến hành cải cách đã vấp phải rất nhiều khó khăn. 

Một trong những khó khăn lớn nhất khi đó là vấn đề tài chính cho cải cách giáo dục. 

Trường học cận đại được tổ chức theo mô hình phương Tây khi đó là thực thể hoàn toàn mới với người Nhật vì vậy mà nó đã vấp phải sự chống đối của chính người dân. 

Học sinh Nhật Bản, hình minh họa: 123RF.com.
Học sinh Nhật Bản, hình minh họa: 123RF.com.


Nhiều người dân không muốn cho con đến trường vì sợ mất đi nhân công lao động và khoản chi phí dành cho giáo dục. 

Trong bối cảnh đó, để đảm bảo cho trẻ trong độ tuổi đi học đến trường và duy trì tỉ lệ học sinh đi học, chính quyền Minh Trị phải tiến hành song song hai biện pháp. 

Một là cưỡng chế người dân đưa con đến trường bằng các sắc lệnh. 

Hai là hỗ trợ người dân về mặt tài chính. 

Chẳng hạn trẻ em sẽ được cấp phát đồ dùng thiết yếu khi đi học như sách giáo khoa, phấn, bút chì… Hệ thống trường tiểu học mới được xây dựng cũng tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ. 

Ngoài ra để đẩy mạnh tốc độ khai hóa văn minh, chính quyền Minh Trị đã không ngần ngại chi tiền mời những chuyên gia nước ngoài đến Nhật làm việc. 

Theo Giáo sư Ozaki Mugen tác giả cuốn sách “Cải cách giáo dục Nhật Bản” (2004), ở Nhật Bản khi đó có những cơ quan trực thuộc các bộ, tỉnh đã dành ra đến 4-5% ngân sách trả lương cho chuyên gia, nhân viên người nước ngoài. 

Thậm chí có nơi như Bộ Công nghiệp đã dành ra tới 50% ngân sách trả lương cho trí thức, chuyên gia người ngoại quốc. 

Giáo dục là quốc sách hàng đầu - bài học từ Nhật Bản ảnh 2

Việt Nam nên tham khảo cơ chế “sách giáo khoa kiểm định" của Nhật Bản

Để giải quyết khó khăn về tài chính, chính quyền Minh Trị đã đẩy mạnh thanh lọc bộ máy để hạn chế tối đa tham nhũng, lãng phí. 

Những trường hợp tham nhũng bị phát giác đã bị trừng phạt rất nặng nề. 

Ngoài nguồn lực của nhà nước, người dân Nhật Bản với khát vọng đóng góp vào sự canh tân của đất nước đã tự nguyện đóng góp tiền bạc cho ngành giáo dục. 

Sau này, các nhà nghiên cứu Nhật Bản khi nhìn vào danh sách những người đóng góp tiền cho việc xây dựng trường học ở các địa phương đã không giấu được sự kinh ngạc vì có rất nhiều người đã tự nguyện hiến những khoản tiền khổng lồ. 

Chính nhờ vào những chính sách kiên quyết, nhất quán của Chính phủ và sự nhiệt tâm với giáo dục của người dân mà vấn đề tài chính cho giáo dục đã được giải quyết. Công cuộc cận đại hóa nước Nhật thành công. 

Dưới thời hậu chiến

Sau tháng 8 năm 1945, nước Nhật bị quân đội Đồng minh chiếm đóng và phải đối mặt với tình trạng kinh tế kiệt quệ do chiến tranh tàn phá. 

Ở Okinawa, nơi diễn ra trận chiến trên bộ giữa quân đội Nhật với quân đội Mĩ và những nơi bị ném bom khác, các trường học bị phá hủy nặng nề. 

Học sinh nơi này phải học trong lều hay thậm chí là doanh trại của quân đội Mĩ. Nhiều lớp học phải tổ chức ở ngoài trời. Học sinh phải mang bàn và ghế từ nhà tới lớp học. Vật tư giáo dục vô cùng thiếu thốn. 

Lúc đó, tại Okinawa những học sinh từ lớp 4 trở lên được cấp 50 tờ giấy/tuần trong khi những học sinh dưới lớp 4 chỉ được cấp 30 tờ/tuần. Giáo viên chỉ được cấp mỗi tháng 6 viên phấn…

Giáo dục là quốc sách hàng đầu - bài học từ Nhật Bản ảnh 3

Nhật Bản đưa nội dung giáo dục quê hương vào nhiều môn học

Những bữa ăn trưa của học sinh tiểu học khi đó phải dựa cả vào viện trợ của Mĩ. 

Trong năm học 1947, Bộ Giáo dục đưa ra dự toán yêu cầu phải có 6 tỉ 800 triệu yên trong đó có 4 tỉ 300 triệu yên dành cho xây dựng trường học. 

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng sẽ không có một yên nào dành cho việc xây dựng trường học và chỉ chấp nhận cấp 800 triệu yên trả lương cho giáo viên. 

Tình hình tài chính khó khăn đến độ gần như Nhật phải hoãn thực hiện chế độ giáo dục nghĩa vụ 9 năm (6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở). 

Nhiều trưởng thôn, trưởng khu phố và quan chức địa phương đã bị cách chức, đổi công tác, thậm chí có những người tự sát vì áp lực phải chuẩn bị cơ sở vật chất và tài chính cho giáo dục địa phương mình. 

Trong các cuộc họp của Quốc hội Nhật vào năm 1947, tài chính giáo dục luôn là đề tài bàn luận gay gắt. 

Thậm chí trong một cuộc họp quan trọng, Vụ trưởng phụ trách tài chính của Bộ Giáo dục đã khóc nấc lên giữa chừng khi đề cập đến tình hình tài chính phục vụ cải cách giáo dục. 

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, bằng quyết tâm tự lực sắt đá, Chính phủ và người dân Nhật đã thắt lưng, buộc bụng để dành nguồn lực tài chính cho cải cách giáo dục. 

Ủy ban cải cách giáo dục đã ra Tuyên bố về việc thực thi chế độ giáo dục nghĩa vụ (20/2/1947) yêu cầu chính phủ và quốc dân Nhật kiên quyết vượt qua khó khăn để thực hiện cho được chế độ giáo dục nghĩa vụ 9 năm nhằm tái thiết tổ quốc. 

Ngày 26/2/1947, Chính phủ ra Quyết định thực hiện chế độ trường học mới nhằm thực thi yêu cầu này. 

Tháng 8 năm 1952, Quốc hội Nhật Bản thông qua Luật phụ đảm ngân sách quốc gia đối với chi phí dành cho giáo dục nghĩa vụ và Luật phụ đảm ngân sách quốc gia đối với chi phí xây dựng các trường công lập. 

Nhờ quyết tâm với tinh thần tự lực lớn lao và các biện pháp cụ thể nói trên, tình hình tài chính dành cho giáo dục dần được cải thiện. 

Cải cách giáo dục thời hậu chiến đã diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn quốc. 

Hơn 15 năm sau cải cách giáo dục, Nhật Bản đã thoát khỏi khủng hoảng, trở lại vũ đài quốc tế trong địa vị là nước dân chủ và hùng mạnh về kinh tế. 

Nguyễn Quốc Vương