Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Hải quân Trung Quốc xuất hiện ở Ấn Độ Dương (nguồn mạng sina TQ) |
Trang mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 5 tháng 11 có bài viết của tác giả Ngụy Đông Húc, nhà quan sát quân sự Trung Quốc. Bài viết cho rằng, cùng với việc tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường của Hải quân Trung Quốc lần lượt xâm nhập Ấn Độ Dương, lực lượng tàu ngầm chọc thủng "chuỗi đảo thứ hai" – sự phát triển của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc được truyền thông Mỹ tập trung phân tích trong thời gian gần đây.
Tờ "Nezavisimaya Gazeta" Nga cho rằng, lực lượng tàu ngầm Trung Quốc làm cho Mỹ cảm thấy thực sự đau đầu. Nhà nghiên cứu Pavel, chủ nhiệm Viện nghiên cứu Viễn Đông, Viện Khoa học Nga cho rằng, Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua chiến lược xây dựng "cường quốc biển", thực lực hải quân của Trung Quốc đang không ngừng tăng cường, nhưng vẫn kém Mỹ về mặt công nghệ, cũng "sẽ không có khuynh hướng áp dụng hành động mạo hiểm".
Theo Pavel, bất kể thế nào, kẻ đi sau đang nhanh chóng đuổi kịp này làm cho người dẫn trước cũng không dám xem thường.
Lần đầu tiên đến Ấn Độ Dương
Các chuyên gia quân sự và cơ quan nghiên cứu quốc phòng Phương Tây từng cho rằng, lực lượng tàu ngầm Hải quân Trung Quốc chủ yếu phát huy vai trò “tuần tra gần bờ”, thường triển khai và tuần tra ở biển gần, thiếu khả năng, kinh nghiệm hoạt động và triển khai ở biển xa. Nhưng, sự thực cho thấy, lực lượng tàu ngầm Trung Quốc đã nhanh chóng vươn ra biển xa.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Hải quân Trung Quốc xuất hiện ở Ấn Độ Dương (nguồn mạng sina TQ) |
Tờ “Nhật báo Phố Wall” Mỹ gần đây cho rằng, cuối năm 2013, 1 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Thương của Hải quân Trung Quốc đã “lặng lẽ chạy qua eo biển Malacca trên mặt biển”, sau đó đã mất dạng. Theo bài báo, chiếc tàu ngầm này từng nổi lên mặt nước ở khu vực Sri Lanka, sau đó lại xuất hiện ở vịnh Ba Tư, đến tháng 2 năm 2014 đi qua eo biển Malacca quay trở về. Đây là lần đầu tiên tàu ngầm Trung Quốc đến Ấn Độ Dương.
Trang mạng “An ninh toàn cầu” Mỹ suy đoán, tính năng của tàu ngầm lớp Thương tương tự tàu ngầm hạt nhân Victor-3 của Hải quân Nga, lượng giãn nước khoảng 6.000 - 7.000 tấn, không chỉ trang bị thiết bị định vị thủy âm tiên tiến ở đầu tàu, mà còn lắp thiết bị định vị thủy âm ở mạn tàu, đồng thời đã áp dụng thiết kế trục đơn và chân vịt 7 lá nghiêng, lớn.
Hỏa lực của tàu ngầm hạt nhân lớp Thương “rất mạnh”, 6 ống ngư lôi cỡ 533 mm áp dụng thiết kế “4 trước 2 sau”, có thể bắn ngư lôi, tên lửa chống hạm dòng Ưng Kích; còn có tin ngầm cho biết, “loại tàu ngầm hạt nhân này đã trang bị tên lửa hành trình tấn công đối đất”.
Căn cứ vào báo cáo đánh giá công bố năm 2002 của Bộ Quốc phòng Mỹ, chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Thương đầu tiên có thể bắt đầu đưa vào hoạt động sau năm 2005. Trước năm 2020, tàu ngầm hạt nhân lớp Thương sẽ thay thế toàn bộ tàu ngầm hạt nhân lớp Hán.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Hải quân Trung Quốc xuất hiện ở Ấn Độ Dương (nguồn mạng sina TQ) |
Trước đó, có truyền thông Sri Lanka cho biết, 1 chiếc tàu ngầm thông thường lớp Tống Type 039 của Hải quân Trung Quốc cách đây không lâu đã thăm Colombo, tàu chi viện tàu ngầm Trường Hưng Đảo của Hạm đội Bắc Hải cũng đi theo. Tàu ngầm lớp Tống là một loại tàu ngầm thông thường của Hải quân Trung Quốc, áp dụng thiết kế thân tàu hình giọt nước, đầu cá voi.
