Nhu cầu lớn nhưng Kỹ thuật Trắc địa và Bản đồ vẫn khó tuyển vì tên ngành "lạ"

26/05/2024 06:31
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Việc lan tỏa ý nghĩa về sự quan trọng, các công nghệ mới được ứng dụng vào Kỹ thuật trắc địa và bản đồ tới các bạn trẻ trong xã hội hiện nay là rất quan trọng.

Mặc dù Kỹ thuật Trắc địa và Bản đồ có thể nói là một ngành công nghệ cao, tích hợp nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau như công nghệ không gian, công nghệ thông tin, Internet để thu nhận dữ liệu không gian theo các nhu cầu chính xác khác nhau của các lĩnh vực ngành nghề trong xã hội, nhờ vậy người lao động có thể có được cơ hội việc làm rộng mở cùng mức thu nhập cao, thế nhưng, do tên lạ nên nhiều sinh viên vẫn ngần ngại lựa chọn học ngành này.

Cơ hội phát triển nghề nghiệp cùng mức thu nhập ổn định

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thống Nhất - Phó trưởng khoa Trắc địa bản đồ và Thông tin địa lý, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, ngành Kỹ thuật trắc địa và bản đồ là một ngành học có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội bởi nó cung cấp kiến thức, kỹ năng cho những người làm về đo đạc, bản đồ, công nghệ thông tin địa lý, viễn thám. Các lĩnh vực này là công việc thu thập, xác định dữ liệu, thông tin không gian như vị trí, hình dạng, kích thức của đối tượng trên bề mặt trái đất bên cạnh các thông tin tính chất cho các đối tượng đó để phục vụ cho các lĩnh vực ngành nghề khác.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành gồm có Luật đo đạc và bản đồ, Nghị định 27/2019/NĐ-CP, Nghị định 136/2021/NĐ-CP và Nghị định 22/2023/NĐ-CP của Chính phủ, các tổ chức muốn được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ cần phải đáp ứng được nhân lực có bằng cấp về lĩnh vực trắc địa và bản đồ, trong đó có ít nhất 1 người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc chuyên ngành về đo đạc và bản đồ và có chứng chỉ hành nghề hạng I. Mỗi lĩnh vực trong ngành Kỹ thuật trắc địa và bản đồ cần phải có một người phụ trách kỹ thuật khác nhau.

z5450016420237_fb5686c93bc2d8663cbf224d95aecdec.jpg
Sinh viên ngành Kỹ thuật Trắc địa và Bản đồ của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi học thực hành thực địa (Ảnh: NTCC).

Với yêu cầu này, các công ty, doanh nghiệp, tổ chức có chức năng về đo đạc, bản đồ bắt buộc phải có nhận sự được đào tạo đúng chuyên ngành Kỹ thuật Trắc địa và Bản đồ. Chính vì vậy, các công ty xây dựng, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu nền, dữ liệu không gian và các đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực đo đạc, bản đồ, cơ sở dữ liệu không gian, viễn thám đều cần nhân lực đào tạo lĩnh vực Trắc địa và Bản đồ.

Ngoài ra, đối với các công ty, doanh nghiệp, tổ chức làm các lĩnh vực khác cần đến dữ liệu không gian đầu vào cho lĩnh vực hoạt động của tổ chức đó như tài nguyên, môi trường, quản lý đất đai, biển, giao thông, xây dựng, quy hoạch, hậu cần… sẽ cần kiến thức chuyên môn và kỹ năng của nhân sự được đào tạo về Trắc địa và Bản đồ. Đặc biệt, thu nhập đối với các kỹ sư ngành Trắc địa và Bản đồ hiện nay khá đa dạng tùy theo vị trí công việc sẽ dao động từ 8 triệu cho tới 15 triệu khi ra trường.

Cũng theo Tiến sĩ Trần Thống Nhất, những năm gần đây, do có các quy định pháp luật mới yêu cầu bắt buộc và được kiểm tra chặt chẽ vị trí việc làm ở các công ty, doanh nghiệp, tổ chức liên quan tới hoạt động trong lĩnh vực đo đạc, khảo sát, bản đồ, cơ sở dữ liệu không gian và viễn thám cần người có trình độ đại học ngành Trắc địa và Bản đồ nên số lượng thí sinh đầu vào đã tăng lên với tỷ lệ ở mức 2 con số. Đặc biệt là số lượng người tham gia học đại học hệ vừa làm vừa học ngành Trắc địa và Bản đồ của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh luôn ở mức tối đa chỉ tiêu tuyển sinh cho phép.

