Hành trình khốn đốn vào Palestine

08/06/2011 23:52
Chỉ có vài ngày mà ai cũng như ăn phải thuốc… tăng trọng, mắt hùm hụp mọng vì ngủ, mặt xị xuống vì béo và vì… tức!

Vậy là chúng tôi đã đặt chân lên đất Palestine và là đoàn nhà báo Việt Nam đầu tiên đến được Palestine, từ cửa khẩu về Ramallah – nơi được coi là thủ đô của Palestine – chỉ khoảng 70 cây số...
{iarelatednews articleid='4047'}
Kỳ II: Đường đến Ramallah

Từ hôm có nhà báo các nước Arập và một vài hãng thông tấn danh tiếng khác đến cư ngụ, “nhà tù 5 sao” Bristol nhộn nhịp hẳn và khu nhà ăn trở thành “trung tâm báo chí”.

Chủ đề được các nhà báo quan tâm đặc biệt rất đơn giản: “Khi nào có visa vào Palestine”. Và tất nhiên, câu trả lời thường là cái nhún vai, hoặc trả lời theo kiểu “hãy đợi đấy!”. Trong những cuộc bàn luận, các nhà báo đều cơ bản thống nhất với nhau rằng, do tình hình Israel – Palestine đang nóng vì ngày “Thảm họa Palestine” – “Castrophy – Al Nakba”, và phía Israel cũng đang “điên tiết” về thái độ mới của Mỹ trong vấn đề hòa bình Trung Đông, cho nên chắc chắn chính quyền Tel-Aviv chẳng vội gì phải cấp visa cho những gã chuyên nghề thóc mách. Họ chả được lợi lộc gì, thậm chí phiền toái nếu cho đám nhà báo này vào Palestine. Nếu có được vào lãnh thổ Palestine do Israel chiếm đóng, thì kiểu gì cũng phải chờ cho tình hình hạ nhiệt.

Tín đồ Hồi giáo cầu nguyện tại Thánh đường Aisah.
Tín đồ Hồi giáo cầu nguyện tại Thánh đường Aisah.


Một vấn đề cũng hay được các nhà báo quan tâm tranh luận là “tương lai của thế giới Arập sẽ ra sao? Liệu họ có gắn kết được với nhau, tạo thành một khối đoàn kết thống nhất hay không?”. Và câu trả lời là “không”. Trong lịch sử, các nước Arập chưa bao giờ thực sự gắn kết và thực chất đã bị chia rẽ từ lâu bởi các khuynh hướng chính trị, tôn giáo, vị trí địa lý. Liên đoàn các nước Arập đông và lắm tiền nhưng không mạnh vì ít khi tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề quốc tế lớn. Còn về tình hình Palestine, các nhà báo cũng nhận định rằng, Palestine hiện đang có thời cơ và vận hội vô cùng lớn để thành lập Nhà nước. Họ đã giải quyết được mối bất đồng giữa hai thế lực chính trị mạnh nhất hiện nay là Falta và Hamas. Chính quyền Palestine đã có độ tin cậy trong cộng đồng quốc tế và tuyệt đại thành viên của Liên Hiệp Quốc ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập. Trong các cuộc bàn luận này, ông Nguyễn Ngọc Hùng tham gia sôi nổi nhất, bởi ông giỏi tiếng Arập, lại am hiểu tình tình Trung Đông.

Hai phóng viên của VietNamNet Quỳnh và Duy giỏi tiếng Anh nên nhanh chóng trở thành bạn bè với nhiều người, còn tôi, vớ được anh nào nói tiếng Pháp thì còn “buôn” được dăm câu, bằng không lại lủi thủi xách máy đi chụp ảnh Thủ đô Amman của Jordan.

Nhà hộp ở Jordan.
Nhà hộp ở Jordan.


Công bằng mà nói, kiến trúc đô thị của Amman cực kỳ đơn điệu. Tất cả nhà cửa chỉ là những khối bê tông màu vàng xám hình hộp xếp bên nhau. Thi thoảng mới thấy một nhà mái ngói, hoặc một ngôi nhà được xây “phá cách”. Ngay ở những khu phố ngoại giao, hoặc khu nhà giàu, nhà cửa cũng cứ nhang nhác một màu, một kiểu. Thứ quyến rũ nhất ở đây là hoa hồng. Hoa hồng ở các biệt thự bông rất to, có bông như miệng bát ăn cơm và đa phần là màu đỏ tươi. Có điều lạ là hoa hồng ở đây đã đẹp lại thơm, rất thơm đằng khác. Chẳng như thứ hoa hồng đời mới ở Việt Nam là có sắc mà chẳng có hương, hệt như cái đám hoa hậu, người mẫu. Đường sá trong nội đô khá tốt, trật tự giao thông rất quy củ và được người dân tôn trọng, cho nên trên nhiều tuyến đường, xe ôtô chạy tới cả trăm cây số giờ.