Theo suy đoán của trang mạng "Công nghệ Hải quân" Mỹ, tàu này dài 75 m, rộng 8,4 m, lượng giãn nước khi lặn 2.250 tấn, do hơn 60 binh sĩ hải quân điều khiển, tốc độ chạy trên mặt nước khoảng 12 - 15 hải lý/giờ, gạch giảm âm ở thân tàu đã tăng mạnh tính bí mật, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ săn ngầm, chống hạm, rải mìn và trinh sát/do thám.
Về trang bị vũ khí, 6 ống phóng cỡ 533 mm ở đầu tàu lớp Tống có thể phóng ngư lôi săn ngầm dẫn đường bằng âm thanh Y-3, ngư lôi chống hạm dẫn đường bằng âm thanh Y-4 và tên lửa chống hạm Ưng Kích-8 (YJ-8) có tầm bắn 80 km, mang theo đầu đạn nặng 165 km.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc khi đó cũng xác nhận, một chiếc tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc gần đây đã đến vịnh Aden, vùng biển Somalia cùng thực hiện nhiệm vụ hộ tống với biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc. Trong thời gian đó, tàu ngầm Hải quân Trung Quốc đã đến cảng Colombo của Sri Lanka. Việc tàu ngầm cập cảng tiếp tế, nghỉ ngơi là cách làm thông thường của hải quân các nước.
Tàu ngầm thông thường Type 039 Hải quân Trung Quốc xuất hiện ở cảng Colombo, Sri Lanka vào tháng 9 năm 2014. |
“Có khả năng vươn tới Hawaii”
Mỹ hầu như quan tâm hơn đến các động thái của tàu ngầm hạt nhân tấn công Trung Quốc. Tờ “Nhật báo Phố Wall” cho rằng, Lưu Hoa Thanh, người được cho là “cha đẻ của hải quân hiện đại” Trung Quốc, rất coi trọng vai trò của tàu ngầm hạt nhân tấn công, ông cho rằng đến năm 2010 Trung Quốc nên xác lập quyền kiểm soát biển trong “chuỗi đảo thứ nhất”, đến năm 2020 xác lập quyền kiểm soát biển trong “chuỗi đảo thứ hai”, đến năm 2050 nên có khả năng “hoạt động toàn cầu”.
Tờ “Nhật báo Phố Wall” cho rằng, trong thời gian khoảng 10 năm, Thiếu tướng Sawyer Hải quân Mỹ luôn nghiên cứu loại tàu ngầm hạt nhân này, bất kể là khi ông đảm nhiệm sĩ quan chỉ huy lực lượng tàu ngầm của Mỹ đóng ở Nhật Bản và Guam hay khi ông nhậm chức ở trụ sở lực lượng tàu ngầm thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ.
Hiện nay, trên bàn làm việc của tướng Sawyer có một bản đồ hàng hải, trong bản đồ sử dụng một ký hiệu màu trắng đã đánh dấu căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc, trong khi đó, 2 tuyến đã đại diện cho “chuỗi đảo thứ nhất” và “chuỗi đảo thứ hai”. Tướng Sawyer cho rằng, trong mấy năm qua, tàu ngầm hạt nhân tấn công của Trung Quốc đã chọc thủng “chuỗi đảo thứ nhất” và đang tiến hành tuần tra ở trạng thái bình thường tại “biển Philippines”, thậm chí đã bắt đầu tuần tra không gián đoạn cả năm.
Ông cho rằng, tàu ngầm hạt nhân tấn công của Trung Quốc có khả năng chọc thủng “chuỗi đảo thứ hai”, cho rằng binh sĩ lực lượng tàu ngầm Trung Quốc đang học cách thực hiện nhiệm vụ ở biển xa, “họ có khả năng vươn tới Hawaii”.
Tàu ngầm thông thường Type 039B, Hải quân Trung Quốc |
Chính như trung tướng Robert Thomas, người từng chỉ huy lực lượng tàu ngầm Hạm đội 7, Quân đội Mỹ từng nói, thông điệp của Trung Quốc rất rõ ràng, “Trung Quốc có hải quân chuyên nghiệp, có lực lượng tàu ngầm chuyên nghiệp, có thể hoạt động ở các vùng biển trên toàn cầu... Không còn chỉ là lực lượng tàu ngầm duyên hải trước đây”.
Tuy nhiên, quan chức Hải quân Mỹ dường như “không hề lo lắng” về tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc ngày càng vươn xa. Tờ “Nhật báo Phố Wall” cho rằng, tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc phải đi qua các eo biển hẹp để vươn ra Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương, trong khi đó những vùng biển này rất dễ dàng bị giám sát hoặc phong tỏa.
Ngoài ra, Thiếu tướng Sawyer và các quan chức khác của Hải quân Mỹ cho rằng, lực lượng tàu ngầm Hải quân Mỹ vẫn có ưu thế, họ có thể theo dõi tàu ngầm Trung Quốc, trong khi đó lực lượng tàu ngầm Trung Quốc vẫn rất khó thực hiện nhiệm vụ tương tự. Davis, chỉ huy tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Houston Mỹ - con tàu vừa hoàn thành nhiệm vụ tuần tra Tây Thái Bình Dương - tự tin cho biết: “Chúng tôi không bị bất cứ ai bám theo”.
