Kỳ thi tay nghề lần thứ 10 (năm 2018) thu hút 520 thí sinh đến từ 56 đoàn, gồm: 5 Bộ, ngành trung ương, 1 tập đoàn, 2 hiệp hội và 48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhất thuộc về các đoàn Hà Nội với 115 thành viên, trong đó có 33 chuyên gia, 47 thí sinh, dự thi ở 24 nghề. Tiếp sau đó là các đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Từ 13-20/5, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) tổ chức Kỳ thi tay nghề Quốc gia lần thứ 10 tại Hà Nội và Hà Nam.(Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Ngoài nội dung thi chính gồm 24 nghề thi chính thức, Ban tổ chức cũng bố trí thêm 2 nghề trình diễn.
Đây cũng là 2 nghề mới được tổ chức lần đầu tại Kỳ thi này.
Theo thông lệ, từ kết quả cuộc thi, Ban Tổ chức sẽ tuyển chọn những thí sinh xuất sắc để thành lập Đội tuyển quốc gia, tổ chức huấn luyện để tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 tại Thái Lan, diễn ra từ ngày 26/8 đến 4/9/2018.
Ban Tổ chức cũng sẽ tuyển chọn thí sinh tiêu biểu tham dự Kỳ thi tay nghề Thế giới lần thứ 45 tại Kazan, Liên bang Nga vào năm 2019.
Một điểm mới nữa trong cuộc thi năm nay so với các năm trước là các thí sinh phải đạt trên 700 điểm mới được xếp giải. Giải Nhất, Nhì, Ba sẽ được lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp, còn lại sẽ được xếp giải Khuyến khích.
Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, ngoại trừ ngành Lắp đặt điện và Điện – Điện tử thì các nghề khác đều là đề thi mở - tức là đã công bố công khai từ trước trên website của Tổng cục.
Dựa theo đề thi tay nghề thế giới năm 2017 và đề thi tay nghề Asean năm 2016, cuối tháng 12/2017, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã biên soạn đề thi tay nghề quốc gia.
Tuy nhiên, trước khi kỳ thi diễn ra, một Hội nghị kỹ thuật sẽ được tổ chức (năm nay vào ngày 14/5) để các tiểu ban kỹ thuật xây dựng một đề thi mới, trong đó sẽ căn cứ vào đề thi đã đăng tải trên website và chỉ sửa tối đa 30%, không được phép thay đổi trang thiết bị, nguyên vật liệu. Lúc đó, đề thi chính thức mới được ban tổ chức phê duyệt.