Theo Dự thảo báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở giáo dục đại học đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng. Trong đó, có khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và 18-20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.
Hiện tại, trong 18 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia (theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo), ở lĩnh vực Tài chính, có duy nhất Học viện Tài chính được đề xuất.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường (Học viện Tài chính) đã có những chia sẻ liên quan đến nội dung này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường (Học viện Tài chính). Ảnh: NVCC. |
Kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số trong lĩnh vực Tài chính
Đánh giá về vai trò của việc phân tầng đại học, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trọng điểm quốc gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng nhấn mạnh: “Trong những năm qua, thực hiện Luật Giáo dục đại học 2012 (Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục 2019, giáo dục đại học của Việt Nam bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định trong thực hiện quyền tự chủ, đào tạo theo nhu cầu xã hội, góp phần nâng cao vị thế và đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập vào giáo dục đại học trên thế giới.
Tự chủ giáo dục đại học một mặt giúp các trường đại học chủ động hơn trong việc quyết định một số vấn đề về chuyên môn, tài chính, nhân sự, nhưng mặt khác lại là thách thức trong vấn đề huy động các nguồn lực tài chính.
Tuy nhiên, chính từ cơ chế tự chủ đã làm cho cạnh tranh giữa các trường đại học ngày càng gay gắt hơn, có thể trường đại học sẽ chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia. Ngoài ra, có thể việc này làm chất lượng đầu vào, đầu ra của sinh viên, học viên, chất lượng giảng dạy không còn là mối quan tâm hàng đầu nữa, mà thay vào đó là nguồn thu, số lượng sinh viên, học viên có thể tuyển sinh được.
Do đó, cần thiết nhanh chóng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, định hướng phát triển của vùng kinh tế và các địa phương. Quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học cần phải dựa trên việc phân tầng các trường đại học, từ đó có chiến lược phát triển theo tầng đại học từ cao xuống thấp. Mỗi tầng đại học sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ riêng và khai thác thị trường riêng, không có quy định chung đối với tất cả các trường đại học trong cả nước”.
Học viện Tài chính nằm trong danh sách đề xuất trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng bày tỏ: “Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng với nhà trường, chứng tỏ qua 60 năm xây dựng và phát triển, chất lượng đào tạo của Học viện được toàn xã hội ghi nhận, đánh giá cao; khẳng định vị thế, thương hiệu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực tài chính.
Tuy nhiên, Học viện luôn thường xuyên rà soát định hướng và chiến lược phát triển của mình, duy trì đào tạo những ngành thế mạnh truyền thống, chủ động xây dựng các ngành mới đáp ứng sự thay đổi của công tác tài chính và sự phát triển không ngừng của công nghệ”.
Trong Chiến lược phát triển Học viện Tài chính giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của Học viện đã được Hội đồng trường thông qua, xác định: Đến năm 2030, Học viện Tài chính trở thành cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của Việt Nam theo định hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ về lĩnh vực Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán, Quản lý - Quản trị, công nghệ thông tin, luật kinh tế…
Đến năm 2045, Học viện Tài chính là trở thành đại học tự chủ đạt chuẩn kiểm định quốc tế được phát triển trên nền tảng số, có hệ thống quản trị chuyên nghiệp và hiện đại hoạt động an toàn trên môi trường số góp phần xây dựng nền tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn an ninh Tài chính quốc gia. Học viện hướng tới trở thành cái nôi “thu hút nhân tài, bồi dưỡng nhân tâm, hoàn thiện nhân cách, phát triển nhân lực” cho các cán bộ quản lý, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán, Quản lý - Quản trị; là sự lựa chọn hàng đầu của những học viên, sinh viên ưu tú có hoài bão trở thành công dân toàn cầu, có khát vọng dân tộc phát triển nền kinh tế, tài chính quốc gia trong thế giới thay đổi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 3 cho Học viện Tài chính. Ảnh: Mộc Trà. |
“Để thực hiện được định hướng đó, Học viện Tài chính đã có những chiến lược cụ thể phát triển về tổ chức quản lý và đội ngũ nhân sự, về hoạt động đào tạo, về hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, về hợp tác quốc tế, về cơ sở vật chất, về nguồn lực tài chính, về công tác đảm bảo chất lượng, về công tác truyền thông…
Từ đó, Học viện đưa ra 2 nhóm giải pháp trọng tâm “thu hút nhân tài, bồi dưỡng nhân tâm, hoàn thiện nhân cách, phát triển nhân lực” và nâng cao “Chất lượng - Uy tín - Hiệu quả - Chuyên nghiệp và hiện đại”.
