Hội phát cuồng vì TS Dương: Bình luận hay phán pháo, chửi bậy?

05/04/2012 07:21
Viết Cường
(GDVN) - TS xã hội học Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết: “Nhóm phát cuồng vì TS Lê Thẩm Dương cũng giống như một nhóm trẻ phát cuồng vì Lê Văn Luyện”

"Chỉ gây ồn ào chứ không có tác dụng đúc kết"

Sau khi các đường links về bài giảng của TS Lê Thẩm Dương được đưa lên mạng, và tạo ra một làn sóng dư luận trái chiều nhau, ngay lập tức trên các diễn đàn mạng đã hình thành lên những hội phát cuồng vì bài giảng của TS Dương. Các nhóm, hội này có số lượng người truy cập khá đông đảo và một số thành viên trong nhóm sẵn sàng… "phản pháo" ngay lập tức những ai có bình luận, phản biện không tốt về TS Dương.

PGS.TS xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam (ảnh: Internet)
PGS.TS xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam (ảnh: Internet)
Tuy nhiên trong những lời phản biện đó có rất nhiều những lời lẽ thiếu văn hóa, thậm chí là mang tính mạt sát những người không cùng quan điểm với mình. Đặc biệt, một số giảng viên của trường ĐH Ngân hàng TP HCM cho biết, họ bị chính những sinh viên của trường dùng những từ ngữ thiếu văn hóa để bảo vệ TS Dương.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề này, PGS.TS xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam cho rằng: “Việc ra đời của nhóm, hội trên cộng đồng mạng mà họ tự cho là những người phát cuồng về bài giảng của TS Lê Thẩm Dương phản ảnh một tâm trạng xã hội, một thiên hướng”

Tới đây nếu có một hiện tượng nào đó trong nền giáo dục đào tạo mà nó độc địa, quái chiêu thì những người đó cũng vẫn sẽ rú lên như vậy”, PGS. TS Trịnh Hòa Bình bày tỏ.

Về phần bài giảng của TS Lê Thẩm Dương, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Trong bài giảng của TS Lê Thẩm Dương, nghe giọng nói không ấn tượng bởi giọng ông khàn và thường phải rú lên ở những âm khu rất đặc biệt. Nhóm người mà phát cuồng về bài giảng ấy có khi họ thích một thứ dị biệt, độc đáo và qua việc tán dương bài giảng ấy họ thể hiện cho mọi người thấy họ thích một cái gì đó mạnh mẽ, ấn tượng”.

Liên quan đến việc có một số bình luận rất tục tĩu trên các mạng xã hội của những fan hâm mộ bài giảng của TS Lê Thẩm Dương đối với một số người phản đối bài giảng đó, PGS.TS Trịnh Hòa Bình phân tích: “Những ý kiến tán thành hay phản đối “phong cách” của Lê Thẩm Dương không phải là gì ghê gớm. Người ta không hài lòng vì nó thiếu tính chất sư phạm trong bài giảng thôi chứ không phải lên án về mặt đạo đức. Người ta có thể “tha thứ” thông cảm cho phong cách đó miễn là người thầy đó truyền tải được”

Hội những người phát cuồng vì TS Lê Thẩm Dương trên Facebook
Hội những người phát cuồng vì TS Lê Thẩm Dương trên Facebook

Tuy nhiên PGS.TS Bình cũng cho rằng những người trong hội “phát rồ” về bài giảng của TS Dương có hành động nói tục, chửi bới quá mức không phải xuất phát từ sự si mê phong cách ấy mà là họ biểu cảm một quan niệm khác đối với những cái gì mang tính chuẩn mực, nền nã. Những người mà hay có những bình luận tục tĩu chẳng qua là họ tranh thủ một sự kiện nào đó để họ chửi bới lăng nhăng và Lê Thẩm Dương chỉ là một cái cớ để họ biểu tỏ những ý kiến như vậy.

PGS.TS Bình cũng bày tỏ: “Tới đây nếu có một hiện tượng nào đó trong nền giáo dục đào tạo mà nó độc địa, quái chiêu thì những người đó cũng vẫn sẽ rú lên như vậy”.

Về vấn đề văn hóa tranh luận trên các diễn đàn, các mạng xã hội hiện nay PGS.TS Bình nhấn mạnh, chúng ta đang thiếu một sự tổng kết, đúc chốt, chỉ ra cái chính đạo.

"Lâu nay có nhiều cuộc tranh luận mà không giải quyết gì, các nhóm, phe phái “tàn sát nhau không thương tiếc”, nó chỉ gây ra sự ồn ào, sống động lên làng truyền thông chứ không thực sự giúp ích cho định hướng để xác lập những giá trị có tính chất trung tâm, chủ đạo”._TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

Đây là câu chuyện nhỏ của một bộ phận thanh thiếu niên có nhận thức chưa đúng đắn


GS Nguyễn Minh Thuyết "chuyện ông thầy giáo nói tục, nói bậy ấy quả nhỏ, không đáng để mình bận tâm"
GS Nguyễn Minh Thuyết "chuyện ông thầy giáo nói tục, nói bậy ấy quả nhỏ, không đáng để mình bận tâm"

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa, Chủ nhiệm Khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thì có một sự so sánh khá thú vị là “Hội phát cuồng về bài giảng của TS Lê Thẩm Dương cũng giống như một nhóm trẻ phát cuồng về Lê Văn Luyện”.

PGS.TS Hoa cũng cho rằng: "những thành viên của nhóm này có thể là những học sinh học yếu kém, mải chơi bời…Tôi rất tò mò về nhóm này và sẽ cho phóng viên những ý kiến sâu hơn sau khi tìm hiểu kỹ".

Về việc này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Tôi cũng không muốn nói nhiều về chuyện này nữa bởi vì nó quả nhỏ, tấ cả những câu chuyện đó nó quá nhỏ không đáng để mình bận tâm vào”.

GS cũng đưa ra nhận định: "Hiện nay một số thanh niên có nhận thức chưa được đúng đắn, đôi khi họ thích phản ứng lại với một cái gì đó chính thống, những cái hơi ngược đời".

Viết Cường