Theo chia sẻ từ một số chuyên gia, hiện nay có rất ít đô thị có đủ cán bộ theo đúng yêu cầu về cơ cấu nhân sự, trong khi đó, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước đã và đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Chính vì vậy, Quản lý đô thị và công trình đang là ngành học có sứ mệnh rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Vì sao Quản lý đô thị và công trình là ngành học của tương lai, đón đầu xu hướng phát triển và đổi mới?
Đánh giá về thực trạng hiện nay đối với vấn đề quản lý đô thị và công trình, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Xuân Trường - Trưởng Bộ môn Quản lý Hạ tầng đô thị, Khoa Trắc địa bản đồ và Thông tin địa lý (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ, theo nghiên cứu về Đô thị hóa Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh trong hơn 20 năm qua đã đạt được những bước tiến đáng kể về kinh tế.
Mặt khác, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh đã gây ra những hệ quả, thách thức to lớn đối với phát triển bền vững. Trước thực tiễn phát triển, nhân loại càng chú trọng đến yếu tố thông minh và bền vững của đô thị, đây được coi là xu thế khách quan.
Thầy Trường bày tỏ, theo các Báo cáo của Liên hợp quốc, dự báo đến năm 2050, số cư dân thành thị sẽ chiếm 2/3 trên tổng dân số toàn cầu và 80% GDP của toàn bộ nền kinh tế thế giới. Điều này có thể nhận định “Đô thị” là lĩnh vực được chú trọng ở mọi quốc gia, đặc biệt là một nước đang phát triển như Việt Nam. Nhận thức rõ lợi ích của Đô thị thông minh và là xu thế tất yếu của phát triển đô thị trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030, và tầm nhìn đến năm 2045.
Đến nay, Việt Nam có khoảng 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh dựa trên những điều kiện kinh tế - xã hội riêng biệt của từng tỉnh thành.
Không những vậy, theo các chuyên gia, chất lượng nhân lực là khâu then chốt nhất để quyết định chất lượng quản lý đô thị. Các tổ chức nhà nước và phi chính phủ, các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp… liên quan đến lĩnh vực đô thị, quản lý và quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý dự án đầu tư và phát triển bất động sản luôn khan hiếm nhân sự chất lượng cao.
Vì vậy, có thể nói rằng, ngành Quản lý đô thị và công trình là ngành học của tương lai, đón đầu xu hướng phát triển và đổi mới.
Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn nhân lực để đáp ứng vấn đề về quản lý các đô thị hiện đại này đang còn rất thiếu.
Trước thực tiễn phát triển đô thị và sự tiến bộ khoa học kỹ thuật của nhân loại, theo thầy Trường, việc làm thế nào để phát triển nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị đang trở thành xu thế khách quan và càng trở nên cấp bách. Do đó, ngành Quản trị đô thị và công trình đã được thành lập để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội, nhất là bối cảnh phát triển đô thị của đất nước hiện nay.
Chính điều này đã làm cho Chương trình đào tạo ngành Quản trị đô thị và công trình của Khoa Trắc địa, Bản đồ và Thông tin địa lý, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đang trở thành ngành học tiêu điểm trong giai đoạn hiện nay. Được biết, ngành Quản lý đô thị và công trình được mở tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh theo quyết định số 153/QĐ-TĐHTPHCM ngày 22/02/2022.
Có thể thấy rằng, với thực trạng như vậy, cơ hội việc làm cho sinh viên được đào tạo chính quy và có trình độ chuyên môn tốt của ngành này là rất rộng mở.
Theo đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị đô thị và công trình của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh có thể đảm nhận công việc tại nhiều vị trí, lĩnh vực như tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước: Sở, Phòng quản lý chuyên ngành về xây dựng, đô thị với thu nhập trung bình 8-10 triệu đồng/ tháng đối với sinh viên mới ra trường;
Hay tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế: Chuyên viên tại viện nghiên cứu quản lý đô thị; Chuyên viên phân tích và tư vấn dự án đầu tư; Quản lý dự án, quản lý xây dựng tại các công ty chuyên về bất động sản, xây dựng. Mức lương khởi điểm trên 10-12 triệu đồng/ tháng; Làm công tác giảng dạy liên quan đến xây dựng chính sách đô thị và quản lý đô thị tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học (trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu).