Tin tưởng rằng, với các chiến lược cụ thể và các giải pháp trọng tâm, từng bước đưa Học viện trở thành môi trường có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Từ đó, có khả năng cung cấp dịch vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số trong lĩnh vực Tài chính” - Chủ tịch Hội đồng trường (Học viện Tài chính) chia sẻ.
Để hoàn thành hiệu quả nhất những nhiệm vụ được giao và kỳ vọng của xã hội, Học viện Tài chính đề xuất cần có cơ chế đặc thù đối với cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia:
(1) Được ưu tiên đầu tư từ ngân sách Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ở nước ngoài; để khuyến khích nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; để hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
(2) Được tự chủ khai thác, sử dụng nguồn tài trợ trong và ngoài nước phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cần nhanh chóng xây dựng tiêu chuẩn phân tầng cụ thể, Bộ kiểm định và công nhận
Trước thực tế hiện nay, một số cơ sở giáo dục đề xuất được định hướng phát triển thành đại học trọng điểm ngành quốc gia khiến dư luận có nhiều tranh cãi, vị Chủ tịch Hội đồng trường cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, việc đào tạo nguồn nhân lực tri thức cao ngày càng được quan tâm hơn bao giờ hết, nhất là ở Việt Nam, giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ Đảng và Chính phủ. Giáo dục đại học ngày càng được chú trọng với nhiệm vụ tạo nguồn nhân lực về tri thức phục vụ cho quá trình phát triển mạnh mẽ về tất cả mọi mặt của đất nước.
Chính vì vậy, giáo dục đại học là một trong những nhân tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, giúp cho tình hình chính trị, xã hội của quốc gia luôn trong tình trạng ổn định, nâng cao chỉ số phát triển của cộng đồng dân cư.
Việc quy hoạch đại học trọng điểm quốc gia có ý nghĩa thiết lập được hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời.
Mạng lưới giáo dục đại học có quy mô và cơ cấu hợp lý sẽ đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, ứng dụng những tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững của cả nước và từng địa phương.
“Do vậy, trong quá trình xây dựng quy hoạch sẽ không tránh khỏi những tranh cãi từ dư luận, điều này cũng là thông thường vì đây là công việc, nhiệm vụ mới, lần đầu tiên thực hiện trong toàn hệ thống giáo dục đại học.
Tôi cho rằng, việc một số cơ sở giáo dục đề xuất được định hướng phát triển thành đại học trọng điểm ngành quốc gia là họ đã có quá trình tự đánh giá nội tại, đã căn cứ trên quy hoạch chung của đất nước và các vùng trọng điểm.
Điều cần thiết ở đây là cần nhanh chóng xây dựng những tiêu chuẩn cụ thể để phân tầng các cơ sở giáo dục đại học (như tỉ lệ giảng viên, trình độ chuyên môn của giảng viên, sinh viên/học viên, công bố quốc tế…) của đại học trọng điểm quốc gia, đại học vùng/địa phương để có cơ sở sắp xếp phù hợp. Các cơ sở giáo dục đại học căn cứ các tiêu chuẩn cụ thể đó, để tự sắp xếp mình ở tầng phù hợp và Bộ có đơn vị kiểm định, công nhận sự phân tầng đó.
Công việc này cần cẩn trọng, bài bản, chắc chắn, khả thi và đảm bảo tính hệ thống, bám sát nhu cầu phát triển của xã hội, gắn liền nhu cầu và khả năng tiếp cận đại học của người dân” - thầy Tùng phân tích thêm.
Sinh viên Học viện Tài chính. Ảnh: Mộc Trà. |
Cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia phải luôn là “đầu tàu”
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng, xây dựng môi trường cạnh tranh trong giáo dục, đào tạo là hết sức cần thiết, vì sẽ tạo động lực cho sự phát triển, thúc đẩy tất cả các cơ sở giáo dục đại học, kể cả các cơ sở giáo dục đại học thuộc trọng điểm ngành quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học khác không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao vị thế và thương hiệu của mình.
“Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia luôn phải khẳng định mình là “đầu tàu” trong đào tạo nhân lực, cung cấp nhân tài của ngành, là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo.
Cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia ngoài tiềm lực ban đầu lại được sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, thì hoạt động chắc chắn có hiệu quả” - thầy Tùng nhấn mạnh.
Cần xác định lại lĩnh vực, nhóm ngành trọng điểm đối với 5 Đại học quốc gia
Bên cạnh đó,Chủ tịch Hội đồng trường (Học viện Tài chính) cũng góp ý cho “Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”: “Cần xác định lại lĩnh vực, nhóm ngành trọng điểm đối với 5 Đại học quốc gia, không nên để 2 Đại học quốc gia trong một khu vực có cùng 1 lĩnh vực, nhóm ngành trọng điểm như giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội hay như giữa Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế”.