Hoàn Cầu: Nói dã tâm độc chiếm Biển Đông, Lý Hiển Long đã hiểu lầm TQ?

24/08/2013 15:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Ý của ông Long được Hoàn Cầu lý giải rằng phương thức Trung Quốc xử lý tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng trên thực tế đại diện cho bước tiến mới, bành trướng mới trong chiến lược đối ngoại, chiến lược biển của Trung Quốc, khả năng tiềm ẩn "dã tâm" bá chủ Biển Đông, thậm chí là bá chủ Thái Bình Dương.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long
Thời báo Hoàn Cầu ngày 24/8 có bài phân tích của Hiểu Ngạn lật vấn đề tranh luận với những phát biểu gần đây của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh rằng "Trung Quốc có thể kiếm được cái gì đó ở Senkaku hoặc Biển Đông, nhưng Trung Quốc sẽ mất đi danh dự cũng như địa vị của mình trong mắt cộng đồng quốc tế, những điều này Bắc Kinh cần cân nhắc kỹ càng." 
Phát biểu trên của Thủ tướng Long được đưa ra tại hội thảo quốc tế Tương lai châu Á do tờ Sankei tổ chức tại Nhật Bản hôm 23/5 đã gây sự chú ý rất lớn của giới truyền thông Trung Quốc. Trong cuốn sách ông Long vừa xuất bản có tựa đề "Lý Quang Diệu: Những suy tư về Trung Quốc, Mỹ và toàn thế giới", trong đó đặt vấn đề 1 Trung Quốc lớn mạnh có "vô hại" đối với các Đông Nam Á giống như Mỹ những năm 1945 hay không? Quan điểm của Lý Quang Diệu cho rằng Singapore không yên tâm, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều không nước nào chắc chắn về điều này. Rất nhiều các quốc gia vừa và nhỏ ở châu  Á đều cảm thấy bất an trước động thái Trung Quốc muốn khôi phục "địa vị đế quốc" của mình trong khu vực, Hoàn Cầu nhận định.
Ý của ông Long được Hoàn Cầu lý giải rằng phương thức Trung Quốc xử lý tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng trên thực tế đại diện cho bước tiến mới, bành trướng mới trong chiến lược đối ngoại, chiến lược biển của Trung Quốc, khả năng tiềm ẩn "dã tâm" bá chủ Biển Đông, thậm chí là bá chủ Thái Bình Dương. Nói rồi tờ Hoàn Cầu cho rằng đó là một nhận định sai lầm của ông Lý Hiển Long, cho rằng Thủ tướng Singapore có cách nhìn như vậy là "không hiểu văn hóa truyền thống Trung Quốc". Tuy nhiên bài báo không đưa ra được bất cứ luận điểm nào chứng minh cho nhận định này của mình. Ông Long nói, Trung Quốc có thể chiếm được nhóm đảo Senkaku mà họ gọi là Điếu Ngư nhưng sẽ mất đi uy tín và địa vị quốc tế, tờ Hoàn Cầu "phản pháo": Hoàn toàn ngược lại, nếu chính phủ Trung Quốc không bảo vệ được  tuyên bố chủ quyền ở Senkaku mà lựa chọn đối sách hèn yếu mới thực sự đánh mất niềm tin của người dân, mất uy tín và địa vị?!
Tờ báo nhắc lại phát biểu của ông Tập Cận Bình hôm 30/7 rằng Trung Quốc sẽ không nhân nhượng trong những cái gọi là "lợi ích quốc gia cốt lõi", không nhân nhượng đối với "chủ quyền lãnh thổ". Kết luận bài "phản biện" nhận định của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Hoàn Cầu cho rằng, Singapore là nước nhỏ, cũng từng có tranh chấp lãnh hải với Malaysia, Indonesia và đã nỗ lực giải quyết thông qua đàm phán, giành được những thành tựu nhất định. Là quốc gia có số lượng người Hoa chiếm đa số, có ý thức rất cao về quốc gia, "lẽ ra Singapore nên hiểu thái độ của chính phủ và người dân Trung Quốc về lãnh thổ mới phải"?! Trịch thượng hơn, Thời báo Hoàn Cầu và Hiểu Ngạn còn lên giọng cho rằng Trung Quốc là nước lớn, vị tất phải "lời qua tiếng lại" với lãnh đạo một "tiểu quốc"?! Một kiểu lý sự cùn, tư tưởng cả vú lấp miệng em của Thời báo Hoàn Cầu khi "phản biện" một chính khách tên tuổi như Thủ tướng Lý Hiển Long thật khó hiểu nổi.
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Mọi ý kiến nhận xét, đóng góp về bài viết xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ doanphuc@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!

Hồng Thủy