Vừa qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được đơn tố cáo của người dân tố cáo về việc Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh và phát triển hạ tầng KCN Phúc Hà (Công ty Phúc Hà) có địa chỉ tại tầng 3, đơn nguyên 1, tòa nhà T1 dự án Thăng Long Victory, khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) ngang nhiên huy động vốn trái phép, có dấu hiệu lừa đảo.
Trụ sở làm việc của Công ty Phúc Hà tại khu đô thị Nam An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh Bảo Nam. |
Cụ thể, trong đơn tố cáo của ông Lê Hồng Tư, thường trú tại số nhà 37, tổ 22, phố Cao Du, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ trình bày:
"Năm 2010, tôi được thông tin Công ty Phúc Hà bán cho 01 căn hộ thuộc nhà ở cao tầng lô đất N03-T7, Khu ngoại giao đoàn, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, TP.Hà Nội.
Tôi đã ký hợp đồng số 41/2010/HĐVV/IPACO ngày 19/04/2010, từ đó cho tới nay Công ty Phúc Hà vẫn chưa bàn giao nhà ở. Tôi đã nhiều lần đến đòi lại số tiền tôi đã nộp gồm:
Tiền cho vay lần 1 là 491.400.000 đồng, tiền đặt cọc là 100.000.000 đồng, tiền "chênh" (không hóa đơn) nộp ngoài cho thủ quỹ Phí Thị Lan Hương nhận là 200.000.000 đồng.
Sau khi tìm hiểu thông tin, tôi biết Công ty Phúc Hà không hề được cơ quan chức năng giao thực hiện dự án. Mặc dù nộp tiền đã lâu nhưng Công ty cũng không thực hiện cam kết ghi trong hợp đồng. Tôi đã đến để đòi lại tiền nhưng giám đốc và lãnh đạo công ty lẫn trốn có dấu hiệu lừa đảo, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ".
Đơn tố cáo của ông Lê Hồng Tư gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh Bảo Nam. |
Theo thông tin ông Tư cung cấp, tại Hợp đồng vay vốn số 41/2010/HĐVV/IPACO được ký vào ngày 19/04/2010 tại văn phòng Công ty Phúc Hà.
Bên vay vốn (bên A) là Công ty Phúc Hà, bên cho vay (bên B) là ông Lê Hồng Tư với tổng số tiền cho vay là 819.000.000 đồng (chưa kể số tiền chênh 200 triệu đồng ngoài hợp đồng).
Tiến độ giao tiền được chia làm hai lần, lần 1 là 491.400.000 đồng, lần 2 là 327.600.000 đồng. Thời hạn vay là 24 tháng kể từ ngày nhận, lãi suất tiền vay được ấn định là 8%/năm/số dư nợ.
Qua đó, bên B được hưởng quyền ưu tiên mua 01 căn hộ hình thành trong tương lai tại dự án: nhà ở cao tầng tại lô đất N03-T7, khu Ngoại giao đoàn, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Bên A trả nợ gốc và tiền lãi vay theo thỏa thuận trong hợp đồng này trong trường hợp bên B không có nhu cầu, từ chối quyền được mua căn hộ, diện tích sàn kinh doanh tương ứng.
Trường hợp bên B nộp tiền quá hạn 15 ngày kể từ ngày đến hạn chuyển tiền của đợt chuyển tiền gần nhất, đồng nghĩa với việc bên B đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bên A có trách nhiệm thanh toán cho bên B tiền gốc cộng với lãi vay sau.
Hợp đồng huy động vốn được ký kết giữa ông Tư và Công ty Phúc Hà từ tháng 04/2010 nhưng đến nay ông Tư vẫn chưa được bàn giao nhà, tiền gốc và lãi cũng không được nhận lại. Ảnh Bảo Nam. |
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các cam kết trong hợp đồng, phía Công ty Phúc Hà đã không làm đúng với những gì mà trước đó 02 bên đã ký.
Tức suốt từ năm 2010 đến nay, bên Công ty Phúc Hà vẫn chưa thực hiện dự án và không có "căn hộ" để bán "ưu tiên" cho khách hàng.
Cụ thể, 06 năm đã trôi qua nhưng ông Tư vẫn chưa nhận được nhà mặc dù đã đặt cọc và nộp tiền "chênh" theo yêu cầu của công ty.
Đồng thời , phía Công ty không chịu trả lại số tiền gốc cũng như tiền lãi cho bên B cho dù bên B đã nhiều lần yêu cầu được chấm dứt hợp đồng.
Như vậy, có thể thấy, việc Công ty Phúc Hà ngang nhiên huy động vốn khi chưa có đầy đủ giấy tờ pháp lý cũng như chưa xây dựng xong nền móng là hoàn toàn trái với những gì mà Nhà nước quy định.
Việc trốn tránh không chịu trả tiền gốc, tiền lãi cho người dân trong hợp đồng huy động vốn được ký trước đó rõ ràng đang có dấu hiệu của việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân.
Đề nghị UBND thành phố Hà Nội, Bộ Công an sớm vào cuộc kiểm tra những vi phạm của Công ty Phúc để làm rõ nội dung tố cáo của công dân.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục thông tin về vụ việc trên.