Ứng viên trúng tuyển hiệu trưởng chia sẻ cách quản lý khi ở ngôi trường mới

01/11/2022 06:59
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Khánh Thiện có những chia sẻ về việc thực hiện Đề án phát triển trường, được trình bày trong quá trình thi tuyển. 

Một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức tuyển dụng vị trí lãnh đạo nhà trường (hiệu trưởng, hiệu phó) bằng hình thức thi tuyển như ở Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Phú Yên…

Để được trúng tuyển vào vị trí lãnh đạo trên, các ứng viên dự tuyển thường sẽ phải vượt qua 2 vòng là làm bài kiểm tra viết và trình bày Đề án phát triển nhà trường.

Vậy ứng viên trúng tuyển vị trí lãnh đạo nhà trường thực hiện Đề án khi về trường mới ra sao và họ sẽ gặp những khó khăn, thuận lợi gì?

Để trả lời cho câu hỏi trên, trao đổi với Tạp chí điện Giáo dục Việt Nam, cô Dương Thị Hương - nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) trúng tuyển vị trí Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Khánh Thiện vào tháng 4/2022, có những chia sẻ xoay quanh vấn đề trên.

Khu vực sân chơi của Trường tiểu học Lương Khánh Thiện khá nhỏ hẹp. (Ảnh: NVCC)

Khu vực sân chơi của Trường tiểu học Lương Khánh Thiện khá nhỏ hẹp. (Ảnh: NVCC)

Về ngôi trường tiểu học Lương Khánh Thiện, nơi đây có diện tích khá hẹp chỉ với 3.000 m2, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập để phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 còn thiếu nhiều.

Về học sinh, trong hai năm học vừa qua, trường không có em nào đạt học sinh giỏi, nên trong hoạt động tham gia các kì thi học sinh giỏi là không có. Bên cạnh đó, nhiều học sinh với bản tính nhút nhát, lại ít được tham gia các hoạt động trải nghiệm khiến các em thu hẹp mình với mọi người.

Cô Dương Thị Hương cho hay, trong Đề án xây dựng và phát triển trường Lương Khánh Thiện giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030, nhà trường đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt trường chuẩn quốc gia.

Trong Đề án phát triển Trường tiểu học Lương Khánh Thiện, cô có nêu về việc tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh và có học sinh tham gia kì thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Chia sẻ về đội ngũ giáo viên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Khánh Thiện cho hay, giáo viên trong trường với hầu hết 100% đều có bằng đại học, trình độ chuyên môn của họ đều khá tốt. Bên cạnh đó, là sự nhiệt tình, nhiệt huyết trong các hoạt động đoàn thể của các thầy cô.

Bên cạnh những mặt ưu điểm trên của các giáo viên, cô Hương cũng thẳng thắn chia sẻ về những mặt còn tồn tại của các đồng nghiệp về công nghệ thông tin.

Các thầy cô tổ chức trung thu cho học sinh. (Ảnh: NVCC)

Các thầy cô tổ chức trung thu cho học sinh. (Ảnh: NVCC)

Để khắc phục những tồn tại trên theo Đề án phát triển trường, cô Hương đã tổ chức tập huấn cho các giáo viên và để bài bản, nhà trường bố trí giáo viên tin học giảng dạy cho mọi người.

Chia sẻ về học sinh, cô Hương cho hay, nếu như tại trường cũ của cô công tác, năm học trước có 6 học sinh giỏi tham dự kì thi học sinh giỏi cấp huyện có 5 em đạt giải, còn tại trường mới thì trong hai năm vừa qua, nhà trường không có học sinh giỏi.

"Mục tiêu của tôi là học sinh được tham gia tất cả cuộc thi cấp huyện và tỉnh, mỗi cấp có ít nhất một học sinh tham gia", cô Hương chia sẻ.