Ăn – ngủ – tán phét – đi chơi và uất ức vì chờ đợi – những cái đó khiến mấy nhà báo Việt Nam “bỗng dưng bị… béo”. Chỉ có vài ngày mà ai cũng như ăn phải thuốc… tăng trọng, mắt hùm hụp mọng vì ngủ, mặt xị xuống vì béo và vì… tức!

Nói thế chứ chúng tôi cũng kéo nhau đi thăm được một di tích lịch sử quan trọng ở Amman, trong đó có khu đền thờ Hercules và có một buổi tới thăm Thánh đường Aisha, nơi thờ bà vợ cả của nhà tiên tri Muhammad, người sáng lập ra đạo Hồi (Nhà tiên tri Muhammad có 7 vợ).

Nhìn những tín đồ Hồi giáo, trong đó có cả những chú bé mới hơn chục tuổi vào thành kính quỳ lạy và nghe giảng kinh Coran, tôi càng hiểu thêm vì sao những mâu thuẫn giữa nhiều người Hồi giáo với người Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo lại sâu sắc và khó dẹp bỏ đến thế. Tôi nhớ lại trong kinh Coran (Qur’an), tại chương Khai đề (Mặc khải vào thời kỳ tại Makkah), ở đoạn 14, mục 113 có viết: “Và những người Do Thái bảo: “Các tín đồ Thiên Chúa giáo chẳng dựa vào cái gì (để làm cơ sở) trong lúc họ đọc chung một Kinh Sách. Tương tự như thế, những kẻ không biết gì cũng nói ra lời giống như lời của họ. Nhưng vào Ngày Phán xét cuối cùng, Allah sẽ xét xử giữa bọn họ về những điều họ thường tranh chấp”. Còn tại mục 120 thì viết: “Và những người Do Thái lẫn tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ không bao giờ hài lòng với Ngươi trừ khi nào Ngươi theo tín ngưỡng của họ. Hãy bảo họ: “Quả thật. Chỉ đạo của Allah mới là sự Dẫn dắt (duy nhất và đúng đắn). Và nếu Ngươi làm theo điều mong muốn của họ, sau khi Ngươi đã tiếp thu sự hiểu biết (về sự chỉ đạo của Allah) thì Ngươi sẽ không được ai che chở hoặc giúp đỡ để tránh khỏi (sự trừng phạt) của Allah”. (Kinh Qur’an – Ý nghĩa và nội dung, NXB Tôn giáo – năm 2000).

Di tích đền thờ Hercules.
Di tích đền thờ Hercules.


Thiên kinh Coran – những lời phán truyền của Thượng đế Allah, là toàn bộ nội dung giáo lý Islam. Coran là kim chỉ nam đối với mọi tín đồ Islam và là một trong những yếu tố tạo nên nền nếp sống của tín đồ Islam. Theo tiếng Arập, Coran và  Islam là tuân thủ, chấp hành còn Muslim là Thần phục Allah. Thánh Allah dạy như vậy và việc học tập, tuân thủ theo kinh Coran đã trở thành nghĩa vụ và là đức tin của mọi tín đồ Hồi giáo, cho nên điều đó có thể lý giải một phần nào những mâu thuẫn về tôn giáo giữa những tín đồ Hồi giáo cực đoan với tín đồ Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo từ xưa tới nay. Tại Thánh đường Aisha, chúng tôi gặp ông Muhammad Sawi Hauwa, là Giáo sư Trường đại học Muaat thuộc tỉnh Kark, ở phía nam Jordan. Giáo sư là Imam (nhà lãnh đạo tinh thần của một Thánh đường).

Trong câu chuyện, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông hiểu biết khá rộng về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Ông cũng có những nhận xét rất sâu sắc về vai trò của Mỹ ở Trung Đông và nhất là việc Mỹ cùng một vài nước phương Tây đã sử dụng Israel để kiềm chế sự phát triển của các nước Arập. Ông đã mạnh mẽ lên án chính quyền Tel-Aviv trong việc chiếm đóng lãnh thổ của người Palestine và khẳng định rằng: “Chúng tôi không chiếm của ai, nhưng đất đai của người Palestine thì phải đòi lại. Thế hệ này không xong thì thế hệ tiếp. 8 triệu người Palestine đang lang thang trên khắp thế giới phải có trách nhiệm đòi lại đất đai của tổ tiên đã để lại”.

Ông Muhammad Sawi Hauwa.
Ông Muhammad Sawi Hauwa.


