Hội đồng trường đại học công hay tư, vấn đề cốt lõi là sở hữu

22/07/2020 05:58
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng (Nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với tư cách là một nhà khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng tham gia ý kiến vào chủ đề tự chủ và mô hình hội đồng trường công lập.

Hội đồng trường của trường công cũng bị chi phối bởi vấn đề cốt lõi là sở hữu. Từ sở hữu sẽ quyết định các vấn đề khác như tổ chức, quản lý.

Khi chủ trì dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 thì đây là nội dung chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian mới có được quan điểm để tất cả các bên liên quan có thể chấp nhận. Đó cũng là vấn đề được nêu ra tại Hội thảo này.

Ở đây, chúng ta đang bàn về Hội đồng trường, cơ quan chủ quản, và vấn đề sở hữu của các trường đại học công lập.

Trong Luật nêu rõ: Hội đồng trường của trường đại học công lập thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan.

Như vậy, đối với các trường đại học công lập thuộc sở hữu toàn dân, thì nhà nước là người đại diện chủ sở hữu, Hội đồng trường là người thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và chủ sở hữu là toàn dân.

3 chủ thể đó được phân biệt với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau, trong đó: Hội đồng trường là người thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu được qui định trong Khoản 2 Điều 16 của Luật; còn đại diện chủ sở hữu là cơ quan quản lý trực tiếp.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Moet.gov.vn)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Moet.gov.vn)

Trong Luật có sử dụng cụm từ “cơ quan quản lý có thẩm quyền”. Khi nói đến cụm từ này, thực ra tùy theo ngữ cảnh mà đề cập đến 1 trong 3 loại chủ thể:

(1) Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo là Bộ Giáo dục và Đào tạo (cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực). Hầu hết ở nước nào cũng có cơ quan quản lý này vì làm tự chủ không phải muốn làm gì thì làm mà phải làm trong quy định của luật.

(2) Cơ quan quản lý trực tiếp mà chúng ta hay gọi là cơ quan chủ quản; (3) và cơ quan quản lý địa phương (quản lý nhà nước theo địa bàn).

Hội đồng trường sẽ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với những quyền mà Khoản 2 Điều 16 của Luật qui định cho Hội đồng trường ở các trường công.

Khoản này có tới 10 lĩnh vực bao quát hầu hết các hoạt động của hội đồng trường; 10 lĩnh vực này do hội đồng trường quyết định nghĩa là thuộc quyền tự chủ của các trường.

Những quyền không nằm trong Khoản 2 Điều 16 thì cơ quan quản lý trực tiếp vẫn tham gia.

Cơ quan chủ quản quản lý trực tiếp còn tham gia bằng cách cử người của mình vào trong thành phần Hội đồng trường để đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, đại diện cho sở hữu nhà nước.

Hiện nay, đối với luật thì tất cả các trường đang có quyền tự chủ bình đẳng với nhau nên tất cả các trường công đều phải có Hội đồng trường.

Các trường tư cũng phải có Hội đồng trường. Hội đồng trường của trường công và trường tư có nhiệm vụ gần như là song song với nhau trừ các quyền mặc định về sở hữu tài sản tư.

Thành phần Hội đồng trường của trường công thì chủ sở hữu là nhà nước quyết định khung cơ cấu, đã có qui định cụ thể trong luật.

Thành phần Hội đồng trường của trường tư cũng do chủ sở hữu là nhà đầu tư quyết định nên nhà nước không quy định khung về số lượng thành phần, mà do nhà đầu tư quyết định.

Tinh thần của Luật là tất cả các trường đều có quyền tự chủ bình đẳng với nhau, chỉ có một số quyền tự chủ có điều kiện, trường đạt được điều kiện quy định thì sẽ có quyền tự chủ ở lĩnh vực đó.

Còn các lĩnh vực khác thì quyền tự chủ của các trường bình đẳng với nhau.

Một số ví dụ về quyền tự chủ có điều kiện:

Quyền được quyết định đóng học phí: Quyền này chỉ có điều kiện đối với trường công. Chỉ có trường công tự chủ về kinh phí chi thường xuyên thì mới được tự chủ về qui định mức học phí.

Trường công nào có chi thường xuyên lấy từ ngân sách nhà nước thì không được vừa chi tiêu ngân sách nhà nước vừa thu học phí cao của cộng đồng xã hội từ người học mà phải nằm trong khung học phí do Chính phủ quy định.

Quyền mở ngành mới và liên kết đào tạo với nước ngoài: Quyền này chỉ phụ thuộc vào kiểm định, không phụ thuộc vào trường công hay tư.

Trường nào đạt kiểm định cơ sở giáo dục đại học rồi thì được tự chủ mở ngành ở trình độ đại học, đạt kiểm định chương trình đào tạo ở trình độ đại học, có quyền tự chủ mở ngành bậc thạc sĩ tương ứng; đạt kiểm định chương trình đào tạo ở trình độ thạc sĩ, có quyền tự chủ mở ngành bậc tiến sĩ tương ứng.

Có vài trường hợp tự chủ có điều kiện như trên, điều kiện đã được quy định và là cơ hội bình đẳng cho tất cả các trường.

Còn các lĩnh vực khác thì tất cả các trường đều đã được tự chủ bình đẳng như nhau và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thực hiện được quyền tự chủ đó hay không phụ thuộc vào năng lực tự chủ của các trường.

Như vậy, không nên đặt vấn đề phải có quy định chung về lộ trình tự chủ cho các trường; điều này phụ thuộc vào điều kiện của từng trường và định hướng của cơ quan quản lý trực tiếp.

Nhà nước cũng đã và đang quy định vấn đề đặt hàng bằng ngân sách đối với đơn vị sự nghiệp công lập để các trường/ngành thiết yếu nhưng gặp khó khăn vẫn có cơ hội tự chủ bình đẳng.

Hiện nay vẫn còn có nhiều trường chưa thành lập Hội đồng trường. Nghị định số 99/2019/NĐ-CP có qui định 15/8/2020 là thời hạn tất cả các trường đều phải có Hội đồng trường, nghĩa là, mỗi trường đều có thiết chế để tiếp nhận tự chủ.

Nhìn chung, các trường công đều tự chủ bình đẳng hoặc có cơ hội tự chủ bình đẳng như nhau

Ngày 13/6/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kết hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy về quản lý Nhà nước với giáo dục đại học Việt Nam” tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cuộc tọa đàm quy tụ gần 100 nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học đặt dưới sự đồng chủ trì của Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam và Giáo sư Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông.

Tọa đàm khoa học đã nhận được trên 20 báo cáo tham luận về tự chủ đại học, vai trò cũng như chức năng của Hội đồng trường trong mối quan hệ với Đảng ủy, Ban giám hiệu và cơ quan quản lý trực tiếp...Phát biểu trực tiếp tại Tọa đàm có nhiều ý kiến tham luận sâu sắc về vấn đề bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản, từ chủ trương nghị quyết, quy phạm pháp luật đến thực tiễn.

Được sự đồng ý của Giáo sư Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông, Giáo dục Việt Nam lần lượt đăng tải các bản tham luận tại Tọa đàm này để cung cấp thêm thông tin đến bạn đọc quan tâm. Nội dung, văn phong tham luận thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng (Nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo)