Khai mạc Copa America: Thời của Messi!

30/06/2011 06:15
(GDVN) - Messi không thể so sánh được với Diego Maradona, nhưng có thể ngang bằng về thành tích nếu anh mang về cho Argentina những danh hiệu quốc tế.

(GDVN) - Diego Maradona sẽ luôn được nhớ mãi không chỉ bởi tài năng cá nhân mà còn bởi công trạng với Tổ quốc của ông. Còn Lionel Messi thì sao?

Lionel Messi, Falko Goetz và câu chuyện thể hình ở bóng đá Việt Nam

Pele dùng Neymar để mỉa mai Messi

Pele ‘bĩu môi’ trước nhận định Messi xuất sắc nhất mọi thời đại

Dung nhan Xoana Gonzalez, người tình một đêm của Messi

Sản phẩm của công nghệ lập trình?

Danh tiếng của Lionel Messi giờ đã nổi lên mức độ toàn cầu, tức từ Argentina cho tới Alaska và Tân Guinea người ta đều biết tới tên tuổi, tài năng và khuôn mặt như trẻ thơ của anh. Nhưng hầu như ở khắp nơi trên thế giới, chữ đầu tiên khi nói về Messi là “Barca”.

Không thể phủ nhận một thực tế rằng đã có nhiều tài năng thành danh từ lò đào tạo cầu thủ trẻ La Masia của Barca. Nhiều và nổi tiếng đến nỗi La Masia có khi còn được biết đến nhiều hơn cả một số học viên đã ra trường của lò đào tạo này. Tại đó, họ được đào tạo cách làm quen với trái bóng từ thưở nhỏ, biết cách chơi bóng mà không bộc lộ những điểm yếu thể chất và biết cách tư duy chiến thuật trong sơ đồ 4-3-3, cốt lõi của giáo trình đào tạo cầu thủ cho Barca.

Nói tới Messi, trước tiên hãy nói tới Barcelona, kế đến là Argentina
Nói tới Messi, trước tiên hãy nói tới Barcelona, kế đến là Argentina.

Một sản phẩm được tạo ra nhờ sự áp đặt thì thường sẽ dễ vận hành trong một hệ thống tương ứng hơn. Ai dám nói rằng Unikey có thể tương thích với mọi ứng dụng văn phòng? Một cầu thủ cũng tương tự khi tài năng của anh ta có thể chỉ được thể hiện ở một CLB bởi anh được rèn luyện và thấm nhuần triết lý bóng đá của CLB đó từ thưở niên thiếu, chứ không phải ai cũng dễ dàng tỏa sáng ở ĐTQG.

Lionel Messi là một ví dụ hết sức tiêu biểu của sự áp đặt trong đào tạo cầu thủ. Anh được rèn luyện một cách bài bản để có thể thực hiện tốt vai trò của mình trong sơ đồ 4-3-3 mà Johan Cruyff là người đặt nền móng cho Barca từ thập niên 90 thế kỷ trước. Tài năng của Messi là không thể phủ nhận nhưng 4-3-3 và lối đá tấn công của Barca còn mang nó lên một tầm cao hơn.

Tất nhiên, sự phát triển áp đặt cùng tài năng mà Messi sở hữu là chưa đủ để nói anh là một cỗ máy được lập trình để chiến đấu như trong các phim hành động hư cấu. Thế nhưng vấn đề là tại sao, tại sao Messi chưa giành được gì với Argentina, bất chấp đã có hơn nửa thập kỷ trong màu áo Albiceleste?

Dớp ở đội tuyển quốc gia: Dấu hỏi động lực

Thực ra không chỉ có Lionel Messi là trường hợp thành công với CLB nhưng luôn bất thành trong việc giành được vinh quang cùng ĐTQG. David Beckham hay Dennis Bergkamp cũng là những trường hợp tương tự. Chỉ duy có điều, đó là Messi quá thành công với Barca, quá thành công ở độ tuổi của anh và vinh quang đến một cách dào dạt mà Messi chưa phải trải qua một vấp váp lớn nào trong sự nghiệp.