Hơn nữa, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, internet vạn vật (IoT) và các công nghệ viễn thám, máy bay không người lái, định vị toàn cầu, GIS như hiện nay, lĩnh vực Trắc địa và Bản đồ đã có nhiều công nghệ mới để thu thập dữ liệu và thông tin không gian của các đối tượng bề mặt đất hiệu quả hơn, năng suất cao hơn và ít khó khăn hơn. Sản phẩm đầu ra của ngành Trắc địa và Bản đồ được ứng dụng rộng rãi hơn cho hầu hết các ngành nghề trong xã hội để phục vụ cho việc phân tích, quản lý và đưa ra quyết định chính xác cho các nhà làm chính sách, quản lý trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, quản lý đất đai, nước, biển, giao thông, xây dựng, quy hoạch…

Về công tác đào tạo, thầy Nhất cho biết, đội ngũ cán bộ, giảng viên của khoa Trắc địa bản đồ và Thông tin địa lý, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đều là những người có tâm huyết với nghề, với sự nghiệp giáo dục với 28 cán bộ giảng viên cơ hữu tham gia thực hiện giảng dạy chuyên môn cho ngành Kỹ thuật Trắc địa và Bản đồ. Không những vậy, nguồn nhân lực của khoa đang được phát triển cả về số lượng và chất lượng với việc các giảng viên trẻ mới được đào tạo ở các cấp cao hơn từ đó nâng cao số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ. Hiện tại, khoa có 7 tiến sĩ, 3 nghiên cứu sinh và 18 thạc sĩ.

Về cơ sở vật chất, khoa hiện đang quản lý 02 phòng máy Trắc địa được Nhà trường trang bị nhiều thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu và phù hợp với thực tế sản xuất như: GPS Trimble 5700; GPS Leica SR20; GPS Leica UNO; máy toàn đạc điện tử (TC1800, Pentax, Set5E, C-100, D-50, Leica TS02…); máy kinh vĩ điện tử (DT610, T100, Horizonet-1005A…); máy thuỷ chuẩn điện tử; máy đo sâu hồi âm HydroTrac-Odom (sử dụng chung với khoa Khí tượng Thủy văn).

Hiện nhà trường vẫn đang tiếp tục đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại để đáp ứng các nhu cầu công việc công nghệ mới trên thị trường hiện tại và tương lai như máy bay không người lái (UAV), các hệ thống phần mềm xử lý ảnh không người lái, LiDAR và ảnh vệ tinh, các máy đo GPS thời gian thực độ chính xác cao và các thiết bị đo hồi âm để thu nhận dữ liệu đáy biển, đáy sông. Các thiết bị này giúp cho học viên có thể thành thạo các kỹ năng xử lý dữ liệu từ công nghệ thu nhận vị trí hiện đại ngày nay.

Để ngành Kỹ thuật Trắc địa và Bản đồ phát triển và đáp ứng nhu cầu hiện nay phục vụ cho xã hội, thầy Nhất mong rằng, việc lan tỏa được ý nghĩa về tầm quan trọng, các công nghệ mới được ứng dụng vào lĩnh vực này tới các bạn trẻ trong xã hội là rất quan trọng. Bởi, hiện nay tâm lý của các bạn trẻ khi nghe tên những ngành lạ như Kỹ thuật Trắc địa và Bản đồ thường rất ngại chọn học.

Do đó, hiện tại việc tuyển sinh cho hệ chính quy thường ít hơn hệ vừa làm vừa học vì với đối tượng đã đi làm sau thời gian họ sẽ nhận ra được tầm quan trọng cần phải có kiến thức trong lĩnh vực trắc địa bản đồ. Trong khi đó, ngành Kỹ thuật Trắc địa và Bản đồ có thể nói là một ngành công nghệ cao, tích hợp nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau như công nghệ không gian, công nghệ thông tin, Internet để thu nhận dữ liệu không gian theo các nhu cầu chính xác khác nhau của các lĩnh vực ngành nghề trong xã hội.

Đối với các bạn trẻ có niềm đam mê với việc mô hình hóa các đối tượng trên trái đất để đảm bảo độ chính xác phục vụ cho xây dựng thể giới số phục cho các lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường, quản lý đất đai, nước, khoảng sản, biển, giao thông vận tải, quy hoạch, xây dựng… có thể đăng ký học ngành này vì ngành Trắc địa và Bản đồ cung cấp dữ liệu không gian cho tất cả các ngành nghề khác nên cơ hội phát triển công việc khi học ngành này sẽ cao. Bên cạnh đó, ngành học này còn được các nước trên thế giới đánh giá cao nên phát triển rất mạnh ở các nước phát triển.