Để thực hiện mục tiêu trên, nhà trường sẽ chọn những em học sinh có lực học tốt và ghép thành một nhóm lớp ôn luyện riêng. Một lớp sẽ có khoảng hơn chục em và qua chọn lọc sẽ lấy khoảng 3 học sinh đi thi học sinh giỏi. Những học sinh này phải giỏi ở tất cả các môn như Văn, Toán, Tiếng Anh...

Ngoài việc trao thưởng cho các em đạt giải, nhà trường còn đặt ra chế độ bồi dưỡng cho các giáo viên ôn luyện nhằm khích lệ, động viên họ.

Với việc giảng dạy trên lớp học, Hiệu trưởng nhà trường cho học sinh tham gia các cuộc thi trên máy tính. Tuy nhiên, do địa hình vùng núi nên đường truyền chập chờn khiến nhiều lúc Hiệu trưởng cũng nhường máy cho các em làm bài thi.

Trong Đề án của cô Hương cũng có đưa ra biện pháp gộp hai điểm trường về trường trung tâm để tạo sự thuận lợi cho học sinh, giáo viên.

"Hai điểm trường có tổng 3 lớp với hơn 40 em học sinh, cách trường trung tâm 6-7 cây số, đường đi vào ngày mưa thường ngập úng, trơn trượt, nếu mưa to thì giáo viên và học sinh phải nghỉ. Bởi vậy, đầu năm học, nhà trường đã bỏ hai điểm trường này để các em về trường trung tâm", cô Hương chia sẻ.

Cô Dương Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Khánh Thiện (Ảnh: NVCC)

Cô Dương Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Khánh Thiện (Ảnh: NVCC)

Năm nay, ngoài điểm mới là dồn các điểm trường, nhà trường còn cho học sinh mang cơm đi ăn tại trường và sẽ có giáo viên trông các em.

Cô Hương lý giải việc nhà trường không nấu cơm cho các em, bởi nơi đây điều kiện còn nhiều khó khăn và ít học sinh.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Khánh Thiện cho hay, với hơn 40 học sinh tại điểm trường về trường trung tâm nâng tổng số học sinh toàn trường là hơn 300 em. Tuy nhiên, diện tích trong trường chỉ rộng hơn 3000 m2, sân chơi hẹp, không có nhà đa năng, phòng học các bộ môn....

Ví như thư viện của nhà trường đã phải ngăn làm đôi, một phần để các trang thiết bị học tập. Đồng thời dụng cụ học tập trong trường cũng đã bị xuống cấp, cũng là bài toán phải chờ kinh phí ngân sách. Nếu kêu gọi xã hội hóa từ cơ quan, doanh nghiệp ngoài trường cũng khó khăn, bởi trường ở nơi cách xa trung tâm huyện hơn chục cây số.

Để cho học sinh năng động, tự tin, Đề án phát triển nhà trường cũng nêu rõ, trong năm học này, cô Hương dự định tăng cường hoạt động cho các em học sinh trong trường. Dự kiến nhà trường sẽ cho các em đi tham quan Lăng Bác.

"Từ trước tới nay có nhiều em chưa từng một lần được đi ra khỏi tỉnh, do điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn", cô Hương chia sẻ.

Hiệu trưởng nhà trường cũng cho hay, bên cạnh đó, đơn vị sẽ đưa các chương trình trải nghiệm vào trong trường, ví như tổ chức các chương trình văn nghệ, mời các chuyên gia về chia sẻ kinh nghiệm sống cho các em học sinh...

Đồng thời, đối với giáo viên, nhà trường cũng sẽ tăng cường cho họ đi giao lưu với một số trường, đơn vị khác và đi học hỏi kinh nghiệm giảng dạy. Tuy nhiên, cô Hương cho hay, để làm được việc này thường xuyên cũng phải phụ thuộc vào kinh phí.

Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tăng cường cho các giáo viên được giao lưu với một số trường khác và trau dồi kinh nghiệm giảng dạy. Tuy nhiên việc này cũng sẽ hạn chế bởi phụ thuộc vào kinh phí.

Mạnh Đoàn