Tên lửa chống hạm C-705 thích hợp trang bị cho cả máy bay, tàu chiến và chiến xa, có thể sử dụng để tấn công tàu hộ vệ và các mục tiêu trên biển cỡ trung bình trở lên. |
Tờ “The Jakarta Post” ngày 27/7 cho biết, hiện nay Trung Quốc và Indonesia đang thảo luận vấn đề sản xuất tên lửa chống hạm C-705 tại Indonesia. Đây là một trong những nỗ lực tìm cách độc lập sản xuất vũ khí của Indonesia.
Hợp tác quốc phòng hai nước phản ánh, trong tình hình biển Đông và quan hệ giữa Trung Quốc với nhiều nước láng giềng ASEAN căng thẳng leo thang, quan hệ giữa Trung Quốc và Indonesia lại không ngừng đi vào chiều sâu.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Indonesia Hartin Asrin, ngày 25/6, trong hội nghị hợp tác công nghiệp quốc phòng lần đầu tiên giữa Trung Quốc-Indonesia tổ chức tại Jakarta, hai bên đã tiến hành hội đàm sơ bộ về các vấn đề có liên quan.
Quan chức quốc phòng Indonesia, Pos M. Hutabarat đã tiếp đón đoàn đại biểu Trung Quốc do ông Lưu Vân Phong, Ủy ban Công nghiệp khoa học kỹ thuật quốc phòng Trung Quốc dẫn đầu.
Hartin Asrin cho biết, tại hội nghị, Indonesia và Trung Quốc đã bàn thảo nhiều biện pháp cải thiện hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước. Ông còn chỉ ra, Indonesia đã chuẩn bị tốt một khu sản xuất tên lửa có mặt hướng ra biển lớn, thuận tiện cho thử nghiệm tên lửa.
Tên lửa chống hạm C-705 do Trung Quốc chế tạo. |
Theo Asrin, tên lửa C-705 có tầm phóng là 120 km. Hải quân Indonesia đã phóng thành công tên lửa này ở eo biển Sund. “Trung Quốc cũng đã cung cấp hệ thống vũ khí (tặng) có thể cần thiết cho Indonesia”.
Ngày 26/7, Thư ký Bộ Quốc phòng Indonesia Eris Haryanto cũng cho biết, Cục Công nghiệp khoa học kỹ thuật quốc phòng quốc gia Trung Quốc (SASTIND) sẽ “cung cấp công nghệ” đối với loại tên lửa này. SASTIND và Bộ Tổng quản Trang bị Quốc phòng Indonesia (Directorate General of Defense Capabilities) triển khai hợp tác vào ngày 22/3/2012.
Eris cho biết, tên lửa C-705 có tầm phóng từ 110-120 km, cũng có thể tấn công mục tiêu trên đất liền
Có nguồn tin đáng tin cậy cho biết, dự kiến Indonesia sẽ trả lời về đề nghị sản xuất tên lửa giai đoạn một vào cuối tháng 8/2012, sau 1 tháng sẽ trả lời giai đoạn hai. Dự kiến hai bên sẽ ký hợp đồng vào năm 2013. Trong đó, giai đoạn một sẽ lắp ráp hàng nửa rời, giai đoạn hai lắp ráp hàng rời hoàn toàn.
Mặc dù hiện nay Trung Quốc và Indonesia đặt trọng điểm vào hai giai đoạn trước, nhưng giai đoạn ba liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu phát triển, cũng đã được đặt lên bàn đàm phán.
Ngoài sản xuất tên lửa, trong tháng này, tại Sơn Đông, Tế Nam – Trung Quốc, lực lượng đặc nhiệm Indonesia cũng đã cùng với Quân đội Trung Quốc tổ chức diễn tập liên hợp “Lợi Nhẫn-2012”. Trung Quốc còn đào tạo 10 phi công cho Không quân Indonesia.
Tên lửa chống hạm C-705. |
Khi đề cập tới hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và Indonesia, chuyên gia an ninh khu vực và các vấn đề quốc tế Indonesia, Andi Widjajanto cho biết, hợp tác công nghiệp quốc phòng chỉ là kênh có được nhiều công nghệ tiên tiến hơn.
“Nhưng, chúng tôi còn cần thời gian tương đối dài mới có thể thực hiện được sự độc lập về công nghiệp quốc phòng, có thể sẽ là sau năm 2024. Đây chính là nguyên nhân Indonesia xây dựng quan hệ đối tác hợp tác với rất nhiều quốc gia có công nghệ quân sự hiện đại. Đây cũng là lý do chúng tôi yêu cầu chuyển giao công nghệ khi ký bất cứ thỏa thuận nào với đối tác” – Andi nói.
Andy nói thêm, trên phương diện quan hệ đối tác hợp tác với Trung Quốc, Indonesia có 2 mục đích: Thứ nhất, có được kênh nhập công nghệ tên lửa tiên tiến; thứ hai, hợp tác bảo vệ an ninh trên biển. Ông nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, điều này không có liên quan gì tới xung đột biển Đông”.
Theo Chủ tịch Ủy ban thứ nhất, Quốc hội Indonesia, Mahfudz Shiddiq, hợp tác toàn cầu trên lĩnh vực công nghiệp quốc phòng này là để phát triển công nghiệp quốc phòng của Indonesia. Ông nói: “Từ năm 2010 đến 2014, chúng tôi cấp 15,8 tỷ USD để hiện đại hóa hệ thống quốc phòng vũ khí.
Nếu bỏ tiền cho công nghiệp quốc phòng mà không cải thiện được gì khả năng công nghiệp quốc phòng thì thật là một sự lãng phí. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu đối tác chuyển giao công nghệ quân sự để chúng tôi từng bước nâng cao trình độ công nghệ”.
Ông còn cho biết, công nghệ quân sự tiên tiến của Trung Quốc trong các lĩnh vực như tên lửa là lý do Indonesia xây dựng quan hệ đối tác hợp tác với Trung Quốc. “Điều này không có nhân tố chính trị, cho dù người khác có thể móc nối quan hệ hợp tác giữa hai nước với các vấn đề chính trị như tranh chấp biển Đông”.
Indonesia đã triển khai hợp tác với vài nước trong lĩnh vực sản xuất vũ khí, chẳng hạn hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu và tàu ngầm với Hàn Quốc, hợp tác chế tạo tàu hộ vệ với Hà Lan, hợp tác chế tạo máy bay vận tải hạng trung với Tây Ban Nha.
Tên lửa chống hạm C-704 phiên bản xuất khẩu của Trung Quốc. |