Hòa Bình: Tỷ lệ GV tiểu học ở 1 số trường chưa đảm bảo để dạy học 2 buổi/ngày

30/08/2023 06:20
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học 2022-2023, tỉnh Hòa Bình thiếu 127 giáo viên Tin học và 87 phòng Tin học để đáp ứng dạy Tin học bắt buộc cho học sinh lớp 3.

Trong báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023; Triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã nêu về các thành tựu địa phương đạt được, bên cạnh đó, Sở cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn ngành hiện có 18.544 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (1.466 cán bộ quản lý; 15.038 giáo viên; 2.040 nhân viên). Ngành đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông nhằmđảm bảo về số lượng và cơ cấu theo vị trí việc làm. Năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới; tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên từng bước được giải quyết.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo nhận định vẫn còn những mặt hạn chế.

Phòng tin học của trường tiểu học Mỵ Hòa (Kim Bôi) giúp trẻ tiếp cận với công nghệ thông tin, yêu thích đến trường. (Ảnh: Báo Hòa Bình)
Phòng tin học của trường tiểu học Mỵ Hòa (Kim Bôi) giúp trẻ tiếp cận với công nghệ thông tin, yêu thích đến trường. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Cụ thể, chất lượng giáo dục có sự chuyển biến song còn chậm và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là chất lượng của học viên chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông và chất lượng học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

“Chất lượng dạy học môn tiếng Anh chưa tương ứng với trình độ của đội ngũ giáo viên; tỷ lệ học sinh tiểu học được học tiếng Anh 4 tiết/tuần còn thấp so với mặt bằng chung toàn quốc;

Thiếu giáo viên môn tiếng Anh, việc bố trí giáo viên tiếng Anh chưa hợp lý. Tỷ lệ giáo viên tiểu học tại một số đơn vị chưa bảo đảm để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; thiếu 127 giáo viên Tin học và 87 phòng Tin học để đáp ứng dạy Tin học bắt buộc cho học sinh lớp 3;

Toàn tỉnh còn 71 lớp ghép, trong đó có 45 lớp ghép 2 trình độ dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, Sở Giáo dục và Đào tạo nêu.

Nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên

Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin, trong năm học vừa qua, địa phương đã tích cực tham mưu tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao bảo đảm cả về số lượng và chất lượng; sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ;

Đối với trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên thì bố trí nguồn lực để hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ; nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.

Nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 04/01/2021 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2020-2025 theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

“Đặc biệt là bố trí đủ giáo viên dạy học Ngoại ngữ, Tin học và môn học mới để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030”, Sở Giáo dục và Đào tạo nêu.

Đề xuất đối với Uỷ ban Nhân dân tỉnh

Chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố ưu tiên ngân sách địa phương, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình; có cơ chế khuyến khích phát triển loại hình trường tư thục để tăng cường tính cạnh tranh, phát triển giáo dục theo hướng chất lượng cao;

Định hướng quy hoạch, đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường tại các khu/cụm công nghiệp, khu đông dân cư nhằm đáp ứng nhu cầu cho người dân, đặc biệt là con em công nhân, người lao động.

Quan tâm, bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm ngèo bền vững và các nguồn vốn khác để đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là xây dựng trường chuẩn quốc gia…

Bố trí bổ sung ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục để bảo đảm chi cho hoạt động giảng dạy và học tập theo quy định tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đề xuất với Chính phủ

Đề xuất Chính phủ bổ sung vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030 kinh phí mua sách giáo khoa cho các trường vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn;

Sửa đổi quy định về số lượng cấp phó trong đơn vị sự nghiệp giáo dục theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với quy mô, đặc thù các cơ sở giáo dục (nhất là trường THPT chuyên, trường dân tộc nội trú, bán trú,trường có nhiều điểm lẻ).

Tham mưu sửa đổi quy định tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non để phù hợp với đặc thù công việc của giáo viên mầm non. Sửa đổi, bổ sung một số chính sách cho người học được ban hành có thời gian thực hiện đã lâu, các định mức chi trả không còn phù hợp với mức chi hiện nay.

Ban hành Thông tư quy định về kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục thường xuyên; Thông tư ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên đối với giáo viên và cán bộ quản lý Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên…

Mạnh Đoàn