Đi qua 2/3 thời gian Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, những dự đoán của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã bị thực tế thời tiết ở Hà Nội những ngày qua phủ nhận.
{iarelatednews articleid='5967,5962,5961,5963'}
Những ngày qua, trong khi miền Trung đang khổ sở vật lộn với bão lũ thì nhà lý học Nguyễn Vũ Tuấn Anh cùng nhiều đệ tử của ông vẫn hăng say... "tự hát tự khen". Tất nhiên, nếu không phải vì "dị nhân" này khiến dư luận quan tâm như thời gian qua, sẽ chẳng ai quan tâm đến việc Nguyễn Vũ Tuấn Anh có "động thái" gì. Nhưng bởi "dị nhân" này đã mạnh miệng tuyên bố có năng lực siêu nhiên "ngăn mưa đuổi bão", nên cả "núi" câu hỏi vì sao ông không "động thủ" gì với bão lũ để cứu giúp đồng bào vẫn đang "treo lơ lửng".
Trở lại chuyện ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh và thời tiết Hà Nội dịp Đại lễ. Ở Hà Nội, Đại lễ 1000 năm đã đi được 2/3 chặng đường, và như mong mỏi của hàng triệu người dân Việt Nam, thời tiết ở Thủ đô Hà Nội những ngày vừa qua tương đối thuận lợi. Các chương trình kỷ niệm của Đại lễ đã thu hút sự chú ý của người dân, tạo ấn tượng đối với những kiều bào và khách quốc tế, hình ảnh Thủ đô Hà Nội - đất nước VN có lịch sử nghìn đời, thân thiện và đáng mến lan tỏa trên thế giới.
Trước đó, vấn đề thời tiết trong dịp Đại lễ được coi là nan giải và khó ứng phó của Hà Nội. Bởi với hệ thống thoát nước quá yếu như hiện nay, nếu có mưa và ngập úng, nhiều chương trình kỷ niệm sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí phải hủy bỏ. Do vậy, nhiều phương án đã được tính đến, kể cả việc di dời địa điểm tổ chức Đại lễ hay bắn mây phòng mưa. Giữa lúc đó, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh (bút danh Thiên Sứ) đăng đàn cho biết mình là người đã có dự báo trước về trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 hay cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, từ đó đem "danh dự mấy chục năm hoạt động nghiên cứu cũng như tất cả những học thuyết mình đưa ra" để cam kết sẽ có thời tiết đẹp trong 7 ngày đầu Đại lễ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh |
Tuyên bố của nhà lý học này lập tức đã thu hút sự chú ý của dư luận. Với mong muốn Đại lễ có thể thành công tốt đẹp, nên dù đa số không đồng thuận với cam kết của ông Tuấn Anh, thời gian qua các nhà khoa học, đại bộ phận công chúng cũng như các phương tiện truyền thông vẫn chú ý theo dõi sát sao "nhất cử nhất động” của "Thiên sứ" - thậm chí không cần yêu cầu "Thiên sứ" phải chứng minh năng lực siêu nhiên "ngăn mưa đuổi bão" mà chỉ cần "Thiên sứ" đoán đúng về thời tiết Đại lễ.
Thế nhưng, đi qua 2/3 thời gian Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, những dự đoán của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã bị thực tế thời tiết ở Hà Nội những ngày qua phủ nhận hoàn toàn...
Dự báo sai, tự nhận đúng (!?)
Ngày 30/9, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã ủy quyền cho “đệ tử” chính thức đăng tải thông báo trên diễn đàn Lý học Đông Phương xác định thời tiết ngày 1/10 tại Hà Nội như sau: Từ 5h -15h ngày 1/10, trong phạm vi bán kính 35 km từ trung tâm Thành phố Hà Nội (Hồ Hoàn Kiếm), trời nắng đẹp và không mưa.
Nhưng thực tế, vào đầu giờ sáng ngày 1/10, trời Hà Nội âm u, tại một số khu vực trong trung tâm TP Hà Nội (theo quy ước của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, khu vực trung tâm được xác định trong phạm vi bán kính 35 km từ Hồ Hoàn Kiếm) đã có mưa vừa và mưa to.
Về sự thực này, trả lời trên Diễn đàn Lý học Đông Phương, ông Tuấn Anh cho rằng: “Nếu mưa không lớn hơn xe bồn rửa đường thì vẫn không nằm ngoài dự báo của chúng tôi. Bởi vậy, không thể căn cứ vào những cơn mưa nhỏ đó để gọi là phản biện. Hôm nay muốn nói gì thì nói, trời đã không mưa như dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương. Lễ khai mạc diễn ra ngoài trời, trời mát đủ để mặc vest và có nắng để chụp ảnh. Thiên Sứ không ướt như chuột. Tôi nghĩ thế là đủ” (?!)
Tiếp tục, đến ngày 3/10, “đệ tử” Hoàng Triều Hải đã đưa ra dự báo về thời tiết ngày 4/10 theo sự ủy thác của "sư phụ" Thiên Sứ: “Có mưa rửa đường trên diện rộng từ đêm tới 5h sáng. Tuy nhiên, lượng mưa không lớn. Ban ngày trời không có mưa, nắng đẹp, tiết trời se lạnh. Buổi tối, tiết trời vẫn... se lạnh, không mưa để đảm bảo bà con từ Miền Nam phải mặc thêm áo gió và tất cả mọi người ra đường tham gia Đại lễ không cần mang theo áo mưa”.
