Đa Chiều ngày 16/10 đưa tin, ngày 29/9 vừa qua tàu Ngư chính Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam đang đánh bắt trong vùng biển Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp từ 1956, 1974 đến nay). Trong cuộc họp báo ngày 15/10, có hãng truyền thông đặt câu hỏi về vụ việc với bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: Kyodo. |
Bà Oánh nói rằng mình không nắm được các thông tin liên quan đến vụ này và sẽ kiểm tra lại từ các cơ quan hữu quan. Nói rồi bà Hoa Xuân Oánh lại tiếp tục luận điệu sai trái quen thuộc rằng, Trung Quốc có cái gọi là "chủ quyền" đối với quần đảo Hoàng Sa, có quyền áp dụng các biện pháp, chế tài thực thi pháp luật với tàu thuyền nước ngoài "đánh bắt trái phép" ở quần đảo Hoàng Sa?!
Đa Chiều dẫn nguồn tin từ Thông tấn xã Việt Nam ngày 13/10 cho hay, tàu cá Việt Nam biển kiểm soát QNg-90352TS đang đánh bắt tại ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa lúc 8 giờ sáng 29/9 đã bị tàu Kiểm ngư Trung Quốc số 2 đâm vào. Trên tàu cá Việt Nam lúc đó có mặt 10 ngư dân.
Lực lượng Kiểm ngư Trung Quốc đã nhảy lên tàu cá Việt Na để "thẩm vấn" và "tịch thu" (thực chất là ăn cướp) toàn bộ tài sản của ngư dân Việt Nam, trị giá khoảng 47,6 ngàn USD rồi còn đâm thủng tàu cá Việt Nam. Chiếc tàu này bị chìm sau đó, 10 ngư dân trên tàu may mắn được các tàu cá Việt Nam đang hoạt động gần đó cứu sống.
Hành động này của phía Trung Quốc một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thói hành xử luật rừng thô bạo của Bắc Kinh với ngư dân Việt Nam, những người dân làm ăn lương thiện vì mưu sinh mà phải lênh đênh trên biển.
Chưa nói tới việc Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chỉ riêng việc cướp bóc, tấn công, đâm chìm tàu cá Việt Nam của lực lượng Kiểm ngư nước này đã không thể chấp nhận.
Nó cho thấy thói hành xử luật rừng, kẻ cướp đang được Trung Quốc mạnh tay áp dụng trên Biển Đông, gây ra những lo ngại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam cũng như các nước khác trên Biển Đông khi đánh bắt trên ngư trường truyền thống của cha ông mình, trong vùng biển chủ quyền của mình vẫn có thể bị Trung Quốc cướp tài sản, bắt bớ, đâm tàu trong khi lãnh đạo nước họ đi đâu cũng rao giảng hòa bình và nhân nghĩa - PV.