Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sẽ làm thay đổi quốc phòng Việt Nam

30/09/2014 21:23
Ngọc Quang
(GDVN) - Thông tin Quốc hội Mỹ xem xét, dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí quân sự cho Việt Nam đã được đặt ra tại buổi họp báo Chính phủ cuối giờ chiều nay.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bày tỏ, Việt Nam hoan nghênh Quốc hội Mỹ đã có những động thái thể hiện mối quan hệ bình thường với Việt Nam.

"Việc Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nếu xảy ra sẽ là động thái tích cực trong thực hiện mối quan hệ bình thường với Việt Nam. Việt Nam, Hoa Kỳ đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện, nên việc gỡ bỏ lệnh cấm vận nếu xảy ra thể hiện sự tin cậy và hướng tới sự bình thường, toàn diện hơn trong mối quan hệ hai nước.

Thực tế, đất nước chúng ta đang sử dụng một số vũ khí có nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ. Việc mua sắm, tu bổ, sửa chữa là nhu cầu có thật. Việc gỡ bỏ lệnh cấm góp phần thuận lợi hơn cho Việt Nam trong thực hiện kế hoạch quốc phòng, an ninh của Việt Nam", Bộ trưởng Nên nói.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên: Việc gỡ bỏ lệnh cấm góp phần thuận lợi hơn cho Việt Nam trong thực hiện kế hoạch quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Ảnh: Ngọc Quang.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên: Việc gỡ bỏ lệnh cấm góp phần thuận lợi hơn cho Việt Nam trong thực hiện kế hoạch quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Ảnh: Ngọc Quang.

Trước đó vào ngày 23/9, trả lời phỏng vấn Reuters, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh việc Hoa Kỳ sẽ chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Phó Thủ tướng cho biết, việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí là một bước đi bình thường trong quá trình nối lại dần dần mối quan hệ giữa hai nước. 



"Gần 20 năm trước, chúng tôi đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ và vào năm 2013 chúng tôi thiết lập một quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ. Trong mối quan hệ bình thường thì việc duy trì lệnh cấm các loại vũ khí sát thương đối với Việt Nam là không bình thường. Do đó, gỡ bỏ lệnh cấm là bình thường, mặc dù chúng tôi đã bình thường hóa quan hệ cách đây 20 năm", Phó Thủ tướng cho biết.

Cũng tại buổi họp báo này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đã thông tin về những chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về nợ xấu, phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định an ninh xã hội.

Thủ tướng ra hàng loạt tồn tại, hạn chế của nền kinh tế cần khắc phục, trong đó nổi lên là: Tổng cầu vẫn còn yếu; sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn; nợ xấu còn lớn; giải ngân vốn đầu tư còn chậm; vốn đối ứng còn thiếu; cân đối ngân sách khó khăn; nợ công tăng nhanh dẫn đến phần ngân sách bố trí trả nợ tăng lên; chi thường xuyên tăng; việc thực hiện các đột phá chiến lược có mặt còn chậm; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh có những mặt, lĩnh vực còn thấp…

Thủ tướng chỉ rõ: “Chúng ta phải nhìn cái được để khẳng định; cái không được cũng phải nói rõ, không bôi đen, phải thấy hướng xử lý thế nào để tốt hơn. Tránh nói hai cực, hai phía; một phía cứ nói là tệ hại quá, quá tệ hại, ngày càng tệ hại; có hướng lại tô hồng, cho như vậy mình là nhất rồi…”.

Về nhóm nhiệm vụ liên quan đến sản xuất kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh, phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp; xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư; khuyến khích tối đa, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, cơ sở hạ tầng,… Hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp về đầu tư ở khu vực nông thôn, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch lao động theo theo hướng ly nông nhưng không ly hương.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các trọng tâm tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.Đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng giao Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng thể vấn đề năng suất lao động, phân tích đánh giá của các tổ chức quốc tế, từ đó đưa ra các giải pháp tổng thể để cải thiện và nâng cao năng suất lao động.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các thành thành viên Chính phủ chuẩn bị tốt các Báo cáo để phục vụ cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào giữa tháng 10 tới; chuẩn bị tốt nội dung, chủ động giải đáp, giải thích, giải trình, trả lời chất vấn các vấn đề mà Quốc hội và cử tri quan tâm.

Ngọc Quang