Ở cấp độ CLB, Messi đã thâu tóm tổng cộng 15 danh hiệu cùng Barca (5 chức vô địch La Liga, 1 cúp Nhà vua, 4 siêu cúp Tây Ban Nha, 3 Champions League, 1 Siêu cúp châu Âu, 1 chức Vô địch Thế giới các CLB). Còn với cá nhân? Người con của thành phố Rosario đã đoạt không dưới 40 danh hiệu cá nhân trong sự nghiệp nếu tính cả các giải thưởng mà anh có được ở mọi cấp độ thi đấu. Thành công ở tuổi 24 như vậy đã là quá nổi bật (và khó tin) cho một cầu thủ như Messi.

Tuy nhiên những gì mà anh đóng góp cho Argentina chỉ là chức vô địch U-20 Thế giới và Huy chương Vàng Olympic 2008. Còn Copa America 2007 cùng World Cup 2006 và 2010, Messi không để lại một dấu ấn thực sự nổi bật. Như vậy là đã qua 3 giải đấu quốc tế lớn, trong khi đó bậc tiền bối bụng phệ Maradona đã có danh hiệu vô địch Thế giới ở lần tham dự thứ 2 năm 1986.

Số danh hiệu cá nhân của cầu thủ mặt búng ra sữa này còn nhiều hơn những gì anh giành được cùng ĐTQG
Số danh hiệu cá nhân của cầu thủ mặt búng ra sữa này còn nhiều hơn những gì anh giành được cùng ĐTQG.

Thực tế những con số thống kê cho thấy cho dù đã chơi tới 56 trận cho Tổ quốc kể từ năm 2005, Messi đã không có được một thành tích ghi bàn xứng tầm với đẳng cấp của anh kể từ đó cho tới nay ngoại trừ Copa America 2007, giải đấu mà Argentina thất bại nhưng Messi vẫn chơi thành công. Trong 3 năm 2008, 2009 và 2010, Messi chơi 28 trận trong màu áo sọc Trắng - Xanh nhưng chỉ ghi được tổng cộng 7 bàn và 5 đường kiến thiết, con số mà anh hoàn toàn có thể vượt qua chỉ trong năm 2011 này nếu đóng góp cho ĐT đúng với khả năng của mình (mới chỉ thi đấu 3 trận từ đầu năm).

Có một thực tế ở hầu hết các ngôi sao tầm CLB là khi họ chơi bóng gần như cả mùa giải, việc vắt kiệt thể lực ở đủ các đấu trường khác nhau khiến họ khi thực hiện nghĩa vụ ở ĐTQG thường không thể đạt 100% thể lực và phong độ. Đây là vấn đề chung của rất nhiều cầu thủ bóng đá chứ không riêng gì Messi, và sự hạn chế trong khả năng cống hiến cho quốc gia của anh là điều có thể hiểu được.

Tuy nhiên thường no đủ dẫn tới tâm lý tự mãn, cho dù Messi (và rất nhiều cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp) luôn ao ước được vô địch Thế giới hay châu lục thì đó cũng là một mục tiêu chỉ 4 năm mới có 1 lần. Khó khăn dẫn đến sự e ngại, và Messi dù vẫn còn trẻ cũng không phải là ngoại lệ của thực tế đó.

Và vấn đề của cả nền bóng đá xứ Tango

Đã từng có một giai thoại thế này: Diego Maradona khi còn ở Napoli thường hay đến tập muộn, ngay cả những buổi tập trước các trận đấu. Tuy vậy khi đến giờ thi đấu, El Pelusa chỉ việc tới nghe chỉ thị đấu pháp của HLV là biết đội thi đấu như thế nào và cứ theo thế để cầm trịch các đồng đội. Điều này ở ĐTQG Argentina cũng không khác gì.

Câu chuyện đó không chỉ cho thấy Maradona là một tài năng rất ngông, mà ông còn là một người có khả năng nắm bắt trận đấu đặc biệt. Chỉ việc nghe qua các chỉ thị của HLV là “Cậu bé Vàng” biết mình sẽ phải làm gì, chuyền bóng cho ai trên sân.

Tài năng của Maradona đặc biệt còn bởi ông được đặt vào vị trí trung tâm
Tài năng của Maradona đặc biệt còn bởi ông được đặt vào vị trí trung tâm.

