Tại kỳ họp Quốc hội khóa 13 khi chất vấn Thủ tướng Chính phủ, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đã đề cập tới cụm từ “văn hóa từ chức".
Đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 vừa qua, đại biểu này tiếp tục đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề trên.
Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự đồng tình với quan điểm về văn hóa từ chức của ông Dương Trung Quốc.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, điều này là cần thiết: “Những người do sức khoẻ, do hoàn cảnh gia đình, do năng lực mà từ chức thì hoan nghênh. Do đó, văn hóa từ chức là cần thiết", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cho biết thêm, ông sẽ giao cho Bộ Nội vụ có quy định “tạo điều kiện” cho những người cần phải từ chức.
Lịch sử quan trường đã chứng kiến những người “treo ấn, từ quan” vì có vi phạm và tự nhận thấy mình không xứng đáng tại vị.
Cũng có những cán bộ tự thấy mình không thể làm tròn trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, sức khỏe, năng lực không đảm bảo, muốn được nghỉ sớm để nhường lại “ghế” cho đội ngũ kế cận.
Tuy nhiên, thực tế số người “treo ấn, từ quan” thuộc 2 trường hợp trên không nhiều.
Ở nhiều nước trên thế giới, có nhiều nước xem việc từ chức là chuyện bình thường, nhẹ nhàng.
Nhưng ở nước ta, quan niệm từ chức, hoặc nghỉ việc còn nặng nề, nên rất ít trường hợp dũng cảm từ chức.
Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn. Ảnh: Hồng Nguyên |
Mới đây, câu chuyện ông Chu Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn viết đơn việc xin nghỉ công tác để làm chế độ nghỉ hưu trước tuổi với lý do “sức khỏe giảm sút nhiều do tuổi tác và do áp lực công việc ngày càng lớn, cùng một số lý do cá nhân” tiếp tục hâm nóng vấn đề cán bộ “treo ấn, từ quan”- điều ít xảy ra trong thực tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, một số cán bộ, trong đó có cả trường hợp ông Chu Anh Tuấn đã dũng cảm khi nhận thức hết sức nghiêm túc về việc “từ quan” của mình.
Trong khi đó, Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc cán bộ cáo quan, về hưu sớm trong trường hợp nói trên cần được xem xét ở nhiều khía cạnh:
“Thứ nhất, nếu cán bộ vì sức khỏe có vấn đề, hoặc vì gia đình hay một số lý do nào đó mà không kham nổi công việc, mà nếu họ làm tiếp thì công việc không trôi chảy mà xin nghỉ thì trong nên đáp ứng nguyện vọng của cán bộ đó.
Nếu quả thực người ta nói rằng không thể đảm nhiệm cương vị và công việc hiện tại thì bắt họ làm tiếp thì có làm việc cũng chưa chắc đã hiệu quả.
Nếu cán bộ vì bất mãn với tổ chức (xuất phát từ yếu tố cá nhân) và xin từ chức, hoặc xin nghỉ thì nên tạo điều kiện cho người đó nghỉ việc.
Còn nếu cán bộ nhận sai và khắc phục vi phạm thì lúc đó cần xem xét thấu đáo công việc của họ.
Bên cạnh đó tổ chức, đơn vị quản lý cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ để biết họ cần giúp đỡ gì không?
Thậm chí có thể chuyển đổi cho họ một công việc gì đó phù hợp với khả năng, năng lực, sức khỏe của họ.
Thứ 2, nếu cán bộ có vi phạm, vi phạm nghiêm trọng và họ tự nguyện “từ chức” thì nên cho họ nghỉ việc.
Trong trường hợp này, cán bộ cảm thấy mình đã không làm tròn trách nhiệm thì cũng nên thôi chức.
Nếu cán bộ không tự nguyện làm nhiệm vụ được giao thì cũng nên cho nghỉ.
Chúng ta không phải thiếu người tài đến mức cán bộ đó nghỉ là sẽ không có ai thay thế được. Có khi còn nhiều người giỏi hơn cán bộ này thì sao?
Tuy nhiên, xét ở một phương diện nào đó thì nên hoan nghênh việc họ “treo ấn, từ quan” để nhường vị trí cho người khác.
Thứ 3, trường hợp cán bộ bị kỷ luật nhưng xin nghỉ việc để “trốn” kỷ luật thì phải xem xét thật kỹ. Không phải cán bộ xin về là xong chuyện.
Trong trường hợp này, tổ chức cần phải xem xét trách nhiệm kỷ luật cán bộ vi phạm, sau đó mới cho nghỉ việc.
Nếu cán bộ về hưu thì cũng phải đem ra xử lý nếu phát hiện có vi phạm trước đó và vi phạm đó đến mức phải kỷ luật”, Giáo sư Phạm Tất Dong phân tích.
Thầy Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh nguồn vov). |
Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, trường hợp cán bộ có vi phạm xin nghỉ việc là điều khó có thể chấp nhận được.
“Văn hóa từ chức là khi cán bộ có chức vụ cảm thấy mình không đảm đương được công việc vì sức khỏe hạn chế hoặc lý do nào đó có thể chấp nhận được.
Nhưng nếu cán bộ đã vi phạm khuyết điểm trong quản lý thì phải xem xét trách nhiệm.
Trường hợp này theo tôi chưa vội cho họ nghỉ hoặc từ chức mà phải đình chỉ công việc và xem xét trách nhiệm”.
Phó Giáo sư Bùi Thị An cũng cho rằng, câu chuyện từ chức ở Việt Nam đối với cán bộ là điều còn mới và chưa trở thành tiền lệ:
“Người ta thường nói, chức tước thường gắn với bổng lộc. Do đó, việc một cán bộ bỗng dưng xin từ chức là điều hết sức khó khăn.
Chỉ khi quy định cụ thể rõ ràng trách nhiệm, nhiệm vụ của cán bộ gắn với công việc thì mới hy vọng có văn hóa từ chức”.
Nguồn tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho hay, ngày 26/4/2019 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã nhận được đơn đề nghị của ông Chu Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn về việc xin nghỉ công tác để làm chế độ nghỉ hưu trước tuổi với lý do “sức khỏe giảm sút nhiều do tuổi tác và do áp lực công việc ngày càng lớn, cùng một số lý do cá nhân”. Đơn xin “hưu non” của Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn được gửi cho cơ quan quản lý sau khi Ban Giám hiệu, cán bộ lãnh đạo nhà trường tổ chức kiểm điểm. Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đề nghị của ông Chu Anh Tuấn vượt quá thẩm quyền của Giám đốc Sở. Do đó, tập thể Ban Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo đã họp, thống nhất báo cáo Chủ tịch tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa xem xét, quyết định. Ông Tuấn trước đó được xác định là người có trách nhiệm liên quan trực tiếp tới vi phạm về công tác quản lý; các khoản thu chi ngoài ngân sách; dạy thêm, học thêm; công tác bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi; hồ sơ tuyển dụng giáo viên; quản lý sử dụng tài sản công; tổ chức trồng cây; chi trả chế độ lương thêm giờ, phụ cấp ưu đãi nhà giáo và phối hợp với trung tâm dạy ngoại ngữ cho học sinh tại trường. |