Học viện Tài chính: Giảm PGS, không tăng GS nhưng quy mô sau đại học tăng 35%

27/01/2024 06:24
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Quy mô đào tạo trong đề án tuyển sinh Học viện Tài chính từ năm 2020 đến năm 2023 có sự tăng dần; đặc biệt, đào tạo sau đại học tăng hơn 35%.

Học viện Tài chính thành lập theo Quyết định số 120/2001/QĐ-TTg ngày 17/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị: Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Viện Nghiên cứu Tài chính Trung ương và Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ Tài chính.

Sứ mệnh: Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính - kế toán chất lượng cao cho xã hội.

Hiện tại, Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Cơ là Giám đốc Học viện Tài chính. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng làm Chủ tịch Hội đồng trường.

Tuyển sinh vượt chỉ tiêu qua các năm

Chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Tài chính được xác định trong Đề án tuyển sinh năm 2020 là 4.200. Trong đó, có 3.700 chỉ tiêu chương trình chuẩn và 500 chỉ tiêu chương trình chất lượng cao.

Ngoài ra, chỉ tiêu xét tuyển chương trình DDP liên kết đào tạo giữa Học viên với Trường Đại học Greenwich (UK) là 120. Chỉ tiêu xét tuyển chương trình liên kết đào tạo Đại học Toulon (Cộng hòa Pháp) là 200.

Năm 2021, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy được công bố trong Đề án tuyển sinh của Học viện Tài chính là 4.000. Trong đó, tuyển sinh 3.000 chỉ tiêu chương trình đại trà và 1.000 chỉ tiêu chương trình chất lượng cao. Ngoài ra, chỉ tiêu chương trình liên kết vẫn giữ nguyên như năm 2020.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo, Ủy viên thường trực Hội đồng tuyển sinh (Học viện Tài chính). Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo, Ủy viên thường trực Hội đồng tuyển sinh (Học viện Tài chính). Ảnh: NVCC.

Năm 2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy được xác định trong đề án tuyển sinh là 4.000 (có 1.000 chỉ tiêu chương trình đào tạo chất lượng cao và 3.000 chỉ tiêu chương trình chuẩn). Trong đó, Học viện xác định tuyển 2.000 chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi (chiếm 50%); và 2.000 chỉ tiêu theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đánh giá năng lực và phương thức khác (chiếm 50%).

Ngoài ra, chỉ tiêu chương trình liên kết trong năm 2022 được xác định như sau: 120 chỉ tiêu chương trình DDP liên kết đào tạo giữa Học viện Tài chính với Trường Đại học Greenwich (UK) mỗi bên cấp một bằng cử nhân. 200 chỉ tiêu chương trình liên kết đào tạo với Trường Đại học Toulon (Cộng hòa Pháp).

Đề án tuyển sinh năm 2023, Học viện Tài chính công bố chỉ tiêu hệ đại học chính quy là 4.080 (trong đó, có 1.080 chỉ tiêu chương trình đào tạo chất lượng cao và 3.000 chỉ tiêu chương trình chuẩn). Theo đó, Học viện tuyển 2.450 chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi (chiếm 60%); và 1.630 chỉ tiêu theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đánh giá năng lực và phương thức khác (chiếm 40%).

Cũng theo đề án tuyển sinh này, chỉ tiêu chương trình liên kết được xác định như sau: 120 chỉ tiêu chương trình DDP liên kết đào tạo giữa Học viện Tài chính với Trường Đại học Greenwich (UK) mỗi bên cấp một bằng cử nhân. 180 chỉ tiêu chương trình liên kết đào tạo với Trường Đại học Toulon (Cộng hòa Pháp).

Sinh viên Học viện Tài chính. Ảnh: Ngân Chi.

Sinh viên Học viện Tài chính. Ảnh: Ngân Chi.

Qua đề án tuyển sinh các năm 2020, 2021, 2022, 2023 cho thấy, Học viện Tài chính đều tuyển vượt chỉ tiêu.