Thậm chí sau đó, chính ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã lên mạng đăng tin cải chính rằng: Trong ngày 4/10, trận mưa rửa đường sẽ không xảy ra.
Nhưng thực tế: Chiều tối ngày 4/10, đã có mưa khá nặng hạt trong nhiều giờ tại khu trung tâm TP Hà Nội. Nhiều người đã “đội mưa” đi xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật!
Trước thực tế này, cả Thiên Sứ cũng như các đệ tử cùng cho rằng: Những hình ảnh người dân “đội mưa” chiều tối 4/10 là “kỳ quặc” (?!)
Về việc này, một độc giả đã bức xúc bày tỏ: “Nếu dự đoán đúng (hay có vẻ đung đúng) thì điều đó có thể là quy luật tự nhiên (đoán hay không đoán, đuổi hay không đuổi thì cũng thế), và Nguyễn Vũ Tuấn Anh có thể đoán mò mà đúng (như người chơi xổ số, chơi lô đề... cũng có thể trúng, dù chẳng có thuật gì).
Dự đoán thời tiết thì chỉ có mưa hay không mưa, nói đơn giản là xác suất 50/50. Trong thực tế, hiện tượng "không mưa lâu ngày" (5-10 ngày) không phải khi nào cũng có, nhưng không phải là không xảy ra hay quá hiếm hoi. Huống hồ, lại dự đoán theo kiểu "có thể sẽ mưa" nghĩa là có mưa cũng đúng, không mưa cũng đúng nốt, tham khảo “bám đuôi” dự đoán của Trung tâm Dự báo KTTVTƯ và quan sát thời tiết sát nút ngay gần thời điểm được dự đoán!
Việc cho phép "nói đi nói lại", chỉnh sửa lời dự đoán, kể cả dự báo sau khi đã tiến sát nút thời điểm dự báo đã bị Thiên Sứ “mập mờ” đặt dưới cái khái niệm gọi là “cận biến hóa”, độc giả phân tích trong thư.
Chuyện chưa kể về con số 7 tỷ 150 triệu đồng
Ban đầu, ông Tuấn Anh đưa ra cam kết, chỉ cần 7 tỷ 150 triệu đồng ông sẽ làm cho thời tiết Hà Nội trong vòng 7 ngày dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ không có một hạt mưa nào. Tiết trời mát mẻ và sẽ có nắng để chụp ảnh.
“Nếu không đủ 3 yếu tố trên (không mưa, thời tiết mát, có nắng – pv) sẽ không lấy tiền”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Số tiền này để làm gì? Theo tìm hiểu và chúng tôi được biết, số tiền này Thiên Sứ dự kiến dùng để mua, sửa nhà đang ở và chi phí cho việc xin giấy phép hoạt động của Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông Phương mà ông làm Giám đốc.
Sau đó, ông Tuấn Anh đã hủy bỏ điều kiện phải có kinh phí 7 tỷ 150 triệu đồng mà tự nguyện thực hiện cam kết không có thù lao. Ông Tuấn Anh cũng ngỏ ý sẽ có buổi làm việc chính thức và tổ chức hội thảo khoa học để công bố phương pháp thực hiện việc "ngăn mưa đuổi bão" của mình. Phương pháp này cơ bản dựa trên ý chí và năng lực của chính ông.
Rồi cũng chính ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh và các đệ tử của mình hoặc tuyên bố với báo chí hoặc công khai trên diễn đàn Lý học Đông phương rằng: “Sự việc đã được đẩy đi quá xa. Mọi người có vẻ ác cảm với lời tuyên bố "ngăn mưa" và 7 tỷ 150 triệu đồng là yêu cầu cho vui. Họ cố tình không chịu hiểu là vụ 7 tỷ chỉ là "nổ" cho vui vẻ, xôm tụ diễn đàn” (?!), “việc xác định thời tiết cũng như nhiều dự báo khác là việc thường xuyên của website lyhocdongphuong.org.vn. Hiện tượng dự báo cụ thể thời tiết trong Đại lễ cũng chỉ là một trong những việc này”...
Trả lời câu hỏi của phóng viên về thời tiết những ngày Đại lễ nếu nắng đẹp, không mưa… là do kết quả của việc huy động nguồn lực lý học (có sự tác động của ông Tuấn Anh) hay đơn thuần thời tiết những ngày này diễn ra khách quan như thế, ông Tuấn Anh nói kiểu... "sinh con đầu lòng không gái thì trai": "Một cách tổng quan thì việc dự báo thời tiết không mưa trong 7 ngày vẫn có thể có sai số, tức là có mưa. Do vậy, trong trường hợp không có sai số (không mưa) nghĩa là đã có sự tác động" (?!!).
Mặc dù đã buộc phải chuyển từ năng lực "năng mây đuổi mưa" sang năng lực dự báo thời tiết, nhưng ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh vẫn phải chịu "hồi kết tan nát" khi dự báo của ông chẳng hơn gì những người đoán mò.
Theo Gia Huy - Hoàng Yến/VTC