Cần phải thấy được, Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đang không ngừng tăng cường phong tỏa và vây chặn lực lượng tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc: các máy bay tuần tra săn ngầm P-8A, P-1 và P-3C đang hoạt động dày đặc ở biển Hoa Đông và Biển Đông, muốn thăm dò việc triển khai và quy luật hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc;
tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga, tàu sân bay hạng nhẹ Izumo và tàu tuần duyên đang theo dõi chặt chẽ tuyến dường đi qua các eo biển, có ý đồ vây chặn tàu ngầm Trung Quốc ở vùng biển phía tây “chuỗi đảo thứ nhất”.
Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-8A Hải quân Mỹ |
Trong tình hình này, tàu ngầm Trung Quốc mạnh dạn xông ra khỏi cửa, xuất hiện ở Ấn Độ Dương, đã vừa phô diễn trình độ kỹ chiến thuật của binh sĩ hải quân, vừa đặt nền tảng cho xây dựng trận địa “đáp trả/phản kích hạt nhân chiến lược” rộng lớn hơn và yểm trợ cho tàu sân bay vươn ra đại dương trong tương lai.
Xây dựng lực lượng tàu ngầm cần nỗ lực toàn diện
Lực lượng tàu ngầm Hải quân Trung Quốc đi ra biển xa, không chỉ là để “tôi luyện gân cốt” của mình, chọc thủng “trận địa săn ngầm” do nước khác bố trí, mà còn có tính toán đem theo nhiều “lực lượng trên biển mang tính xâm lược” hơn đến đại dương xa xôi.
Là “hai xe ngựa chiến lược” của hải quân nước lớn, tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo chọc thủng “chuỗi đảo”, “thu xếp việc nhà” ở đại dương, cần được tàu ngầm hạt nhân tấn công yểm trợ; tàu sân bay triển khai ở biển xa không tách rời sự hộ tống của tàu ngầm tấn công.
Trong khi đó, trước khi thực hiện hai nhiệm vụ này, tàu ngầm hạt nhân tấn công trước hết phải tìm kiếm tuyến đường để lặn từ căn cứ đến trận địa. Nếu thông tin về việc tàu ngầm Trung Quốc tuần tra ở Ấn Độ Dương của tờ “Nhật báo phố Wall” là sự thật, thì điều này có nghĩa là lực lượng tàu ngầm Trung Quốc đang gia tăng vẽ ra “kế hoạch đại dương”.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu Nhật Bản |
Tàu ngầm có đặc điểm tính bí mật cao, hỏa lực mạnh, triển khai ở vùng biển nhạy cảm hoặc tuyên bố triển khai 1 - 2 tàu ngầm tiên tiến thì có thể kiềm chế có hiệu quả hoạt động của biên đội tàu sân bay, cụm tấn công đổ bộ, thu được hiệu quả “không đánh mà khuất phục được người”. Thực tiễn cho thấy, tàu ngầm tiên tiến vẫn là vũ khí lợi hạiu quyết thắng trong hải chiến/chiến tranh trên biển.
Hiện nay, các nước xung quanh Trung Quốc đều coi thành lập, phát triển lực lượng tàu ngầm là con “đường tắt” để nâng cao sức chiến đấu tổng thể cho hải quân. Ở biển Hoa Đông, tàu ngầm AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và tàu ngầm hạt nhân tấn công của Hải quân Mỹ dồn dập hoạt động;
ở Biển Đông, 6 tàu ngầm lớp Kilo Việt Nam mua sắm của Nga lần lượt được bàn giao, tàu ngầm lớp Scorpene Hải quân Malaysia mua sắm của Pháp đã hoàn thành bắn thử tên lửa Exocet, Singapore cũng quyết định mua sắm tàu ngầm Type 218SG do Đức chế tạo.
Tư lệnh Hải quân Australia Barrett gần đây cho biết, Australia sẽ mua sắm 12 tàu ngầm mới để thay thế cho 6 tàu ngầm cũ hiện có, những tàu ngầm kiểu mới này “có khả năng sẽ triển khai ở vùng biển tranh chấp Biển Đông”.
Tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Việt Nam (ảnh tư liệu) |
Đứng trước vùng biển xung quanh có “sóng ngầm nổi lên”, chuyên gia quốc phòng Trung Quốc kiến nghị, Trung Quốc ngoài nâng cao năng lực săn ngầm trên biển, trên không, cần tiếp tục “làm lớn, làm mạnh” lực lượng tàu ngầm của mình, củng cố “trận địa dưới biển”.