Tăng phụ cấp thể hiện sự quan tâm đến giáo dục
Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã thống nhất và trình Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học nhận được sự quan tâm đặc biệt của không chỉ đội ngũ giáo viên mà còn của cả đội ngũ cán bộ quản lý.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn bày tỏ: “Đây là một thông tin vui đối với tập thể cán bộ, giáo viên, bởi nếu tăng phụ cấp ưu đãi nghĩa là thu nhập của giáo viên mầm non, tiểu học sẽ cao hơn và đời sống theo đó cũng sẽ được cải thiện.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: NVCC. |
Chắc chắn, tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên sẽ mang lại tác động rất tích cực, bên cạnh việc động viên đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, giảm bớt những “gánh nặng”, khó khăn trong chi tiêu trong sinh hoạt gia đình, còn thể hiện sự quan tâm, đồng hành của các cấp ngành đối với đội ngũ ngành giáo dục”.
Năm 2022, ngành giáo dục đối mặt với việc nhiều giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, một trong những nguyên nhân chính là do thu nhập không đáp ứng được đời sống. Theo vị Giám đốc Sở, để “giữ chân” đội ngũ giáo viên, cần có giải pháp tổng thể và phải thực hiện trong thời gian dài, song, “gốc rễ” là phải giải quyết vấn đề thu nhập.
“Giáo viên phải đảm bảo được cuộc sống tối thiểu mới an tâm làm nghề. Nếu đồng lương, thu nhập có thể đảm bảo cuộc sống, thì giáo viên sẽ không còn phải nghĩ đến chuyện làm thêm, tìm cách kiếm thêm thu nhập. Lúc đó, thầy cô chắc chắn cũng sẽ yêu nghề hơn. Đó là điều mà ai cũng mong mỏi... Ngoài ra, cũng cần ghi nhận, dành cho giáo viên sự trân quý. Đó cũng là cách để mỗi giáo viên có thêm động lực cống hiến cho sự nghiệp trồng người” - ông phân tích.
Giáo viên được tăng phụ cấp, tăng thu nhập, sẽ không phải bươn chải kiếm thêm thu nhập, sẽ yêu nghề hơn. Ảnh minh họa: Ngân Chi. |
Về mức tăng phụ cấp ưu đãi, 10% đối với giáo viên mầm non và 5% đối với giáo viên tiểu học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn cũng chia sẻ thêm: “Nếu có thể đề xuất tăng nhiều hơn nữa thì càng tốt, càng tạo được động lực với các thầy cô, vì có thể san sẻ nhiều hơn, tất nhiên cũng phải cân đối với nguồn lực đáp ứng...
Các thầy cô ai cũng mong mỏi đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi sớm được phê duyệt. Điều này cũng thể hiện rõ quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ các thầy cô giáo.
Đồng thời, với sự quan tâm ấy, chắc chắn sẽ góp phần tăng nguồn tuyển, các thí sinh vào sư phạm cũng tăng và sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra cũng mong muốn gắn bó với nghề hơn”.
Đồng quan điểm đó, ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết: “Chúng tôi cũng đã có những thông tin về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã thống nhất để trình Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non và tiểu học.
Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái. Ảnh: Trinh Phúc. |
Việc đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các Bộ, ngành đối với giáo viên cấp học mầm non và tiểu học. Cùng với việc tăng mức lương cơ sở từ tháng 07/2023 tới đây, việc tăng phụ cấp cho giáo viên sẽ giải quyết được phần nào những khó khăn, tạo thuận lợi hơn để giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề”.
“Với mức lương hiện nay của giáo viên các trường công lập, được đánh giá là khá thấp so với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là ở cấp học mầm non, tiểu học và các thầy cô giáo công tác ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Việc tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên nói chung là tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở trường học” - vị Giám đốc Sở chia sẻ.
Đề xuất quan tâm hơn đến chính sách thu hút giáo viên lên vùng khó
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cũng bày tỏ: “Hiện nay, đội ngũ giáo viên thiếu nhiều so với quy mô trường, lớp, nhất là ở các trường vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (tỉ lệ giáo viên hiện nay của Yên Bái mới đạt khoảng 85% so với định mức).
Việc tuyển dụng, sắp xếp, bố trí giáo viên để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục và nâng cao chất lượng gặp nhiều khó khăn; nhất là các môn Ngoại ngữ, Tin học khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái trong một lần thăm Trường Mầm non Thực hành. Ảnh: yenbai.edu.vn. |
Do đó, chúng tôi đề xuất các Bộ ngành Trung ương nghiên cứu, có các chính sách thu hút đối với giáo viên mới được tuyển dụng lên công tác tại các trường vùng cao, vùng khó khăn.
Hiện tại, Yên Bái đã có chính sách thu hút giáo viên lên công tác tại các địa bàn vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; tuy nhiên, do nguồn kinh phí rất hạn hẹp, chính sách mới hỗ trợ thu hút đối với giáo viên Tin học, Ngoại ngữ); đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất hỗ trợ các nhà giáo khi đến công tác ở địa bàn vùng khó, giúp nhà giáo yên tâm, công tác lâu dài, đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn”.