Hương Sơn luận kiếm: Ai ủng hộ Trung Quốc mới được đăng đàn phát biểu

19/10/2015 06:52
Hồng Thủy
(GDVN) - Lầu Bát Nhất không cung cấp một cơ hội nào để các chuyên gia, tướng lĩnh có ý kiến khác với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông được phát biểu tại diễn đàn này.
Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc tại Diễn đàn Hương Sơn.
Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc tại Diễn đàn Hương Sơn.

Nikkei Asian Review ngày 19/10 đưa tin, Trung Quốc đã tìm mọi cách để kiếm sự hỗ trợ của châu Á cho hoạt động phiêu lưu hải quân của mình ở Biển Đông, gây ảnh hưởng quốc tế về hoạt động xây dựng, bồi lấp, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp của mình ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) tại Diễn đàn Hương Sơn vừa kết thúc hôm qua 18/10.

Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc đã đăng đàn tuyên truyền rằng, Bắc Kinh không cố gắng tăng cường kiểm soát Biển Đông (?!) và hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa không cản trở tự do, an ninh hàng không, hàng hải của khu vực. Trung Quốc vẫn kiên quyết sẽ chỉ đàm phán tay đôi với từng nước, nỗ lực gạt bằng được Hoa Kỳ khỏi Biển Đông.

Diễn đàn Hương Sơn tổ chức trong 3 ngày và Lầu Bát Nhất mời khoảng 500 khách là Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang ASEAN và các nước, các chuyên gia học giả quốc tế. 16 nước có quan hệ kinh tế sâu sắc với Trung Quốc đã phái Bộ trưởng Quốc phòng đến Hương Sơn.

Một diễn đàn an ninh khu vực khác được tổ chức hàng năm tại Singapore, Đối thoại Shangri-la được tổ chức bởi Viện Quốc tế của Anh, tại đó Trung Quốc thường được xem như một mối đe dọa.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từng phát biểu tại Đối thoại Shangri-la năm nay rằng, hoạt động thay đổi hiện trạng của Trung Quốc ở Biển Đông đáng bị lên án. Từ năm 2006 Trung Quốc bắt đầu tổ chức Diễn đàn Hương Sơn làm đối trọng, 2 năm tổ chức một lần và bắt đầu từ năm ngoái Bắc Kinh nâng cấp thành diễn đàn hàng năm.

Hiroko Maeda, một nhà nghiên cứu Viện PHP được mời tham gia "Hương Sơn luận kiếm" nói với Nikkei Asian Review, "Hương Sơn luận kiếm" chỉ dành cho Bắc Kinh quảng bá hoạt động bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa và chỉ những quan chức/học giả nước nào ủng hộ Trung Quốc mới được đăng đàn phát biểu.

Ngoài ra Lầu Bát Nhất không cung cấp một cơ hội nào để các chuyên gia, tướng lĩnh có ý kiến khác với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông được phát biểu tại diễn đàn này. Bề ngoài, "Hương Sơn luận kiếm" là một hội nghị quốc tế, nhưng chỉ có một số ít phương tiện truyền thông quốc tế được Lầu Bát Nhất gật đầu cho họ tham dự. Điều này cho thấy rõ mục đích chính trị của Lầu Bát Nhất trong sự kiện này.

Còn theo tường thuật của Thông tấn xã Đài Loan ngày 18/10, hôm qua là ngày họp cuối cùng của Diễn đàn Hương Sơn do Ngô Kiến Dân từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc chủ trì. Ông Dân dành phần lớn thời lượng để nói về cái gọi là "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như bảo vệ hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp ở Trường Sa.

Vài lời bình luận: Với cung cách tổ chức áp đặt, mời "quần hùng" đến nghe Lầu Bát Nhất "giải thích" về các hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp 7 bãi đá, rặng san hô ở Trường Sa mà Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng phi pháp của Việt Nam từ năm 1988, 1995 đến nay thành đảo nhân tạo, có thể thấy Bắc Kinh đang bất chấp mọi thủ đoạn để hiện thực hóa đường lưỡi bò. Hoàn toàn là áp đặt một chiều và phụ họa, hầu như không có đối thoại tại Diễn đàn Hương Sơn.

Cứ xem những gì Bắc Kinh nói và làm trong vấn đề Biển Đông cũng đủ thấy họ nói một đằng làm một nẻo, cả vú lấp miệng em, tin lời họ chẳng khác nào tự sát, hai tay dâng cả Biển Đông cho tham vọng bành trướng đại Hán, xưng hùng xưng bá khu vực của một bộ phận nhà cầm quyền Trung Quốc. Bởi vậy có lẽ các bên thay vì nghiên cứu các phát biểu của Trung Quốc, hãy nhìn những gì họ làm và chuẩn bị phương án sẵn sàng đối phó.

Hồng Thủy