Ngành học đào tạo các nhà quản lý, vận hành đô thị hướng đến sự phát triển thông minh và bền vững
Về chương trình đào tạo, thầy Trường cho hay, ngành Quản lý đô thị và công trình nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị với mong muốn đào tạo ra thế hệ nhà quản lý trong tương lai có khả năng lãnh đạo và giải quyết những vấn đề đô thị có hiệu quả; có năng lực làm chủ công nghệ để ứng dụng vào các giải pháp tích hợp trong quản lý và vận hành đô thị hướng đến phát triển thông minh và bền vững.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của ngành học này cũng cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng nền tảng về quản lý quy hoạch đô thị, công trình kiến trúc, công trình hạ tầng kỹ thuật trong đô thị các vấn đề về môi trường và đất đai đô thị. Các kiến thức này được cung cấp thông qua việc lập và xây dựng các chính sách, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị và vùng ven đô, quản lý hạ tầng và môi trường đô thị, chính sách phát triển kinh tế đô thị và quản lý dự án xây dựng công trình đô thị.
Hơn nữa, chương trình đào tạo của ngành Quản lý đô thị và công trình cũng cung cấp kiến thức liên ngành và tư duy toàn cầu, kết nối nguồn lực và hành động địa phương.
Cụ thể, không chỉ dừng lại với hệ thống môn học đa dạng, đa lĩnh vực, chương trình giúp người học có góc nhìn đa chiều từ quy hoạch kiến trúc đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, các vấn đề về môi trường, tài nguyên thiên nhiên và xã hội, mà ở đây người học còn được giảng dạy, trao đổi với các giảng viên giàu kinh nghiệm từ đó hình thành và mở rộng tư duy toàn cầu, ứng dụng vào thực tiễn để giải quyết vấn đề xã hội.
Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp, người học sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý, năng lực tự chủ và trách nhiệm với tư duy logic, nền tảng khoa học vững chắc, chuyên môn cao và kỹ năng thực hành tốt để thực thi công việc khoa học, sáng tạo và đưa ra các giải pháp hiệu quả cho các vấn đề đô thị.
Đồng thời, các em cũng có thể làm việc trong lĩnh vực đa dạng đặc biệt là lĩnh vực quy hoạch đô thị, quản lý công, quản lý dự án, bất động sản… giúp học viên có thể kết nối các nguồn lực, cùng nhau chung tay giải quyết các vấn đề tại địa phương, tổ chức một cách hiệu quả, đồng bộ.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp bậc cử nhân có khả năng học lên các bậc học cao hơn như có thể dự tuyển chương trình thạc sĩ Quản lý đô thị và công trình tại tại các trường đại học giàu truyền thống khắp cả nước. Đồng thời, sinh viên còn có cơ hội nhận học bổng cao học và nghiên cứu sinh, có thể tìm kiếm cơ hội học bổng để học thạc sĩ, nghiên cứu sinh tại các đại học lớn trên thế giới như Đại học New Orleans (Hoa Kỳ), Collegium Da Vinci (Ba Lan), …
Em Trương Quang Công Duy – sinh viên ngành Quản lý đô thị và công trình hiện đang theo học khóa 12 tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh. Duy cho biết, khi theo học ngành Quản lý đô thị và công trình tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, em cảm nhận rõ trách nhiệm của mình đối với các vấn đề đô thị mà mình cần giải quyết.
Chính vì vậy, để có kiến thức, kỹ năng và thái độ đúng đắn, ngay từ khi bắt đầu tham gia chương trình đào tạo, em và các bạn đã được đào tạo cần phải nghiêm túc học tập, tiếp thu kiến thức đa ngành từ quy hoạch kiến trúc, hạ tầng đô thị,….
Đồng thời, Duy cùng các bạn trong ngành cũng được Đoàn – Hội sinh viên trao dồi các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc trong tương lai như kỹ năng quản lý, lập kế hoạch, kỹ năng trình bày,…; Khoa và Bộ môn quản lý ngành học thường xuyên tổ chức những hội nghị gặp gỡ đối thoại với sinh viên nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của sinh viên trong quá trình học tập, rèn luyện; Đồng thời, cung cấp cho sinh viên những thông tin liên quan về các hoạt động học tập tại trường.