Cụ thể, năm 2020, Học viện lấy 4.200 chỉ tiêu, có 4.542 sinh viên nhập học (vượt hơn 8%).

Năm 2021, Học viện tuyển 4.000 chỉ tiêu, có 4.403 sinh viên trúng tuyển nhập học (tuyển vượt hơn 10%).

Năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Tài chính được xác định là 3.800, có 3.872 thí sinh trúng tuyển nhập học (vượt gần 2%).

Năm 2023, với 4.080 chỉ tiêu được xác định trong đề án tuyển sinh, Học viện có 4.088 thí sinh trúng tuyển nhập học.

Chương II Nghị định 138/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ngày 22/10/2013:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 5% đến dưới 10%.

Khoản 3, Điều 10 Nghị định 138 cũng nêu rõ: Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển vượt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Căn cứ theo Điểm a, Khoản 3, Điều 10, Chương II, Nghị định 04/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ngày 22/1/2021 và Nghị định 127/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ đại học vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 03% đến dưới 10%.

Chi tiết số sinh viên trúng tuyển nhập học các ngành qua các năm 2020, 2021, 2022:

Về vấn đề tuyển sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo, Ủy viên thường trực Hội đồng tuyển sinh (Học viện Tài chính) cho biết: “Từ năm 2021 trở về trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thực hiện lọc ảo đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, riêng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, số lượng tuyển sinh được phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường nhiều ngành khác nhau, các trường đại học được điều chỉnh số lượng dự kiến trúng tuyển trong suốt quá trình chạy phần mềm lọc ảo chung cả nước dẫn đến kết quả trả về biến động khiến cho công tác dự báo trúng tuyển nhập học gặp nhiều khó khăn dẫn đến số lượng tuyển vào các ngành không được như kỳ vọng.

Năm 2020, năm 2021, Học viện tuyển sinh vượt chỉ tiêu chủ yếu do 2 nguyên nhân: (1) Trong năm 2020 và 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thực hiện lọc ảo đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, còn các phương thức xét tuyển khác do cơ sở đào tạo tự xác định số thí sinh trúng tuyển trên cơ sở dự kiến tỉ lệ ảo đối với cơ sở đào tạo của mình nên số thí sinh trúng tuyển nhập học thực tế không hoàn toàn khớp với dự kiến; (2) Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến lượng sinh viên du học, do đó khi dựa vào số liệu thống kê các năm trước đó để dự kiến tỉ lệ ảo đã không chính xác (tỉ lệ ảo thực tế thấp hơn dự kiến) dẫn đến số thí sinh trúng tuyển nhập học thực tế cao hơn dự kiến.

Từ năm 2022 trở đi, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện lọc ảo đối với tất cả các phương thức xét tuyển, nên tuyển sinh của Học viện chỉ vượt trong giới hạn cho phép (gần 2% - trên tỉ lệ vượt tối đa cho phép dưới 3%), thậm chí, năm 2023 đạt xấp xỉ chỉ tiêu đặt ra và được phê duyệt. Tổng số thí sinh trúng tuyển là 4.088 sinh viên. Qua đây, khẳng định thêm tính đúng đắn của chủ trương lọc ảo chung đối với tất cả các phương thức xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Quy mô đào tạo từ xa tăng mạnh; phó giáo sư giảm nhưng quy mô đào tạo sau đại học tăng

Quy mô đào tạo được thống kê trong đề án tuyển sinh từ năm 2020 đến năm 2023 của Học viện Tài chính có tăng dần, cụ thể như sau:

Đối với đào tạo tiến sĩ: Tăng từ 246 lên 277 nghiên cứu sinh (tăng 31 người học, tương đương tăng hơn 12,6%).

Đối với đào tạo thạc sĩ: Tăng từ 1.123 lên 1.582 học viên (tăng 459 người học, tương đương tăng gần 40,9%).

Như vậy từ 2020 đến năm 2023 quy mô đào tạo sau đại học (cả thạc sĩ và tiến sĩ) tăng từ 1.369 lên 1.859, tức tăng thêm 490 người học (tương đương tăng gần 35,8%).

