Phát hiện nhiều tình tiết mới vụ nhà báo nhận hối lộ 220 triệu đồng

06/05/2011 07:55
Cơ quan An ninh điều tra Bộ CA đã có kết luận chính thức về hành vi vi phạm pháp luật của ông Phan Hà Bình, bút danh Hà Phan - nguyên Phó TTKTS báo Tiền phong.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có kết luận chính thức về hành vi vi phạm pháp luật của ông Phan Hà Bình, bút danh Hà Phan - nguyên Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong.
Sau khi bị bắt khẩn cấp lúc đang nhận 220 triệu đồng của Công ty cổ phần Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ, Phan Hà Bình (bút danh Hà Phan - nguyên Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong) khai nhận, bằng cách hù dọa một doanh nghiệp khác, Bình đã nhận trót lọt 1.000 USD “tiền im lặng”...
Muốn “êm” thì phải chi
Phan Hà Bình bị bắt tối 13.10.2010
Phan Hà Bình bị bắt tối 13.10.2010
Theo kết quả điều tra, ngày 13.10.2010, Hà Phan đã cùng phóng viên Quang Long có bài viết “SGT và KBC - Dự án tỷ đô đầu voi đuôi chuột” với nội dung bất lợi cho Công ty cổ phần Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ.
Trong thời gian thu thập thông tin để viết bài và sau khi bài báo đã được đăng, Phan Hà Bình đã nhiều lần đến gặp Nguyễn Cẩm Phương - Giám đốc truyền thông của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn - để đòi chi tiền. Mỗi lần đến gặp bà Phương, Hà Phan hù dọa nếu không chi tiền thì sẽ tiếp tục viết thêm nhiều bài báo gây bất lợi cho doanh nghiệp này.
Theo Cơ quan ANĐT, năm 2010, mặc dù biết Phan Hà Bình ngoài việc làm phóng viên cho Báo Tiền Phong, còn làm Thư ký tòa soạn cho Báo Xe và Thể thao (với mức lương 8 triệu đồng/tháng) là trái với quy chế của báo nhưng ông Tổng Biên tập Đoàn Công Huynh vẫn cho làm các thủ tục bổ nhiệm Phan Hà Bình làm Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong.
Theo Cơ quan an ninh điều tra, trước và sau khi được bổ nhiệm, Phan Hà Bình đã biếu ông Huynh một máy nghe nhạc Ipod và một máy tính bảng Ipad. Đến nay, ông Đoàn Công Huynh đã giao nộp hai chiếc máy này cho cơ quan công an.
Sau nhiều lần thương lượng, cuối cùng Phan Hà Bình ra giá, nếu được chi 200 triệu đồng thì sẽ dừng không đăng các bài báo gây bất lợi cho Công ty cổ phần Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ nữa. Còn nếu được chi thêm 3.000 USD nữa thì Phan Hà Bình sẽ không những không đăng tiếp các bài báo gây bất lợi cho doanh nghiệp mà còn viết lại một bài báo khác để... lấy lại uy tín cho doanh nghiệp này.
Bị hù dọa như thế, bà Nguyễn Cẩm Phương buộc phải đưa 220 triệu đồng theo yêu cầu của Phan Hà Bình và sau đó tố cáo toàn bộ sự việc với cơ quan bảo vệ pháp luật...
Tại cơ quan điều tra, Phan Hà Bình khai nhận trước khi bị bắt, đã hù dọa và nhận 1.000 USD của một doanh nghiệp khác. Khi đọc báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Lương Tài, Phan Hà Bình phát hiện có sai phạm nên liên hệ trực tiếp và hẹn gặp lãnh đạo công ty này tại một quán cà phê.
Tại đây, Phan Hà Bình đặt vấn đề nếu mua sự im lặng thì phải chung chi 1.000 USD. Đổi lại, Phan Hà Bình sẽ không viết và đăng bài gây bất lợi cho doanh nghiệp này. Vụ này, Phan Hà Bình đã nhận trót lọt 1.000 USD...
Nguồn tin từ Cơ quan ANĐT cho biết, sắp tới cơ quan này sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố Phan Hà Bình về hành vi cưỡng đoạt tài sản 220 triệu đồng.
Đưa thông tin “phiến diện, một chiều”
Về sai phạm của hai cán bộ khác của Báo Tiền Phong, Cơ quan ANĐT khẳng định, ông Phùng Công Sưởng (Trưởng ban Thời sự - Chính trị) đã viết và đăng 10 bài báo về Vinashin, trong đó đáng chú ý có chùm bài "Cận cảnh con tàu Vinashin" đăng trên Báo Tiền Phong 3 số liên tiếp từ ngày 29.3.2010 đến ngày 31.3.2010.
Tuy nhiên, nhà báo này viết bài dựa vào tài liệu photocopy khoảng 20 trang đánh máy do một người nào đó không rõ nguồn gốc gửi đến thùng thư của Báo Tiền Phong và chưa thẩm định tính xác thực của tài liệu.
Còn ông Nguyễn Bá Kiên (Trưởng ban Kinh tế) đã viết loạt bài về sai phạm của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đăng trên Báo Tiền Phong (bài "Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam bị đề nghị thôi chức" đăng ngày 3.9.2009 và bài "TKV và các chiêu tự hại mình" đăng 2 kỳ vào ngày 7 và 8.9.2009. Để viết loạt bài này, phóng viên Bá Kiên đã sự dụng tài liệu photocopy và kết luận kiểm toán do một người nặc danh gửi đến thông qua bộ phận tiếp tân của Báo Tiền Phong.
Cơ quan ANĐT Bộ Công an cho rằng, Báo Tiền Phong đã đưa thông tin "phiến diện một chiều", sử dụng thông tin, tài liệu không có nguồn gốc rõ ràng, không kiểm chứng. Cơ quan ANĐT Bộ Công an khẳng định trách nhiệm này trước hết thuộc về ông Đoàn Công Huynh - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong và đã đề nghị cơ quan chủ quản của Báo Tiền Phong xem xét, xử lý sai phạm của các ông Đoàn Công Huynh, Phùng Công Sưởng và Nguyễn Bá Kiên theo quy định.
Liên quan đến dự án chợ Bình Phú (quận 6), Cơ quan ANĐT đang tiếp tục làm rõ hành vi "đánh hội đồng" rồi sau đó quay lại đòi tiền doanh nghiệp của một số nhà báo khác có liên quan.
Theo Võ Đức Phúc/NTNN