Tàu sân bay quân Mỹ neo đậu tại vịnh Subic, Philippines (nguồn mạng sina Trung Quốc) |
Báo Trung Quốc lo ngại cho rằng, hành động này chẳng khác gì "đổ thêm dầu vào lửa" đối với tình hình căng thẳng Biển Đông. Ngoài ra, Philippines cũng đã đẩy nhanh các bước bắt đầu sử dụng lại căn cứ quân sự vịnh Subic và cung cấp cho quân Mỹ sử dụng.
Theo hãng AFP, ngày 18 tháng 9 Philippines và Mỹ triển khai một cuộc diễn tập đổ bộ mang tên "Phiblex14". Địa điểm diễn tập ở Biển Đông. Quân đội Philippines muốn thông qua cuộc diễn tập này, khẳng định quan hệ quân sự phát triển nhanh chóng của Philippines-Mỹ, nhưng hoạt động này có thể sẽ tiếp tục làm gia tăng quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines.
Căn cứ vào tuyên bố trước đó của Hải quân Philippines, cuộc diễn tập đổ bộ lần này bắt đầu từ ngày 18 tháng 9, tiến hành đến ngày 11 tháng 10, thời gian là 3 tuần, địa điểm cụ thể ở 4 tỉnh của Philippines gồm Zambales, Tarlac, Cavite, Pampanga và doanh trại khu vực Manila.
Hai bên có tổng cộng 2.300 binh sĩ Thủy quân lục chiến tham gia; Hải, Lục, Không quân Philippines, đơn vị viễn chinh 13, lữ đoàn viễn chinh 3 của Thủy quân lục chiến Mỹ đều sẽ tham gia cuộc diễn tập tác chiến đổ bộ lần này, nội dung diễn tập gồm có tác chiến phòng thủ lãnh thổ và an ninh trên biển, diễn tập dã chiến và chương trình nhân đạo.
Tháng 4 năm 2013, Mỹ và Philippines tổ chức diễn tập quân sự liên hợp Balikatan (ảnh minh họa) |
Philippines cho biết, cuộc diễn tập quân sự này nhằm nâng cao năng lực tác chiến hiệp đồng và sẵn sàng chiến đấu giữa quân đội hai nước, để ứng phó với thiên tai và tình huống khẩn cấp khu vực.
Tờ "Philippines Daily Inquirer" cho biết, ngày 18 tháng 9, cuộc diễn tập lần này trước tiên triển khai ở căn cứ hải quân Zambales, nơi đây cách bãi cạn Scarborough chỉ 135 hải lý. Đại sứ quán Mỹ ra tuyên bố cho biết, hai bên sẽ còn tổ chức diễn tập xây dựng kế hoạch tác chiến cho đội ngũ tham mưu, nhằm tăng cường năng lực hành động phòng thủ lãnh thổ và an ninh hàng hải giữa hai bên.
Ian Storey, nhà nghiên cứu Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore cho rằng, diễn tập đổ bộ tổ chức ở Biển Đông chắc chắn sẽ tiếp tục gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông, đối với Trung Quốc, đây tiếp tục là một động thái mới “tận dụng cơ hội tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực” của Mỹ. Ian Storey nói với hãng tin AFP rằng, đối với Philippines, tranh chấp Biển Đông là lực thúc đẩy chính để họ tiếp tục tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ.
Điều đáng chú ý là, cuộc diễn tập quân sự lần này đúng vào lúc Mỹ-Philippines đàm phán về việc mở rộng hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines, dự kiến thỏa thuận khung cụ thể sẽ đạt được trong năm nay. Đồng thời, cuộc diễn tập quân sự cũng "vừa khéo trùng hợp" với chuyến thăm Philippines của Tổng thống Mỹ Barack Obama từ ngày 11-12 tháng 10 năm 2013.
Vì vậy, theo bài báo, "từ khi lên cầm quyền đến nay, chính quyền Aquino thực hiện sách lược quan trọng để đối phó Trung Quốc, chuyến thăm của ông Obama là một thời khắc quan trọng của Philippines, bởi vì tranh chấp Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ngày càng gay gắt, Philippines kỳ vọng nhận được sự ủng hộ của Mỹ".
Philippines và Mỹ tiến hành diễn tập quân sự liên hợp (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ) |
Theo tờ "Philippines Daily Inquirer", trước khi Mỹ-Philippines đạt được đồng thuận về việc quân Mỹ gia tăng sử dụng cơ sở quân sự của Philippines, số lượng quân Mỹ đến thăm Philippines đã có xu thế tăng vọt.
Hãng AFP cho rằng, điều này có liên quan chặt chẽ tới chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ B. Obama, đã gây ra lo ngại cho Trung Quốc về việc Mỹ tìm cách bảo vệ Philippines. Trong khi đó, Philippines là người ủng hộ nhiệt tình đối với chiến lược tái cân bằng của Mỹ.
“Ăn khớp” với điều này là ngày 16 tháng 9 tờ "Nhật báo phố Wall" Mỹ đã đăng một bài viết mang tên "Philippines muốn tái khởi động căn cứ quân Mỹ tại Subic để đối phó Trung Quốc". Bài viết cho rằng, đến nay Philippines có ý định cho phép Quân đội Mỹ quay trở lại Subic để ứng phó với các hành động quân sự của Trung Quốc.
Bài báo cho rằng: "Trung Quốc đã đề xuất kiến nghị hợp tác khai thác tài nguyên dầu khí ở ‘duyên hải’ quần đảo Philippines, đồng thời phủ nhận chuẩn bị xây dựng công trình ở bãi cạn Scarborough. Nhưng Philippines cảm thấy bị đe dọa và không có năng lực đánh trả. Sự lo ngại đối với Trung Quốc đã vượt lên trên tình cảm của chủ nghĩa dân tộc. Các cuộc đàm phán cho phép quân Mỹ quay trở lại Subic và các căn cứ khác của Philippines đang được tiến hành".
Mỹ-Philippines tiến hành diễn tập đổ bộ liên hợp (ảnh tư liệu). |
Trong khi đó, Lý Kiệt, chuyên gia vấn đề hải quân Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn tờ "Thời báo Hoàn Cầu" cho rằng, diễn tập quân sự liên hợp Mỹ-Philippines thực ra là muốn "diễn để cho nước láng giềng xem", cho thấy Mỹ sẽ hỗ trợ kiên định cho đồng minh châu Á, từ đó để cho các nước châu Á-Thái Bình Dương có được nhiều nguồn lực hơn trên "tuyến đầu", phát huy tính tích cực hơn trong chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, quân Mỹ quay trở lại vịnh Subic, một trong những mục đích quan trọng nhất chính là tăng cường vai trò ảnh hưởng đối với Biển Đông, gia tăng kiểm soát đối với hoạt động của tuyến đường hàng hải quan trọng, đặc biệt là kiểm soát đối với khu vực Biển Đông-eo biển Malacca.
Mỹ-Philippines tiến hành diễn tập quân sự liên hợp (ảnh tư liệu) |