Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh, ngày 7/5/2018, một tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương (huyện Kinh Môn, Hải Dương) khiến 4 công nhân thương vong.
Ngày 8/5, Công ty thép Hòa Phát Hải Dương đã công bố thông tin chính thức về vụ tai nạn lao động vừa xảy ra.
Theo đó, lò thổi số 2 trong Khu liên hợp gang thép Hòa Phát (huyện Kinh Môn, Hải Dương) hiện đang trong trong quá trình dừng để sửa chữa, nâng cấp thiết bị từ cuối tháng 3/2018 và dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu tháng 6/2018.
Trong quá trình sửa chữa, khoảng 9 giờ 30 phút, ngày 7/5, xỉ hàn nóng rơi vào vỏ bao chứa các vật liệu chịu lửa gây cháy.
3 công nhân đã chết sau sự cố nghiêm trọng tại Công ty thép Hòa Phát Hải Dương |
Sự cố này đã khiến 4 công nhân gồm: Nguyễn Văn Tưởng (Sinh năm 1969, quê tại tỉnh Quảng Ninh); Vũ Văn Tuyền (Sinh năm 1986, quê huyện Kinh Môn), Bùi Văn Tung (sinh năm 1985, quê huyện Kinh Môn) và Hứa Văn Tâm (Sinh năm 1966, quê huyện Kim Thành) tỉnh Hải Dương bị bỏng nhiệt.
Tai nạn lao động nghiêm trong này khiến dư luận lại đặt ra câu hỏi về vấn đề đảm bảo an toàn lao động tại nhà máy này khi đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ tai nạn lao động dẫn đến chết người.
Trước đó trả lời trên Báo điện tử tri thức trẻ, bà Nguyễn Thị Cẩm Lai, phó phòng Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương) khẳng định công ty này xảy ra nhiều sự cố liên quan đến tai nạn.
Bà Lai cho biết cách đây 2 năm, một công nhân làm việc tại nhà máy thép Hòa Phát tại Hải Dương tử vong vì bỏng khi làm việc tại lò thổi.
Đáng chú ý, ngoài xảy ra những sự cố về tai nạn lao động, Công ty Thép Hòa Phát còn từng lùm xùm dư luận liên quan đến những sự cố gây ô nhiễm môi trường khiến dư luận địa phương rất bức xúc.
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân huyện huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, ngay trong những năm đầu hoạt động, công ty đã có một số vi phạm về công tác bảo vệ môi trường.
Cụ thể, năm 2011, Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường đã xử phạt 210 triệu đồng do đưa công trình vào sử dụng chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận, không phân loại chất thải nguy hại, để lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau hoặc với chất thải khác, không bố trí nơi an toàn để lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại, không dán nhãn theo quy định.
Năm 2015, Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường tiếp tục xử phạt 270 triệu do hành vi xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường và yêu cầu công ty có biện pháp khắc phục hậu quả.
Cũng trong năm 2015, Công ty Thép Hòa Phát bị người dân tố xả thải dòng nước đen ngòm ra sông Kinh Thầy.
Năm 2017, Ủy ban nhân dân huyện Kinh Môn đã đưa công ty Hòa Phát vào danh sách các cơ sở có phản ánh, kiến nghị của nhân dân, các cơ sở có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường.
Huyện Kinh Môn cũng đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thanh tra, xử lý.
Tuy nhiên từ đó đến nay, nhà máy vẫn xả thải, mặc cho người dân kêu than, sống trong lo lắng.
Rất nhiều sự cố, sai phạm liên quan đến nhà máy thép của Hòa Phát (Ảnh: Đỗ Hoàng, Lã Tiến) |
Tháng 3/2018, người dân xã Hiệp Sơn (huyện Kinh Môn) đã phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về tình trạng nhiều năm người dân trên địa bàn phải sống chung với khói bụi của nhà máy này xả ra.
Nhà nào trong khu vực này cũng rơi vào tình trạng tương tự, mái nhà phủ một màu xám đen kịt. Nhiều nhà cửa đóng chặt cửa vẫn không thoát được khói bụi.
Không ít người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền sở tại, nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy.
Buộc họ phải sống chung với lũ, thậm chí có gia đình phải đóng cửa bỏ hoang đi nơi khác sinh sống.
Nhà máy luyện thép của Công ty cổ phần thép Hoà Phát (xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, Hải Dương) đi vào hoạt động gần 10 năm cũng là thời gian người dân xã Hiệp Sơn và khu vực lân cận thường xuyên sống chung với khói bụi, tiếng ồn.
Người dân càng lo lắng hơn khi tình trạng người chết vì ung thư tại địa phương này ngày một nhiều.
Nhiều năm nay người dân hai thông An Cường và Hiệp Thượng đã không còn dám dùng nước mưa.
Đáng chú ý, người dân và chính quyền đã không ít lần phát hiện nhà máy thép Hoà Phát xả khói bụi nhưng cơ quan chức năng cho rằng không vi phạm.
Trong suốt quá trình hoạt động của công ty, vẫn còn một số ý kiến phản ánh của người dân về việc ô nhiễm môi trường.
Người dân và chính quyền nhiều lần thấy nhà máy thép Hòa Phát nhả khói bụi |
Mới nhất, ngay tại Thủ đô, dưới chân cầu Vĩnh Tuy, dư luận cũng bất ngờ với khu sinh thái được cho là có liên quan đến Tập đoàn Hòa Phát (mang tên Khu sinh Thái Hoà Phát).
Theo những thông tin đăng tải trên website Tập đoàn Hoà Phát và các công ty con của tập đoàn này thường xuyên tổ chức các hoạt động liên hoan, kỷ niệm tại Khu sinh thái Hòa Phát.
Đáng chú ý đây là khu sinh thái xây dựng trên đất nông nghiệp tại bãi sông Hồng, ngay sát trung tâm Hà Nội.
Dư luận càng bất ngờ hơn khi theo thông tin từ báo Tiền phong khu đất này nằm trong phương án xử lý các lò gạch cũ được bàn giao cho ông Nguyễn Văn Sáng, sau đó chuyển cho ông Nguyễn Ngọc Quang, thành viên của Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát quản lý, thực hiện phương án trồng các sản phẩm nông nghiệp.
Trong quá trình làm, ông Quang có vi phạm mục đích sử dụng đất, xây dựng sân golf, nhà hàng và Ủy ban nhân dân quận Long Biên đã có kết luận thanh tra số 1011 vào năm 2011 nhằm thu hồi lại khu vực này.
Đã 7 năm, khu đất này vẫn nghiễm nhiên tồn tại và coi như chưa có kết luận thanh tra.