Ngày 28/6, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có bài phản ánh “Hiệu trưởng điều chỉnh xếp loại hạnh kiểm cho học sinh… không trong sáng?”.
Cùng ngày, cô Vũ Thị Hồng Châu – Hiệu phó Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên đã liên hệ lại với phóng viên. Cô Châu nói, thầy Võ Ngọc Sơn – Hiệu trưởng nhà trường đồng ý làm việc với phóng viên vào sáng 29/6.
Như đã đề cập trước đó, nhiều phụ huynh phản ánh với phóng viên, thầy Sơn đã ký nhiều thông báo điều chỉnh hạnh kiểm của học sinh có những điểm đáng ngờ.
Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên. (Ảnh: H.L) |
Tháng 3/2018, bốn em học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh) tham gia đánh bạn bị cảnh cáo toàn trường và hạnh kiểm Yếu học kỳ 2 (năm học 2017 – 2018).
Việc xếp loại hạnh kiểm Yếu của các em học sinh nêu trên căn cứ vào cuộc họp Hội đồng kỷ luật học sinh ngày 20/3/2018.
Bốn em học sinh bị xếp loại hạnh kiểm Yếu thì có hai học sinh học lực Trung bình và hai học sinh xếp loại học lực Yếu.
Đến ngày 23/5/2018, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên bất ngờ ban hành Thông báo về việc phê duyệt điều chỉnh xếp loại hạnh kiểm học sinh học kỳ 2 (năm học 2017 – 2018).
Ông Võ Ngọc Sơn đã phê duyệt “điều chỉnh” xếp loại hạnh kiểm học kỳ 2 cho học sinh Đặng Mã Anh Võ (học sinh lớp 11 – đã đổi tên nhân vật) từ loại Yếu lên loại Trung bình.
Học sinh Đặng Mã Anh Võ đã có cơ hội được thi lại và được lên lớp.
Ba em học sinh còn lại cùng tham gia đánh bạn, cùng bị kỷ luật đã không nằm trong “sự ưu ái” được điều chỉnh hạnh kiểm.
Học sinh Nguyễn Phạm Hoàng Nhân do bị xếp loại hạnh kiểm Yếu và học lực Yếu, không được “điều chỉnh” hạnh kiểm nên mất cơ hội thi lại.
Đúng hẹn, ngày 29/6, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc cùng thầy Võ Ngọc Sơn.
Thầy Sơn phân tích, việc xếp loại học lực và xếp loại hạnh kiểm của học sinh căn cứ theo Thông tư 58/2011.
Thầy Sơn thừa nhận, trường có bốn em học sinh tham gia đánh bạn và bị xếp loại hạnh kiểm Yếu ngay thời gian đó. Trong vụ việc cùng tham gia đánh bạn có em tham gia ở mức độ chủ động, có em tham gia ở mức độ a-dua theo.
Sau khi ra Hội đồng kỷ luật, có những em nhìn ra khuyết điểm, có sự tiến bộ còn có những em chưa tiến bộ.
Việc ở lại hay lên lớp ảnh hưởng đến tương lai của các em học sinh nên nhà trường phải cân nhắc.
Nếu các em có cơ hội để thi lại thì nên tạo cho các em có cơ hội. Nhưng nếu các em có cơ hội mà không cho các em cơ hội thì sẽ nãn chí và bỏ nên tạo gánh nặng cho xã hội.
Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên đã căn cứ vào mức độ vi phạm của từng em, sự thành khẩn và tiến bộ trong quá trình rèn luyện. Và khi có đơn của phụ huynh xin cứu xét.
Khi phụ huynh có đơn trình bày hoàn cảnh và trình bày có sự chiếu cố với quyết tâm sẽ thay đổi thì thầy Sơn đã cho tiến hành họp lớp, lấy ý kiến của giám thị và đề xuất ý kiến của giáo viên chủ nhiệm.
Sau khi có ý kiến của tập thể học sinh, ý kiến của giám thị, ý kiến của giáo viên chủ nhiệm thì thầy Sơn có thông báo điều chỉnh hạnh kiểm.
Thầy Võ Ngọc Sơn cũng thừa nhận, việc điều chỉnh hạnh kiểm cho học sinh không thành lập Hội đồng nhưng các thành viên “cốt cán” của Hội đồng đều có ý kiến bằng văn bản.
