Hiệu trưởng kiến nghị, nên tăng tiền trực trưa cho giáo viên mầm non

06/12/2022 06:40
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Lãnh đạo từ các phòng GD, trường mầm non đang đưa ra nhiều ý kiến, đóng góp với đề xuất giữ tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi cho GV mầm non như trước đây.

Với yêu cầu đổi mới không ngừng và nâng cao chất lượng giáo dục liên tục của đất nước, đề xuất giữ tuổi nghỉ hưu 55 tuổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Bình luận về đề xuất trên với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Dương Thị Thảo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết:

“Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Bởi, theo tôi, giáo viên mầm non nên nghỉ hưu ở độ tuổi 55 là hợp lý, bởi như vậy giáo viên mầm non cũng đã có trên 30 năm công tác. Trong khi đó, sức khỏe và yêu cầu chăm sóc giáo dục mầm non không nên để giáo viên quá lớn tuổi thực hiện do dễ gặp nhiều khó khăn.

Bà Dương Thị Thảo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Xoài).

Bà Dương Thị Thảo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Xoài).

Do đó, nếu đề xuất này được triển khai, với ngành giáo dục về cơ bản không gặp khó khăn gì. Bởi theo tôi được biết, từ có quy định nghỉ hưu ở tuổi 60 cũng không có giáo viên nào nghỉ ở tuổi này. Vì trên thực tế trước đây thực hiện như vậy, do đó cũng không gây khó khăn gì cho giáo viên”.

Mặt khác, theo bà Thảo, đề xuất này nếu có hiệu lực sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho trẻ mầm non, cho giáo viên và cho cả ngành giáo dục.

Trước hết, đối với ngành giáo dục, nếu giáo viên được nghỉ hưu lúc 55 tuổi thì ngành sẽ có điều kiện trẻ hóa đội ngũ, đội ngũ giáo viên được đào tạo mới bài bản, năng động, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Thứ hai, đối với giáo viên, thì đây là mong muốn của đa số giáo viên mầm non nên thuận lợi trong thực hiện và tạo điều kiện cho giáo viên được nghỉ ngơi khi đã lớn tuổi.

Thứ ba, đối trẻ em mầm non, trẻ sẽ thích thú hơn trong quá trình học tập khi được giáo viên trẻ giảng dạy.

Bên cạnh đó, theo bà Thảo ngành giáo dục mầm non có tính đặc thù khác biệt với các cấp học khác. Trong đó, sự khác biệt lớn nhất đó là giáo viên mầm non phải chăm sóc, nuôi dưỡng rồi đến giáo dục.

Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non đòi hỏi nhiều công sức, sự khéo léo, tận tâm… và nhiều hoạt động trẻ không tự chăm sóc bản thân được nên giáo viên phải thực hiện. Hơn nữa, thời gian làm việc của giáo viên thường kéo dài từ sáng đến chiều tối và không được nghỉ ngày nào trong tuần nên vất vả nhiều hơn.

Cũng theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Xoài, hiện giáo dục mầm non của địa phương vẫn đang gặp khó khăn, thách thức, đặc biệt là khó khăn do số trẻ tăng nhanh.

Theo đó, tuy việc huy động trẻ ra nhà trẻ mới đạt khoảng 25%, ra mẫu giáo mới đạt khoảng 87%, thấp hơn mặt bằng chung của cả nước, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc này là do thiếu giáo viên.

Các trường công lập thiếu biên chế giáo viên trong 05 năm qua, giáo viên mầm non công lập hiện nay giảm từ 330 giáo viên còn khoảng 280 giáo viên. Các trường tư thục cũng thiếu giáo viên.

Tuy nhiên, biên chế lại bị tinh giản, nguồn tuyển giáo viên khó khăn, thu nhập của giáo viên mầm non quá thấp, nhiều giáo viên mầm non có thu nhập không bằng mức lương tối thiểu vùng. Áp lực công viên cao, thời gian làm việc nhiều, các trường không có bảo mẫu nên 2 giáo viên/lớp phải chia nhau làm việc từ khoảng 6h30 phút sáng đến 17 giờ 30.

Cô Thảo mong rằng, ngành giáo dục sớm có biện pháp để khắc phục khó khăn này cho những địa phương đang gặp vấn đề như của mình.

