Tờ Tin tức Bình luận Trung Quốc ngày 19/10 đưa tin, tối hôm qua 18/10 Thủ tướng Campuchia Hun Sen được chủ nhà Trung Quốc mời phát biểu tại chiêu đãi quan khách các nước dự Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 6.
Ông Hun Sen nói rằng, trong vấn đề Biển Đông các bên nên tăng cường thiết lập sự tin cậy lẫn nhau trong khuôn khổ hiện có giữa Trung Quốc và ASEAN. Nói chung, Biển Đông nên được giải quyết thông qua biện pháp hòa bình, căn cứ theo luật pháp quốc tế mới có thể làm giảm cục diện căng thẳng hiện nay, đảm bảo hòa bình và hợp tác.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Diễn đàn Hương Sơn, ảnh: Bangkok Post. |
Báo Trung Quốc dẫn lời ông Hun Sen cho rằng, tốc độ phát triển nhanh chóng cũng như tiềm lực rất lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thúc đẩy nhu cầu bảo đảm ổn định, hòa bình, an ninh và hài hòa trong khu vực. Không có hòa bình và an ninh, không thể có phát triển và phồn vinh.
Hun Sen ca ngợi vai trò của Trung Quốc đối với khu vực, đặc biệt là việc Bắc Kinh đứng ra thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), đề xướng ý tưởng Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Những nhân tố này sẽ thúc đẩy hội nhập nền kinh tế khu vực, phát triển toàn cầu, ASEN ngày càng ổn định, hòa bình, hài hòa và phồn vinh.
Trên lĩnh vực an ninh, Thủ tướng Campuchia cho rằng những năm gần đây cộng đồng quốc tế đều quan tâm chú ý đến những diễn biến mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là về sự ổn định cũng như hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Quan hệ Trung - Mỹ có vai trò rất quan trọng đối với cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Washington và Bắc Kinh đều ý thức được quan hệ tương hỗ lẫn nhau và đang thiết lập các cơ chế để quản lý quan hệ song phương.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Xô tan rã và Mỹ đã trở thành siêu cường ở châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại khu vực đã có những biến động mới, đặc biệt là sự trỗi dậy về kinh tế lẫn quân sự của Trung Quốc, tạo ra sự "cân bằng chiến lược" mới ở châu A - Thái Bình Dương. Trên phương diện quân sự, Trung Quốc đang tăng cường hiện đại hóa quân đội về cả phần cứng lẫn phần mềm để "bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ", báo Trung Quốc dẫn lời Hun Sen bình luận.
Ứng xử ở Biển Đông cần rõ ràng nhưng đúng luật, kẻo sẽ tiếp tay cho Trung Quốc(GDVN) - Ứng xử với các tình huống trên Biển Đông như khả năng tuần tra của Mỹ là một ví dụ, chúng ta cần hiểu rõ luật pháp, nếu không sẽ vô tình tiếp tay, nối giáo... |
Ngoài Mỹ - Trung, Thủ tướng Campuchia cũng nhắc đến vai trò và đóng góp tích cực cho hòa bình khu vực của Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, đặc biệt là chính sách an ninh mới của Tokyo và chiến lược hướng Đông của New Delhi. Ông Hun Sen cũng cho rằng Nga vẫn đóng vai trò một siêu cường truyền thống ở châu Á -Thái Bình Dương mà khu vực không thể xem thường.
Về vấn đề Biển Đông, Hun Sen cho rằng nên giải quyết một cách hòa bình "trong các khuôn khổ hiện có như Trung Quốc - ASEAN", tuân thủ DOC và luật pháp quốc tế, làm tuần tự dễ trước khó sau, sớm đàm phán ký kết COC, trong đó "đàm phán đối thoại song phương giữa các quốc gia liên quan là nhân tố quyết định".
Theo báo Trung Quốc, Hun Sen nhấn mạnh rằng ASEAN không thể ra quyết sách thay các nước liên quan ở Biển Đông, mà các nước này "phải thông qua đàm phán song phương" với nhau để tự giải quyết vấn đề của mình chứ ASEAN không thể "làm thay" vì như thế chỉ càng làm lớn chuyện, phức tạp vấn đề"?!