Phóng viên đặt câu hỏi về quy trình đầy đủ là phải có Hội đồng kỷ luật xem xét để điều chỉnh hạnh kiểm cho các em. Còn đây, nhà trường chỉ có ý kiến của Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm. Các em đã bị xử lý bởi Hội đồng kỷ luật của nhà trường. Đối với những em vi phạm kỷ luật bị giáo viên chủ nhệm đề xuất và xếp loại hạnh kiểm Yếu thì khác?
Thầy Sơn đưa ra quan điểm, tháng 3 hạnh kiểm của các em khác còn xét hạnh kiểm cuối năm là khác.
Phóng viên tiếp tục với câu hỏi về việc điều chỉnh hạnh kiểm cho em Võ như thế có công bằng hay không?
Vì khi ra Hội đồng thì hành vi 4 em học sinh là như nhau thì bốn em học sinh đều biết, bốn em học sinh đều tham gia buổi xét kỷ luật đó. Khi điều chỉnh điểm thì phải có bốn em tham gia?
Thầy Sơn đánh giá, khi có đơn xin cứu xét thì phải xem từng trường hợp chứ không thể gọi bốn em ra để giải quyết, cân nhắc mức độ vi phạm.
Trường mới tham khảo, hỏi ý kiến các thành viên, gọi các thầy cô Ban Giám hiệu, gọi thầy giám thị và thầy chủ nhiệm đến để có sự trao đổi.
Đối với thầy chủ nhiệm và thầy giám thị thì có biên bản ý kiến.
Thầy Sơn vẫn khẳng định, việc xử lý hành vi đánh bạn của bốn em học sinh vào thời điểm đó là phải xếp loại Yếu.
“Gia đình tự làm đơn cứu xét chứ nhà trường không yêu cầu làm đơn. Nhà trường nhìn nhận đây là cơ hội để cho học sinh làm lại. Trong bốn em, Phúc đóng vai trò cầm đầu, lôi kéo rủ rê các bạn. Khi ra Hội đồng kỷ luật, em Phúc (học sinh không được nâng hạnh kiểm - PV) không như các bạn khác”, thầy Sơn nói.
Phóng viên tiếp tục đưa ra câu hỏi về Trường Hàn Thuyên cuối năm có khoảng 50 học sinh xếp hạnh kiểm loại Yếu nhưng các học sinh này không nhận được thông tin trong năm phấn đấu tốt thì làm đơn cứu xét gửi đến trường?
Thầy Sơn cho biết, giải quyết chưa tới 10 trường họp cho học sinh, phụ huynh gửi đơn đến nhà trường để được xem xét.
Đã thành lập Hội đồng kỷ luật thầy giáo trường Hàn Thuyên vì bài giảng thô tục |
"Tốc độ" xét điều chỉnh hạnh kiểm nhanh... đáng ngờ!
Thông tin từ thầy Võ Ngọc Sơn – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên cung cấp, ngày ngày 21/5, em Võ làm đơn gửi đến trường xin được cứu xét. Ngay trong ngày, phụ huynh cũng có đơn.
Vẫn trong cùng ngày 21/5, giáo viên chủ nhiệm cùng xác nhận ký vào đơn xác nhận với giám thị.
Đến ngày 23/5 (tức chỉ sau 2 ngày), thầy Sơn ra thông báo điều chỉnh hạnh kiểm cho em Võ.
Thời điểm này, các trường đang ráo riết chuẩn bị cho buổi lễ tổng kết năm học sắp được diễn ra.
Trong một diễn biến có liên quan, gia đình Vũ Hoàng Phúc (đã đổi tên nhân vật), cùng bị xử lý kỷ luật rất bất ngờ khi nghe tin em Võ được nhà trường làm đơn cứu xét.
Phụ huynh của học sinh Phúc nói, gia đình không hay biết nhà trường có “quy định” này.
Trước đó, ngày 27/6, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Đỗ Minh Hoàng – Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh bên lề cuộc họp báo sau kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018.
Ông Hoàng khẳng định, việc học sinh bị Hội đồng kỷ luật nhà trường họp và Hiệu trưởng thông ký quyết định kỷ luật là đúng với quy định.
Nhưng, để Hiệu trưởng được điều chỉnh hạnh kiểm cho học sinh bị kỷ luật thì Hội đồng nhà trường phải họp xem xét và trình lên cho Hiệu trưởng.
Sau đó, Hiệu trưởng mới có quyền ký quyết định điều chỉnh xếp loại cho học sinh.