Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Inquirer. |
Tờ Inquirer ngày 27/4 đưa tin, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tối qua đã đồng ý cùng nhau nỗ lực thúc đẩy việc đàm phán, ký kết bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Cuộc gặp song phương diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Cả hai nước đang phải đối mặt với những mối đe dọa từ hoạt động cải tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hai nhà lãnh đạo cùng Ngoại trưởng 2 nước đã gặp, bắt tay trước mặt báo giới trước khi tiến hành hội đàm. Quan chức ngoại giao Philippines Herminio Coloma Jr cho biết, hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ cùng thúc đẩy ASEAN cho ra đời COC nhằm tránh leo thang tranh chấp có thể đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.
Tổng thống Philippines và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ qua ngại trước các hoạt động cải tạo bất hợp pháp của Trung Quốc và khẳng định, hành động này chắc chắn đã vi phạm DOC, làm thay đổi hiện trạng các khu vực tranh chấp khi cố tình biến các bãi ngầm, rặng san hô thành những hòn đảo nhân tạo.
Cuộc họp diễn ra chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cảnh báo ASEAN lần nữa về những hành động gây bất ổn của Trung Quốc trong khu vực.
Coloma nói rằng lãnh đạo hai nước đã so sánh các ghi nhận của 2 bên về sự quấy rối (của Trung Quốc) trên Biển Đông. Đồng thời, hai nhà lãnh đạo cũng cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Trong một động thái có liên quan, Tân Hoa Xã hôm nay đã có bài xã luận tỏ ra cay cú khi Trung Quốc bị Philippines vạch mặt giữa hội nghị ASEAN về các hành vi leo thang căng thẳng ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc chụp mũ cho Philippines là "vừa ăn cướp vừa la làng"?!
Còn theo Reuters, nước chủ nhà Malaysia "có truyền thống xem nhẹ căng thẳng ở Biển Đông vì quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc" khó có khả năng đưa những chỉ trích Trung Quốc vào tuyên bố chung hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26.
Một nhà ngoại giao giấu tên nói với Reuters, có thể có một vài đoạn nhắc đến Biển Đông, nhưng người Malaysia đang rất thận trọng về ngôn từ và sẽ không bao gồm khả năng chỉ đích danh Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh dừng các hoạt động cải tạo (bất hợp pháp).