Hoàn thiện pháp luật giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại

21/12/2022 15:47
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Sự điều chỉnh của pháp luật với quá trình giải quyết các tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng còn hạn chế.

Chiều ngày 21/12, Học viện Ngân hàng phối hợp với Câu lạc bộ Khối Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức Hội thảo quốc gia “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải thương mại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam".

Hội thảo quốc gia “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải thương mại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam" được tổ chức tại Học viện Ngân hàng. Ảnh: Phạm Minh

Hội thảo quốc gia “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải thương mại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam" được tổ chức tại Học viện Ngân hàng. Ảnh: Phạm Minh

Hội thảo được tổ chức với mục đích giúp các nhà quản lý, chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu viên, người làm thực tế học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực trọng tài và hòa giải thương mại, đánh giá những quy định của pháp luật hiện hành về thực thi phán quyết trọng tài thương mại, kết quả hoà giải thương mại và những vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, từ đó đặt ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hạn chế.

Tiến sĩ Bùi Hữu Toàn – Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Bùi Hữu Toàn – Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng cho biết, tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại là một phần tất yếu đi cùng với các hoạt động kinh doanh thương mại.

Nhu cầu tất yếu của xã hội đặt ra là tìm mọi cách để giải quyết tranh chấp sao cho đỡ tốn kém, đỡ tốn thời gian, ít chi phí nhất và được thực thi hiệu quả nhất.

Ở Việt Nam, hàng chục năm trở lại đây, các quy định của pháp luật đã có, đặc biệt quy định liên quan đến trọng tài và hòa giải thương mại ngày càng được quan tâm và hoàn thiện hơn.

Tiến sĩ Bùi Hữu Toàn – Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Phạm Minh

Tiến sĩ Bùi Hữu Toàn – Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Phạm Minh

Tuy nhiên, sự điều chỉnh của pháp luật đối với quá trình giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại bằng phương thức trọng tài, hòa giải, đâu đó vẫn bộc lộ những hạn chế, đặc biệt khả năng thực thi, kết quả của trọng tài, của hòa giải trong thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét.

Điều này cũng nhận được sự quan tâm bởi nhiều chủ thể khác nhau, trong đó có các chủ thể trong quá trình phát sinh tranh chấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, Hội thảo sẽ giúp tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến trọng tài, đánh giá khả năng thực thi các quy định trong việc hòa giải, giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại.

8 đề xuất nhằm đẩy mạnh phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải thương mại, trọng tài thương mại

Tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Giang Thu – Trung tâm Trọng tài Thương mại và Đầu tư Việt Nam (VTIAC), Trường Đại học Luật Hà Nội đã chia sẻ vai trò, vị trí và định hướng hoạt động cho các tổ chức tài chính, tín dụng trong việc đảm bảo thực thi kết quả hòa giải thương mại, phán quyết trọng tài thương mại.

Phó Giáo sư Phạm Thị Giang Thu nhấn mạnh khả năng triển khai phương thức giải quyết tranh chấp thương mại. Để thực hiện được hòa giải thương mại của tổ chức tín dụng, việc chỉ ra các biện pháp bảo đảm thi hành kết quả hòa giải, phán quyết, giúp các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng nắm chắc quyền và lợi ích của mình khi tham gia giải quyết tranh chấp, đặc biệt tạo niềm tin cho các tổ chức áp dụng phương thức này.

Phó Giáo sư Phạm Thị Giang Thu chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Minh

Phó Giáo sư Phạm Thị Giang Thu chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Minh

Phó Giáo sư Phạm Thị Giang Thu nêu 8 đề xuất nhằm đẩy mạnh phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải thương mại, trọng tài thương mại của tổ chức tín dụng.

Thứ nhất, xác định rõ các loại hình tranh chấp cùng với đặc điểm của tranh chấp do các tổ chức tín dụng thực hiện và chỉ rõ tính ưu việt của phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải thương mại hoặc trọng tài thương mại.

Thứ hai, đưa phương án giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại mà một bên là tổ chức tín dụng là phương án ngang bằng với các phương án giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài và con đường tòa án.

Thứ ba, xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp bằng hòa giải hoặc trọng tài thương mại trong hợp đồng hoặc thỏa thuận mẫu về áp dụng phương pháp hòa giải hoặc trọng tài thương mại.

Thứ tư, xây dựng quan điểm thống nhất về việc cần thiết sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải thương mại trong hệ thống tổ chức tư vấn pháp lý nội bộ của tổ chức tín dụng.

Thứ năm, đào tạo cán bộ nhân viên, phổ biến kiến thức về giải quyết tranh chấp nói chung và giải quyết tranh chấp bằng hình thức Hòa giải thương mại, Trọng tài thương mại nói riêng; xây dựng hệ thống thư viện pháp lý liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động và giải quyết tranh chấp.

