Tại Việt Nam, gần đây, nhiều câu lạc bộ hiệp sĩ được thành lập và từ “hiệp sĩ” xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và các hiệp sĩ được biết đến với cái tên “hiệp sĩ đường phố”.
Họ có nhiều đóng góp cho hoạt động giữ gìn trật tự công cộng, đặc biệt là hoạt động săn bắt tội phạm. Tuy nhiênĐể hiểu hơn về danh “hiệp sĩ đường phố”, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với LS. Lê Minh Công – Trưởng Văn phòng luật sư số VI (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) về vấn đề này.
Hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến (người cầm lái) đưa đối tượng cướp giật là Nguyễn Ngọc Châu về cơ quan Công an (Ảnh NLDO) |
PV: Thưa ông, vị trí pháp định của các hiệp sĩ trong pháp luật Việt Nam như thế nào?
LS. Lê Minh Công: Ở Việt Nam, pháp luật không có quy định nào về hiệp sĩ cả. Hiệp sĩ là danh do nhân dân tự phong. Và do đó cũng không có chế độ nào dành cho hiệp sĩ ở Việt Nam cả.
PV: Họ có quyền bắt người phạm tội không và họ được pháp luật bảo vệ như thế nào khi xảy ra sự cố rủi ro?
LS. Lê Minh Công: Đối với việc bắt cướp hoặc bắt phạm tội quả tang thì không cứ hiệp sĩ mà bất kỳ người dân nào cũng có quyền bắt. Sau đó, việc giải quyết là của cơ quan công an.
Hiệp sĩ cũng như một người dân nhưng người ta tình nguyện bỏ thời gian, công sức, thậm chí là của cải để làm việc đó thôi. Khi xảy ra sự cố không may với họ thì họ phải tự chịu trách nhiệm. Còn sau đó nhân dân và chính quyền hỗ trợ được như thế nào thì hỗ trợ.
PV: Có thông tin về việc một số hiệp sĩ còn bắt gái mại dâm, giao cho cơ quan công an. Các hiệp sĩ làm như vậy có đúng pháp luật không, thưa ông?
LS. Lê Minh Công: Chỉ trong trường hợp hỗ trợ công an bắt người phạm tội thì được. Còn việc hiệp sĩ tự mình bắt thì lại không được bởi vì pháp luật có quy định nào về họ đâu. Họ cũng như người dân bình thường, chỉ được quyền bắt quả tang người phạm tội. Còn việc xử lý người phạm tội là của cơ quan công an.
PV: Về quan điểm cá nhân của mình, ông có nghĩ, ngày càng xuất hiện nhiều hiệp sĩ như vậy xã hội sẽ trở nên phức tạp không?
LS. Lê Minh Công: Tôi không nghĩ như vậy. Vì các tổ chức hiệp sĩ được thành lập thì cũng đều có sự giám sát và quản lý của chính quyền và công an ở địa phương đó. Không phải là họ tự phong mình là hiệp sĩ rồi ra làm là được. Nếu họ hoạt động có ích cho xã hội thì tôi ủng hộ họ.
PV: Ông có nghĩ khi một địa phương cần nhiều hiệp sĩ như vậy thì chứng tỏ sự yếu kém của công an ở địa phương đó không?
LS. Lê Minh Công: Cái đó thì không khẳng định được. Bởi vì hiệp sĩ là “danh” do nhân dân phong và hoạt động tình nguyện, hỗ trợ công an một phần. Về chức năng và nhiệm vụ quy định thì pháp luật không quy định cho họ. Chức năng đó nằm trong hệ thống an ninh nhân dân.
PV: Thưa ông, ở nước ngoài có hiệp sĩ không? Và nếu có thì được quy định như thế nào?
LS. Lê Minh Công: Nước ngoài khác nước ta. Chỉ có ngày xưa thì phổ biến nhưng họ không có hiệp sĩ đường phố. Hiện nay rõ rệt nhất là nước Anh vẫn phong hiệp sĩ. Tuy nhiên, ở họ, hiệp sĩ là một tước.
Cụ thể, một người phải đạt đến một trình độ nào đó, quá trình phục vụ nhất định, có công lao nhất định thì mới được phong thành hiệp sĩ. Tước đó của họ thì có phần tương tự như lao động tiên tiến hay anh hùng lao động, anh hùng quân đội… của nước ta. Tuy nhiên, họ không quy định cụ thể trong luật về những điều kiện để được phong tước hiệp sĩ.
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia), “hiệp sĩ” là một từ dùng để chỉ một địa vị của xã hội châu Âu. Hiệp sĩ đứng hàng thấp nhất trong giới quý tộc và vì thế không mang tính chất thừa kế. Vào thời kì Trung Cổ và Hậu Trung Cổ, nhiệm vụ chính của một hiệp sĩ là chiến đấu, đặc biệt là dưới hình thức kị binh hạng nặng.
Gần đây, hiệp sĩ đã trở thành một tước hiệu dành cho những người nổi tiếng. Danh hiệu hiệp sĩ vẫn còn tồn tại ở: Anh và các nước thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh, hầu hết các nước tại châu Âu, Malaysia, Thái Lan…
TT