Vậy nên, không chỉ cơ hội việc làm trong nước mà những sinh viên học ngành này sẽ có cơ hội phát triển nghề nghiệp với các đối tác nước ngoài từ việc làm cho tới học nâng cao các lĩnh vực công nghệ liên quan.

Ngành học có vai trò rất quan trọng đối với nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia hiện nay

Theo chia sẻ từ một vị quản lý của Xí nghiệp Dịch vụ Trắc địa Bản đồ là đơn vị trực thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Trắc địa Bản đồ, nơi tuyển dụng nhiều kỹ sư Trắc địa và Bản đồ của khoa thì Trắc địa Bản đồ là ngành khoa học cơ bản, đo đạc, thu nhận vị trí (tọa độ và độ cao), hình dạng, kích thước, phương hướng của địa hình, địa vật trên trái đất và trong vũ trụ đã có từ lâu trên thế giới và Việt Nam.

z5450016353502_c56dfe1f282066837cada7217e22fe21.jpg
Sinh viên ngành Kỹ thuật Trắc địa và Bản đồ của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi học thực hành thực địa (Ảnh: NTCC).

Cụ thể, ngành học này có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế xã hội như nghiên cứu trái đất, vũ trụ trắc địa thiên văn, cao cấp, viễn thám; Thu nhận, phân tích đặc điểm bề mặt trái đất: viễn thám, GIS, GPS; Đo vẽ bản đồ địa hình, mặt cắt: phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng; Quan trắc, giám sát xây dựng công trình, công trình ngầm: Trắc địa công trình; Đo vẽ địa hình đáy biển: Trắc địa biển; Đo vẽ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và nhiều lĩnh vực khác.

Do đó, có thể thấy rằng, ngành Kỹ thuật trắc địa bản đồ có vai trò rất quan trọng đối với nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia hiện nay, bởi nó cung cấp cơ sở dữ liệu không gian nền địa lý cho kho dữ liệu số quốc gia. Hiện nay, nhu cầu về nhân lực của ngành này tại Việt Nam và thế giới là tương đối nhiều với mức thu nhập khá.

Vị này cũng đưa ra lời khuyên của doanh nghiệp đối với sinh viên đang theo học và có dự định học rằng cần tìm hiểu rõ đặc thù nhiệm vụ của ngành cũng như xác định mức độ đam mê của bản thân đối với nghề. Từ đó, xác định được trước lĩnh vực và nơi tham gia làm việc của bản thân sau khi ra trường.

Hơn nữa, người học cần tập trung học tập, nắm chắc các kiến thức cơ bản của ngành cũng như các môn khoa học cơ bản (toán, lý); học thêm các kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho nghề (tin học, địa lý, kinh tế-xã hội…); trau dồi kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp xã hội.

Theo chia sẻ từ em Nguyễn Hữu Nhân - sinh viên vừa mới tốt nghiệp Ngành Trắc Địa Bản Đồ của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình học tập và cả sau khi tốt nghiệp em luôn cảm thấy đây là lựa chọn đúng đắn của bản thân bởi nhà trường luôn tạo nhiều điều kiện giúp đỡ cho sinh viên trước và sau khi ra trường về phương diện học tập cơ sở vật chất, và việc làm cùng môi trường học tập lành mạnh, chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, các thầy cô của khoa Trắc địa bản đồ và Thông tin địa lý luôn tận tình hướng dẫn về cách học cũng như kỹ năng cho sinh viên; nhiệt tình giúp đỡ, chỉ dạy tận tình cho sinh viên trong quá trình học để hoàn thành tốt về mặt kiến thức chuyên môn; đồng thời, các thầy cô còn chia sẽ về các kinh nghiệm thực tế về ngành và sau khi đi làm.

Nhờ vậy, qua 4,5 năm học tập tại trường, Nhân luôn cảm thấy biết ơn cũng như tự hào khi được trường cũng như các thầy cô trong khoa giúp đỡ, truyền lửa cho sinh viên để sau khi tốt nghiệp có đủ kiến thức và kinh nghiệm khi đi làm thực tế.

Còn đối với em Huỳnh Hoàng Oanh – sinh viên đang theo học ngành Trắc địa Bản đồ, đây là ngành học rất thú vị và có sức hút đối với những bạn trẻ có niềm đam mê địa lý và công nghệ, đặc biệt là khi được học trong môi trường học tập của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh rất đa dạng với việc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành thực địa; các thầy cô giảng dạy trong ngành đều là những chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu, luôn sẵn sàng hỗ trợ và hướng dẫn sinh viên trong quá trình học tập cũng như nghiên cứu khoa học.

Tường San