Đối với trình độ đại học chính quy: Hệ đại học chính quy tăng 269 sinh viên (tăng hơn 1,5%); hệ liên thông cao đẳng lên đại học giảm 400 sinh viên (tương đương giảm hơn 64,3%); đối với người học đã có bằng đại học giảm 57 người học (giảm hơn 30,8%).

Đối với đào tạo hệ vừa học vừa làm: Đại học vừa học vừa làm tăng thêm 6 người học (tăng gần 2,8%); liên thông cao đẳng lên đại học biến động, năm 2023 tăng 71 người so với 2020 (không có người học); người đã có bằng đại học trở lên tăng thêm 52 người (so với năm 2020 chỉ có 1 người học - tăng gấp 52 lần).

Đối với đào tạo từ xa: Từ năm 2020 (không có người học) đến 2023 là 894 người học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thạch lý giải về sự thay đổi của quy mô đào tạo như sau: Trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2023, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo Quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại từng thời điểm có sự thay đổi theo quy định của Bộ. Cụ thể: Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 áp dụng cho xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 và 2021; sau đó, được thay thế bởi Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 áp dụng cho xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 và 2023.

Quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ của Học viện Tài chính tăng qua các năm từ năm 2020 đến 2023 hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên của Học viện, tuân thủ đúng quy định.

Về đội ngũ giảng viên, mặc dù số lượng phó giáo sư giảm 4 người nhưng được bù lại bằng đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng (15 người).

Tuy nhiên, với câu hỏi: “Vì sao Học viện tập trung đào tạo từ xa nhiều như vậy? Làm thế nào để đảm bảo chất lượng đào tạo?”, Ủy viên thường trực Hội đồng tuyển sinh Học viện Tài chính phản hồi: “Sau khi chuẩn bị đầy đủ hệ thống đào tạo từ xa (quy định đào tạo từ xa, chương trình đào tạo từ xa, học liệu, hệ thống quản lý giảng dạy, học tập, kiểm tra đánh giá, đội ngũ giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập…), Học viện xây dựng đề án báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và tổ chức tuyển sinh từ năm 2022.

Với đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ hỗ trợ học tập, Học viện xác định chỉ tiêu tuyển sinh đúng và phù hợp theo quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT”.

Dịch Covid-19 khiến tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thấp

Theo báo cáo 3 công khai, tỉ lệ sinh viên chính quy/giảng viên cơ hữu quy đổi của Học viện Tài chính không biến động qua các năm. Từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023, tỉ lệ này ở cả khối ngành III và khối ngành VII đều là 25.

Kết quả khảo sát tỉ lệ sinh viên có việc làm được thống kê trong đề án tuyển sinh các năm qua cụ thể như sau:

Về tình hình việc làm của sinh viên, năm 2020 sinh viên tốt nghiệp có tỉ lệ việc làm sau 12 tháng là 97,52% (thấp nhất trong 5 năm thực hiện khảo sát), thầy Thạch lý giải, nguyên nhân chính là do dịch Covid 19 xuất hiện năm 2019 và bùng phát mạnh trong 2 năm 2020, 2021.

Đại dịch Covid-19 khiến thị trường lao động Việt Nam gặp nhiều sóng gió với hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập, nhiều ngành nghề tạm dừng hoạt động, thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch bệnh; điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình việc làm và thu nhập của lực lượng lao động trong toàn xã hội, trong đó có sinh viên mới tốt nghiệp từ Học viện Tài chính.

Sinh viên tốt nghiệp năm 2021, tỉ lệ có việc làm đã tăng mạnh trở lại nhờ các biện pháp tích cực từ sự quyết tâm của Chính phủ và sự đồng lòng gắng sức của nhân dân, nhằm đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước, tình hình lao động việc làm của cả nước đã có nhiều biến động tích cực.