Cũng bàn về vấn đề trên, Hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre nêu quan điểm:

“Theo tôi, nếu giáo viên giảng dạy tại các cấp học phổ thông thì dù có lớn tuổi vẫn sẽ phù hợp bởi cấp học phổ thông đòi hỏi có sự trải nghiệm, kinh nghiệm và học sinh cần trang bị kiến thức tốt nhất.

Các cô giáo Trường Mầm non Hoa Dừa, huyện Bình Đại, tỉnh Bình Thuận đang chuẩn đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ vào ngày chủ nhật (Ảnh minh hoạ: nguồn Trường Mầm non Hoa Dừa).

Các cô giáo Trường Mầm non Hoa Dừa, huyện Bình Đại, tỉnh Bình Thuận đang chuẩn đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ vào ngày chủ nhật (Ảnh minh hoạ: nguồn Trường Mầm non Hoa Dừa).

Tuy nhiên, đối với giáo viên giảng dạy ở cấp mầm non thì thẩm mỹ là rất quan trọng. Nhiều giáo viên ở độ tuổi 55 trở đi da xuất hiện nhiều đồi mồi, vóc dáng cũng không còn đẹp nên nhiều học sinh không còn gọi là cô mà sẽ gọi là bà nên cũng sẽ mất đi khí thế của một cô giáo.

Do vậy, theo tôi, giáo viên mầm non chỉ nên làm việc đến 55 tuổi chứ không nên nhiều hơn. Bởi nếu nhiều hơn, sẽ dẫn đến mất đi sự hào hứng của trẻ. Trong khi đó, việc thu hút trẻ năng động, khí thế, vui vẻ là một trong những yếu tố quan trọng của giáo dục mầm non”.

Cũng theo vị Hiệu trưởng này, do trường mầm non mà cô đang công tác thuộc vùng nông thôn nên cũng gặp nhiều khó khăn hơn.

Thứ nhất, là sự quan tâm cũng như nhận thức của phụ huynh không được như trên thành phố bởi họ chủ yếu làm vườn, kinh tế cũng khó khăn, cơ sở hạ tầng của vùng nông thôn cũng chưa được đảm bảo.

Nhiều khi ánh sáng đèn còn chập chờn chứ chưa nói đến dùng mạng Internet để cập nhật thông tin. Đường đất, vào những lúc trời mưa, trẻ cũng không được tươm tất khiến cô trò vất vả nhiều hơn.

Không những vậy, tại địa phương, nhiều trường phải chia ra 2 - 3 điểm, có nơi 4 - 5 điểm để các em học sinh được thuận tiện trong việc đi học nhưng lại gây ra khó khăn trong công tác quản lý cũng như việc rút kinh nghiệm trong công tác chuyên môn cho các giáo viên mầm non. Do đó, nhiều giáo viên ở những vùng khó khăn không được sáng tạo, nhạy bén như những giáo viên ở những thành phố hay khu trung tâm.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường cũng chưa được đảm bảo nhưng kinh tế của người dân khó khăn nên khó có thể thực hiện được công tác xã hội hóa.

Mặt khác, theo vị hiệu trưởng, so với giáo án của bậc học khác, giáo án của cấp mầm non phải soạn theo sự phát triển của trẻ, trẻ phát triển tới đâu, giáo viên phải soạn giáo án theo tới đó, rồi phải chuẩn bị các đồ chơi cho tiết học hôm sau nên rất vất vả.

Do đó, vị hiệu trưởng đề nghị, nên tăng tiền trực trưa cho các cô giáo mầm non bởi giờ trưa đáng lẽ là giờ để mọi người ăn uống, nghỉ ngơi, thì các cô vừa phải lo bón cơm cho các em học sinh ăn, rồi dọn dẹp, lo chỗ cho các em ngủ mà một lớp ít cũng có 25 - 30 trẻ/lớp. Khi trẻ ngủ thìLúc các em ngủ thì lo lắng, nhiều em còn khó ngủ, tối về thì phải cân bằng giữa công việc gia đình và công việc dạy học.

Hơn nữa, vị hiệu trưởng cũng mong Nhà nước nên quan tâm hơn đến vấn đề cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng ở những vùng khó khăn trong kinh tế, khó làm công tác xã hội hóa, thì các cô sẽ tập trung để làm tốt hơn được công tác chuyên môn của mình.

Trà My