Andrew Lam, biên tập viên của New America Media ngày 28/12 bình luận về sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ, từ hòa dịu đến ngăn chặn bành trướng ở Biển Đông. Ông cho rằng, trong địa chính trị khi các giải pháp hòa dịu đã thất bại là lúc phải tính đến các biện pháp răn đe. Không nơi nào thể hiện rõ điều này hơn Biển Đông hiện nay.
Chiến hạm Mỹ, hình minh họa: Cdanews.com. |
Hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên tuyến đường vận tải hàng hải chiến lược của cả khu vực và tài nguyên chưa khai thác ở Biển Đông đang biến vùng biển này thành điểm nóng toàn cầu.
Tháng 10, Mỹ đã phát tín hiệu về quyết tâm của mình để khẳng định quyền tự do hàng hải bằng việc điều tàu khu trục USS Lassen tuần tra bên trong 12 hải lý quanh đá Xu Bi, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Bắc Kinh đã tỏ ra khá bối rối trong tình huống này và cảnh báo về một cuộc chiến tranh tiềm ẩn.
Hàng triệu người dân ở các nước Đông Nam A đang có cuộc sống phụ thuộc vào Biển Đông, nay Trung Quốc lại chơi bài "kẻ xâm lược" khi nhận thấy sự thiếu vắng hiện diện đủ mạnh của Hoa Kỳ.
Tác giả cho hay, Trung Quốc đã nhiều lần đâm tàu cá Việt Nam, bắt bớ ngư dân Việt Nam cũng như Philippines. Năm ngoái, Trung Quốc còn ngang nhiên kéo giàn khoan khổng lồ 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, trước đó phá hoại tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam bằng cách cắt cáp.
Trong năm 2012 Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines. Đến năm 2014 Trung QUốc bắt đầu thúc đẩy mạnh hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở BIển Đông với đường băng dài 3000 mét, sân đỗ trực thăng, trạm radar.
Các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp (bất hợp pháp) ở Trường Sa đang phát triển nhanh một cách dữ dội. Để đảm bảo nguồn cung tài nguyên thiên nhiên, Trung Quốc có thể triển khai ngoại giao quyền lực mềm ở châu Phi và Mỹ Latin, nhưng lại dùng ngoại giao pháo hạm ở Biển Đông.
Kể từ ngày 11/9/2001, Trung Quốc đã đặt cược Mỹ đang bị chi phối bởi các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan cộng với suy thoái kinh tế dẫn đến việc giảm mức độ nghiêm túc trong cạnh tranh chiến lược ở Thái Bình Dương.
Cho đến gần đây, Mỹ đã tiến hành những nỗ lực giải quyết tranh chấp khu vực bằng các giải pháp hòa dịu. Tại diễn đàn ASEAN ở Hà Nội tháng 7/2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton khi đó nhắc lại lợi ích quốc gia của Mỹ trong việc kêu gọi một giải pháp cho khu vực, nhưng tuyên bố của bà bị bỏ ngoài tai. Trung Quốc vẫn tiêp tục giả điếc và quân sự hóa Biển Đông mà không bị cản trở.
Theo một nghĩa nào đó, điều này đã buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược từ hòa dịu sang răn đe. Năm ngoái Mỹ ký thỏa thuận bwóc ngoặt với Úc về việc truy cập các căn cứ quân sự nước này.5 năm qua Hoa Kỳ và Việt Nam đã tập trận chung ở Biển Đông, bất chấp phản đối của Trung Quốc.
Trong thực tế, Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đứng lên chống bành trướng. ASEAN quá yếu và không thể tạo ra tiếng nói chung trong một mặt trận chống bành trướng từ Trung Quốc. Mỹ phải khôi phục lại sự cân bằng trong khu vực, có nghĩa là sẵn sàng mạo hiểm đối dầu một khi các giải pháp hòa bình khác đều thất bại.