Hương Sơn luận kiếm: Tướng Trung Quốc nói dối bất thành, kích động ngược dư luận

21/10/2015 07:06
Hồng Thủy
(GDVN) - Tư tưởng bành trướng đại Hán không chỉ ăn sâu vào một bộ phận lãnh đạo diều hâu Trung Quốc mà còn đầu độc không ít người dân nước này, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đa Chiều ngày 20/10 đưa tin, phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn do Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc đăng cai tổ chức, tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc nói với 500 đại biểu là tướng lĩnh, học giả các nước được Bắc Kinh mời đến rằng: Dù có liên quan đến lãnh thổ hay chủ quyền đi nữa, Trung Quốc cũng quyết không khinh suất dùng vũ lực.

Phạm Trường Long "gây bão dư luận" cộng đồng mạng Trung Quốc khi phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn.
Phạm Trường Long "gây bão dư luận" cộng đồng mạng Trung Quốc khi phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn.

Vốn chỉ là phát biểu trấn an, ru ngủ các nước láng giềng cũng như Hoa Kỳ, Nhật Bản đang lo ngại về hành vi bành trướng leo thang và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, không ngờ câu nói này của Phạm Trường Long lại kích động làn sóng phản ứng gay gắt từ dư luận cộng đồng mạng Trung Quốc.

Đặc biệt là ông Long phát biểu trong bối cảnh Mỹ tuyên bố chuẩn bị tuần tra bảo vệ tự do hàng không hàng hải vùng biển vùng trời 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa.

Dư luận cộng đồng mạng Trung Quốc cho rằng phat biểu của Phạm Trường Long chính là lập trường, thái độ của Trung Nam Hải trong vấn đề Biển Đông, có kẻ (quá khích) nói ông Long là "bán nước" buộc giới truyền thông và học giả nhà nước Trung Quốc phải vội vã đăng đàn cứu hỏa. 

Khi dẫn lời Phạm Trường Long, nhiều tờ báo Trung Quốc lại lấy ý "không khinh suất dùng vũ lực dù có liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ" để giật tít khiến (một bộ phận) dân Trung Quốc (bị nhà cầm quyền nhồi nhét tư tưởng dân tộc cực đoan, hiếu chiến) hiểu lầm rằng Trung Quốc có thái độ thỏa hiệp với Hoa Kỳ trong vụ tuần tra 12 hải lý quanh đảo nhân tạo ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Đi đầu trong đội quân "dập lửa dư luận" là Thời báo Hoàn Cầu với bài xã luận: "Sự lớn mạnh của quân đội: Năng lực bảo vệ quốc gia không thể nghi ngờ". Ngày hôm sau khi Phạm Trường Long phát biểu, Tập Cận Bình bắt đầu thăm chính thức nước Anh và gửi cho Reuters bài trả lời phỏng vấn sẵn, trong đó nhắc lại cái gọi là "chủ quyền các đảo ở Biển Đông có từ cổ đại, do tổ tông để lại"?!

Tập Cận Bình nói rằng, bất kỳ nước nào xâm phạm "chủ quyền và lợi ích Trung Quốc, dân Trung Quốc sẽ không để yên". Đa Chiều cho rằng, bề ngoài có khác nhau, nhưng hàm ý của Tập Cận Bình và Phạm Trường Long không khác. Cũng có tờ báo Trung Quốc giải thích, ý Phạm Trường Long không phải là nói cho Mỹ nghe, mà là nhằm vào (ru ngủ, vỗ về) một số nước Đông Nam Á.

Đa Chiều gọi phát biểu của Phạm Trường Long tại "Hương Sơn luận kiếm" là một viên thuốc trợ tim, hay định tâm đan dành cho các nước Đông Nam Á lâu nay vốn ở thế bất đối xứng khá lớn nếu so sánh tương quan lực lượng quân sự với Trung Quốc.

Vài lời bình luận: Như vậy tư tưởng bành trướng đại Hán không chỉ ăn sâu vào một bộ phận lãnh đạo diều hâu Trung Quốc mà còn đầu độc không ít người dân nước này, đặc biệt là thế hệ trẻ thường xuyên tiếp xúc với internet và có quan tâm đến các vấn đề chính trị. Hệ lụy của nó không chỉ khiến Biển Đông căng thẳng, khu vực bất an, mà còn có thể đẩy những thanh thiếu niên Trung Quốc vô tội vào chỗ binh đao, chiến tranh phi nghĩa chỉ để thỏa mãn cuồng vọng bành trướng của kẻ cầm quyền nhất thời.

Mặt khác nó tố cáo chính bộ mặt giả nhân giả nghĩa, giả yêu chuộng hòa bình của những kẻ thích dùng vũ lực, thích thể hiện mình bằng sức mạnh cơ bắp và cướp giật bát cơm của người khác với ý nghĩ, nếu không được cả thì cũng được chia phần. Nhưng càng như vậy Trung Quốc càng gây phản cảm, phẫn nộ và lo ngại từ láng giềng, buộc khu vực phải đoàn kết lại.

Bắc Kinh nhồi nhét cho dư luận nước này rằng Trung Quốc đang bị Mỹ, Nhật "bao vây, kiềm chế", còn Biển Đông "thuộc chủ quyền Trung Quốc từ thời cổ đại" lại bị các nước nhỏ mà họ gọi là "tiểu bá" chiếm mất. Chính lòng tham không cùng kết hợp với các thủ đoạn chính trị bất chính, rình mò cắn trộm của Bắc Kinh đang gây ra căng thẳng leo thang trên Biển Đông, dù có hàng trăm Diễn đàn Hương Sơn được mở ra hay hàng ngàn lời hứa hoa mỹ cũng không thể che đậy được. Mỹ đã nhảy vào cuộc, các bên nên sẵn sàng ủng hộ, hưởng ứng.

Đa Chiều cũng phải thừa nhận rằng, thông qua sự kiện này có thể thấy chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) đang lớn mạnh ở Trung Quốc như thế nào. Tư duy Chiến tranh Lạnh đang bị Bắc Kinh lên án và cho rằng phương Tây là thủ phạm, thì ngày nay lại đang lưu hành ở chính đất Trung Quốc, nhưng dưới cái lốt khác - lòng yêu nước (mù quáng) mà thôi.

Hồng Thủy