Qua đó, kịp thời giải quyết những đề nghị, nhu cầu chính đáng của sinh viên nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên trong quá trình học tập và rèn luyện.
Đặc biệt, các thầy cô giảng viên của Khoa luôn rất tâm huyết trong quá trình giảng dạy, không chỉ đào tạo về mặt kiến thức mà còn truyền sự nhiệt huyết trong nghề đến với sinh viên. Chính vì vậy, Duy luôn cảm thấy mình đã lựa chọn đúng định hướng phù hợp với dự định tương lai của mình.
Có rất ít đô thị có đủ cán bộ theo đúng yêu cầu về cơ cấu nhân sự
Trong khi đó, theo một ủy viên Ban chấp hành Tổng Hội xây dựng Việt Nam, công tác quản lý đô thị hiện đang được thực hiện theo hướng đơn ngành, chủ yếu là thông qua công tác quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, năng lượng, hạ tầng xã hội, quy hoạch kinh tế-xã hội,… nên khó có thể thống nhất về chiến lược và phân bổ nguồn lực cho phát triển đô thị.
Đáng nói, đô thị có sự thống nhất về không gian và tổ chức các hoạt động như kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường sống… nên tất yếu cần nguồn nhân lực đô thị theo cách tiếp cận đa ngành. Thực tế Việt Nam hiện nay đã có tới hai trung tâm vùng đô thị với dân số gần 10 triệu dân sinh sống như Thành Phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã làm cho yêu cầu về nhân lực liên ngành, đa ngành càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Chính vì vậy, trong bối cảnh khan hiếm nguồn nhân lực chuyên môn về lĩnh vực quản lý đô thị hiện nay, việc Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo Đại học chính quy ngành Quản lý đô thị và công trình đã tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực quản lý đô thị đáp ứng với yêu cầu thực tiễn từ phía tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng.
Vị này chia sẻ thêm, tại Hội thảo "Thực trạng quản lý đô thị & Nhu cầu nguồn nhân lực liên ngành trong quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam" được tổ chức gần đây với sự tham gia của gần 200 đại biểu là học giả, chuyên gia, nhà quản lý, nhà báo, doanh nghiệp và cá nhân, một báo cáo, một khảo sát của các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị và quản lý đô thị đã cho thấy, trong 49 đô thị tham gia cuộc khảo sát, chỉ có 1 đô thị có đủ cán bộ theo đúng yêu cầu về cơ cấu nhân sự.
Trong khi đó, có đến 18 đô thị thiếu cán bộ quản lý ở mức trầm trọng. Nhân lực quản lý đô thị cần được bố trí đủ để tham gia vào mọi khâu trong hoạt động của một đô thị, ở nhiều cấp độ quản lý - từ cấp hành chính phường tới cấp thành phố và cao hơn nữa. Nhu cầu nhân lực quản lý đô thị lớn và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, song khả năng đáp ứng hiện nay còn hạn chế.
“Nhân lực quy hoạch và quản lý đô thị được đào tạo ra nhìn chung đã phần nào đáp ứng được yêu cầu công tác phát triển đô thị hiện tại.
Song, để có sự chuyển biến cơ bản gắn với chuyển đổi tư duy quản lý và phát triển đô thị, đòi hỏi phải có những nhà quản lý được đào tạo bài bản theo chương trình đào tạo được xây dựng với tầm nhìn mới, nhận thức mới về quản lý phát triển đô thị trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự đan xen nhiều chiều của các yếu tố đa ngành tác động lên các thực thể đô thị”, vị này cho hay.
Cũng theo vị này, để học tốt ngành học Quản lý đô thị và công trình, người học cần được trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý, năng lực tự chủ và trách nhiệm với tư duy logic, nền tảng khoa học vững chắc, chuyên môn cao và kỹ năng thực hành tốt để thực thi công việc khoa học, sáng tạo và đưa ra các giải pháp hiệu quả cho các vấn đề đô thị.
Sau khi tốt nghiệp, các bạn tân kỹ sư chuyên ngành Quản lý đô thị và công trình có thể tìm học bổng nước ngoài liên quan đến các ngành như Quy hoạch và phát triển đô thị, Quản lý hạ tầng đô thị, Quản lý cấp thoát nước đô thị, Quản lý giao thông đô thị, Quản lý môi trường đô thị, Quản lý công trình đô thị...