Trở lại với Lionel Messi. Sự áp đặt trong phát triển tài năng hay động lực chỉ là những yếu tố mang tính khả thi chứ không thực sự chỉ ra vì sao anh chưa thể mang về một danh hiệu lớn cho Argentina. Bóng đá là môn chơi thể thao mang tính đồng đội vì thế kết quả cũng phản ánh những nỗ lực của cả một tập thể. Mà tiếc thay, bản thân nền bóng đá nước này cũng có nhiều vấn đề.

Thứ nhất, Argentina bước vào World Cup 2010 với tư cách là ứng cử viên thượng thặng cho chức vô địch nhờ sở hữu tài năng số 1 thế giới Lionel Messi. Tuy nhiên kết quả thế nào thì đã rõ: họ bị sư đoàn thiết giáp non trẻ người Đức đè bẹp tới 4 bàn. Ta sẽ không bàn tới trách nhiệm của Diego Maradona, vì ông đã làm hết sức mình cả trong lẫn ngoài sân. ĐT Argentina với danh tiếng nổi như cồn buộc các cầu thủ Đức phải tổ chức một hệ thống phòng ngự hết sức cẩn mật để bắt chết mọi vị trí tấn công có thể gây ra nguy hiểm. Trong khi đó, những bài tấn công của Đức lại hết sức lợi hại trước hàng phòng ngự không mấy tiếng tăm hoặc có những cầu thủ đã hơn 30 tuổi của Albiceleste và thế là những vũ công Tango đổ gục.

Chỉ một đội tuyển Argentina mà đã có cả đống tiền đạo

Chỉ một đội tuyển Argentina mà đã có cả đống tiền đạo 'xịn' (từ trái sang: Messi, Tevez và Aguero).

Qua đó để thấy, vấn đề của Argentina nằm ở chỗ họ có trong tay quá nhiều ngôi sao tấn công đang thi đấu nước ngoài, trong khi các vị trí phòng ngự thì chưa đủ kinh nghiệm (chỉ chơi ở giải quốc nội) hoặc không so bì được tốc độ vì tuổi tác. Cán cân công - thủ chênh lệch rõ rệt, nên khi hàng công bị bắt chặt thì hàng thủ không chống đỡ được những đòn đánh của đối thủ.

Và thứ 2, việc thay HLV lia lịa của Liên đoàn bóng đá Argentina khiến nước này không có một đường lối phát triển nhất quán về mặt chiến thuật cho ĐTQG. Trên thực tế, cả Diego Maradona trước đây cũng như Sergio Batista hiện tại đều không phát triển một lối đá mà trong đó sẽ có một cầu thủ làm hạt nhân trung tâm để điều phối sự hoạt động. Do có quá nhiều ngôi sao tấn công nên không HLV nào dám chọn một người làm chủ chốt trong sơ đồ chiến thuật của mình. Đó là thực trạng mà Lionel Messi phải chấp nhận khi bên cạnh anh còn có nhứng Carlos Tevez hay Gonzalo Higuain và Sergio Aguero. Chưa có một HLV nào thực sự coi Messi là ưu tiên số 1 khi xây dựng đội tuyển.

Messi sẽ chỉ thực sự tỏa sáng ở Copa America 2011 nếu được đặt vào vị trí hạt nhân như Diego Maradona trước kia
Messi sẽ chỉ thực sự tỏa sáng ở Copa America 2011 nếu được đặt vào vị trí hạt nhân như Diego Maradona trước kia.

Còn khi Maradona ở Napoli, ông là ưu tiên số 1 của các HLV, toàn bộ sơ đồ đội hình vận động xung quanh ông và ông là người đóng vai trò điều khiển. El Pelusa chỉ cần nghe qua chỉ thị của HLV là hiểu sẽ phải đá thế nào, vì ông đã biết trước mình sẽ là trọng tâm.

Từ 2 vấn đề trên để hiểu rằng, một khi ĐT Argentina còn chưa cải thiện sự vững chắc của hàng thủ, và xây dựng một sơ đồ đặt Messi làm trung tâm, những màn biểu diễn cá nhân sẽ là chưa đủ để nói rằng thời của anh sẽ đến ở Copa America 2011 lần này.

Đỗ Âu

Xem thêm:

Nghi án Messi nhắn tin đòi ân ái với người mẫu tạp chí Playboy

Các chuyên gia xếp Messi trên tài Ronaldo