Thứ sáu, lựa chọn các trung tâm hoà giải thương mại chuyên sâu về lĩnh vực tài chính ngân hàng cùng đội ngũ hòa giải viên có trình độ chuyên môn tốt, hỗ trợ đắc lực cho việc tạo ra hiệu quả.

Thứ bảy, tư vấn và giải thích cho khách hàng, đối tác thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp.

Cuối cùng, khi giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên cần mềm dẻo thực hiện thương lượng như là một bước đầu tiên nhằm đối thoại để làm rõ các vướng mắc, nguyên nhân và nhất trí về cách khắc phục.

Quy định pháp luật về trọng tài thương mại còn nhiều hạn chế và cần được sửa đổi

Chia sẻ về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, Tiến sĩ Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng đã có một số khuyến nghị cho Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Minh Tú chia sẻ về vấn đề giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Ảnh: Phạm Minh

Tiến sĩ Phạm Minh Tú chia sẻ về vấn đề giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Ảnh: Phạm Minh

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý khiếu nại của khách hàng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước, áp dụng cho mọi loại hình sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính, giúp người dân nâng cao hiểu biết để tự bảo vệ bản thân, đưa ra các quyết định phù hợp về sản phẩm, dịch vụ tài chính, có ý thức tôn trọng pháp luật và đảm bảo hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính.

Thứ ba, 5 cơ quan chủ đạo tham gia vào tiếp nhận và xử lý tranh chấp lĩnh vực tài chính – ngân hàng cần chủ động xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp và chặt chẽ để có thể có những phối hợp, hỗ trợ cần thiết, giải quyết kịp thời những vụ khiếu nại có tính tập thể, có thể mang đến rủi ro cho hệ thống tài chính – ngân hàng.

Luật sư Nguyễn Văn Phúc cho rằng, quy định pháp luật về trọng tài thương mại còn nhiều hạn chế. Ảnh: Phạm Minh

Luật sư Nguyễn Văn Phúc cho rằng, quy định pháp luật về trọng tài thương mại còn nhiều hạn chế. Ảnh: Phạm Minh

Bàn về thực trạng pháp luật và thực tiễn thực thi phán quyết trọng tài thương mại ở Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Phúc – Trưởng Phòng Pháp chế, Ban Pháp chế và Tuân thủ Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình cho rằng, quy định pháp luật về trọng tài thương mại còn nhiều hạn chế và cần được sửa đổi để trọng tài thực sự được áp dụng trên thực tế, và là một sự lựa chọn ưu tiên của các bên khi phát sinh tranh chấp, đồng thời giảm áp lực cho Tòa án.

Trao đổi về vấn đề pháp luật trong giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng thông qua phương thức trọng tài thương mại, Tiến sĩ Nguyễn Mai Dung – Học viện Ngân Hàng đã nêu 4 kiến nghị để giải quyết các vấn đề bất cập trong giải quyết vấn đề tranh chấp phát sinh từ hoạt động ngân hàng ở Việt Nam.

Cụ thể, thứ nhất, các ngân hàng cần sớm nghiên cứu và ban hành hoặc bổ sung vào quy chế giải quyết tranh chấp của đơn vị mình theo hướng quy định cụ thể những tranh chấp nào ưu tiên giải quyết bằng trọng tài thương mại, từ đó soạn thảo các biểu mẫu hợp đồng tín dụng áp dụng trong từng trường hợp cho phù hợp.

Tiến sĩ Nguyễn Mai Dung chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Minh

Tiến sĩ Nguyễn Mai Dung chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Minh

Thứ hai, bổ sung quy định liên quan đến quyền phán quyết của Hội đồng trọng tài đối với người có quyền và nghĩa vụ liên quan trọng tranh chấp ở lĩnh vực ngân hàng trong Luật trọng tài thương mại năm 2010. Trường hợp nếu bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không đồng ý thì có quyền khởi kiện tại Tòa án thành vụ việc riêng.

Thứ ba, cần có biện pháp tăng cường sự phối hợp giữa tòa án và trọng tài để yêu cầu của hội đồng trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp như thu thập chứng cứ, thẩm định, giám định... được giải quyết một cách nhanh chóng.

Thứ tư, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu và triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh sự phát triển của hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại bởi những ưu thế của nó, tạo điều kiện để trung tâm trọng tài thương mại được thành lập ở các địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, sớm bổ sung quy định và tăng cường ứng dụng các phương tiện điện tử để giải quyết tranh chấp trực tuyến để việc gửi, tống đạt các văn bản theo phương thức trực tuyến giúp giảm chi phí khi tham gia tố tụng.

Phạm Minh