“Sinh viên tốt nghiệp năm 2022, tỉ lệ có việc làm vẫn duy trì trên mức 98%, theo phản hồi của 4.267 sinh viên, trong đó, số sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm chủ yếu vì các lý do cá nhân, hoặc có việc làm phi chính thức/theo thời vụ, hoặc đang tìm kiếm công việc khác phù hợp hơn với ngành đào tạo.

Trong số sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm, trên 83% cho biết việc làm hiện nay phù hợp với ngành được đào tạo từ Học viện Tài chính” - vị này thông tin thêm.

Điểm đầu vào chương trình liên kết thấp hơn chương trình đại trà

Đối với chương trình liên kết đào tạo Mỗi bên cấp một bằng Cử nhân (DDP) được cấp phép theo Quyết định số 2361/QĐ-BGDĐT cấp ngày 08/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và gia hạn theo Quyết định số 2290/QĐ-BGDĐT ngày 07/7/2021. Cho đến thời điểm hiện tại, đây là chương trình đầu tiên và duy nhất được 2 trường đại học uy tín của Việt Nam và Vương quốc Anh cùng công nhận và cấp bằng Cử nhân chính quy. Học phí của chương trình áp dụng cho các khóa tuyển sinh đã bao gồm học phí chương trình Tiếng Anh (đầu ra IELTS 6.0 vào cuối năm thứ hai), khác với các chương trình liên kết đào tạo khác có gói học phí Tiếng Anh nằm ngoài chương trình học chính.

- Chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng đại học giữa Học viện Tài chính với Trường Đại học Greenwich (Vương quốc Anh), học phí không thay đổi trong suốt 4 năm học như sau:

+ Học 4 năm trong nước là: 70 triệu đồng/sinh viên/năm học (280 triệu đồng/sinh viên/khóa học).

+ Học 3 năm trong nước + 1 năm tại Trường Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) là: 70 triệu đồng/sinh viên/năm học (cho 3 năm học trong nước); 470 triệu đồng/sinh viên/năm học (cho 1 năm học tại Trường Đại học Greenwich); tổng cộng là: 680 triệu đồng/sinh viên/khóa học.

- Chương trình liên kết đào tạo Đại học Toulon cấp bằng học trong 3 năm: Chuyên ngành Bảo hiểm - Ngân hàng - Tài chính là 171 triệu đồng (mức học phí bình quân: 57 triệu đồng/sinh viên/năm học); Chuyên ngành Kế toán - Kiểm soát - Kiểm toán là 180 triệu đồng (mức học phí 2 năm đầu là 57 triệu đồng/sinh viên/năm học, riêng năm cuối là 66 triệu đồng/sinh viên/năm học).

Qua khảo sát một số năm học, cho thấy, điểm trúng tuyển sinh viên chương trình liên kết thấp hơn chương trình đại trà.

Trước câu hỏi băn khoăn về chất lượng đào tạo của chương trình liên kết, Trưởng ban Quản lý đào tạo (Học viện Tài chính) cho biết: “Điểm đầu vào hằng năm của chương trình tuy có lúc chênh lệch so với chương trình đại trà, tuy nhiên không hề thấp hơn so với mặt bằng chung của phân khúc tuyển sinh các chương trình liên kết khác.

Với mô hình giảng dạy năm cuối sinh viên được lựa chọn học tại Việt Nam hoặc du học Vương quốc Anh, tuy nhiên dù học theo hình thức nào, việc học, thi đều phải tuân thủ các quy định, tiêu chí đánh giá đảm bảo chất lượng của Đại học Greenwich - sinh viên học tại Việt Nam và Vương quốc Anh thi cùng 1 đề thi trên cùng 1 múi giờ, nộp bài và chấm trực tuyến trên hệ thống chung của trường, kết quả đánh giá xếp loại do Hội đồng đánh giá của Đại học Greenwich phê duyệt và được công nhận tương đối độc lập với bằng cấp do Học viện Tài chính cấp là minh chứng đảm bảo chất lượng thiết thực nhất của chương trình”.

Ngân Chi