Vài lời bình luận: Những phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã cho thấy rõ tại sao Bắc Kinh lại mượn lời ông để tuyên truyền, thúc đẩy quan điểm lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và tại sao Lầu Bát Nhất lại "đặt hàng" ông phát biểu trước 500 quan chức, học giả quốc tế mà họ mời tới dự Diễn đàn Hương Sơn trong lúc Biển Đông đang nước sôi lửa bỏng.
Việc cổ súy cho ý tưởng Con đường Tơ lụa thế kỷ 21 hay Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) của ông Hun Sen cũng không có gì khó hiểu, bởi chi phối các quan hệ quốc tế chính là lợi ích. Campuchia vừa "ẵm" được 150 triệu USD (quy đổi) do Trung Quốc viện trợ trong chuyến thăm này của Hun Sen thì việc ông có vài lời ủng hộ, ngợi ca nước chủ nhà cũng là lẽ thường tình.
Mặc dù thực tế không phải nước nào trong khu vực cũng bị mê hoặc bởi đồng tiền Trung Quốc mà quên mất những nguy cơ an ninh hiện hữu đang rình rập mình từng ngày, từng giờ.
Càng gần Đại hội Đảng, càng phải đề phòng cảnh giác sinh biến ở Biển Đông(GDVN) - Trong bối cảnh giao thời, chuyển giao quyền lực lãnh đạo ở hai quốc gia mà Bắc Kinh xem như "cứng đầu" nhất ở Biển Đông, thời điểm này là cực kỳ nhạy cảm. |
Còn trong vấn đề Biển Đông, phát biểu của Thủ tướng Hun Sen cho thấy rõ sự thiếu khách quan và trách nhiệm của một thành viên ASEAN cũng như khu vực. Biển Đông không phải chuyện riêng giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Một khi Trung Quốc biến nó thành thùng thuốc súng thì không phải 4 nước này, mà cả khu vực cũng rơi vào vòng tai vạ, Mỹ, Nhật, Ấn, Úc cũng khó yên thân chứ đừng nói Campuchia.
Có lẽ do nghĩ rằng tên lửa, máy bay, chiến hạm Trung Quốc rồi đây sẽ kéo ra các pháo đài trên đảo nhân tạo bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa nhằm vào nước khác chứ không đời nào lại nhằm vào mình nên Campuchia có thể yên tâm kê cao gối nằm?
Thủ tướng Hun Sen ủng hộ ra mặt chủ trương Bắc Kinh muốn gạt 6 thành viên còn lại của ASEAN cùng với Mỹ, Nhật, Ấn, Úc và các nước có lợi ích hợp pháp ở Biển Đông ra khỏi tiến trình đàm phán để Trung Quốc dễ bề khống chế, bẻ từng chiếc đũa. Điều này không lạ, nó đã xảy ra năm 2012 qua sự thất bại lần đầu tiên trong 45 năm của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN.
Đàm phán tay đôi mà xong thì đã không có vụ kiện đường lưỡi bò do Philippines khởi xướng cũng như xu thế căng thẳng, đối đầu ngày nay.
Mặt khác sự mập mờ ẩn ý của Thủ tướng Hun Sen về "luật pháp quốc tế" không nhắc gì đến Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà lại trông chờ vào DOC vốn đã chứng minh sự vô hiệu của nó bởi các hoạt động leo thang, phá vỡ hiện trạng của Trung Quốc ngoài thực địa cho thấy Campuchia chỉ đang phụ họa theo Trung Quốc, theo đóm ăn tàn mà thôi.
Nhưng kể cả Trung Quốc có mượn lời ông Hun Sen để ca ngợi "chủ trương sáng suốt" của Tập Cận Bình với Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, AIIB hay thủ đoạn bẻ từng chiếc đũa ở Biển Đông, chắc chắn Bắc Kinh chỉ gây thêm phản cảm, ức chế và lo ngại từ các nước láng giềng cũng như dư luận khu vực và quốc tế.
Bởi vài lời lẽ mỹ miều, vài diễn đàn khoa trương kiểu "Hương Sơn luận kiếm" ảo nhiều hơn thực không thể che giấu được 3 đường băng dài hơn 3000 mét và những trận địa tên lửa, radar, máy bay, chiến hạm đang sắp hiện diện lừng lững bất hợp pháp ở Trường Sa, án ngữ tuyến hàng hải huyết mạch trọng yếu của khu vực.