Thời gian trôi nhanh như “chó chạy lụt”, thoắt cái mà chúng tôi đã bị cầm tù ở Jordan sang ngày thứ 6. Trong khi chúng tôi chán nản và quyết định ngày sẽ bay về nước thì bên Palestine, ông Đại sứ Saadi cũng lồng lên đi giải quyết việc cấp visa cho chúng tôi. Hóa ra chúng tôi sốt ruột một thì ông còn sốt ruột mười. Chính vì thế mà mỗi lần điện thoại nói chuyện với ông, phóng viên Quỳnh không bao giờ dám hỏi đến visa mà vòng vo hỏi thăm… “sức khỏe”. Là người tế nhị, ông rất hiểu nỗi lòng của chúng tôi cho nên luôn có những lời động viên và khẳng định chắc chắn chúng tôi sẽ được vào Palestine.

Ngày 16-5, hình như “chán” cái mặt chúng tôi quá và cũng là lấy chỗ cho đoàn khách khác nên Ban Giám đốc “nhà tù 5 sao” Bristol đã yêu cầu chúng tôi dọn đi nơi khác. Và thế là nhân viên Sứ quán Palestine tại Jordan phải đưa chúng tôi đến một khách sạn khác, thứ hạng chỉ có 3 sao. Tối hôm đó, cả đoàn “xơi” mì ăn liền và cháo hộp mang đi phòng lúc thất cơ lỡ vận.

Chúng tôi quyết định nếu ngày 17 không có visa thì sẽ đổi vé máy bay về nước.

16 giờ ngày 17 (giờ Jordan, khoảng 20 giờ Hà Nội), tôi gọi điện thoại về Hà Nội để cơ quan đổi vé cho bay chuyến chiều ngày 19.

16 giờ 15 phút, cánh cửa phòng tôi bỗng bật mở. Quỳnh và Duy lao vào, nhảy cẫng lên, hét to: “Có visa rồi. Chuẩn bị hành lý. 15 phút nữa lên đường”.

Đúng là “vật cùng tắc biến”, đến phút chót lại có sự đổi thay tốt đẹp. Vui là có visa, được vào Palestine, nhưng lại tiếc hùi hụi cú điện thoại trị giá gần 5 đôla để báo cho cơ quan không đổi vé.

Thế là chỉ nửa tiếng sau chúng tôi lên đường ra cửa khẩu Jordan sang Israel. Lúc này, bên cạnh sự vui mừng là đã được sang Palestine thì lại có một nỗi lo ngại nữa, đó là việc sẽ bị an ninh cửa khẩu Israel khám xét.

Tôi đi nước ngoài cũng đã nhiều và cũng đã bị khám xét khá kỹ lưỡng ở sân bay một số nước châu Âu, thậm chí có nơi họ còn bắt cởi cả quần dài để kiểm tra, cho nên, cũng cảm thấy chẳng có gì phải đáng ngại cả. Nhưng Quỳnh và Duy đã từng một lần sang Israel thì cho đến bây giờ vẫn còn bị ám ảnh bởi lần khám xét mà theo hai anh là thực sự quái gở. Không những họ dùng máy soi hành lý mà họ còn lục tung đồ đạc, lần kỹ từng gấu áo, gấu quần, giở từng trang sổ tay. Rồi thậm chí có quyển sách còn được họ photocopy lại trang bìa như thể đây là một tài liệu gì ghê gớm lắm. Họ còn bắt mở máy tính rồi kiểm tra phần mềm và dữ liệu trong đó. Hai phóng viên đi sang Israel theo lời mời của họ, vậy mà bị khám xét gần 2 tiếng đồng hồ thì quả thật là hãi hùng.

Kiểm tra ôtô tại cửa khẩu của Israel.
Kiểm tra ôtô tại cửa khẩu của Israel.


Tới cửa khẩu Jordan, việc làm thủ tục tuy hơi lâu nhưng cũng diễn ra suôn sẻ và chỉ sau 10 phút xe chạy thì chúng tôi đã tới cửa khẩu của Israel vào lúc 17 giờ 41 phút. Và tại đây chúng tôi đã chứng kiến được một sự ngỡ ngàng.

Các nhân viên an ninh cửa khẩu Israel với thái độ thân thiện, cởi mở và hết sức ân cần chỉ dẫn cho chúng tôi cách làm thủ tục. Họ chỉ hỏi có hai câu chiếu lệ: “Có mang vũ khí theo không?” và “Có ai ở Jordan gửi gì không?”, tất nhiên là chúng tôi trả lời: “Không”. Tất cả việc khám xét chỉ có vậy, hành lý không bị soi, không phải mở ra khám. Duy nhất có một việc hơi phiền toái đó là ông Nguyễn Ngọc Hùng, phóng viên Duy và Mỹ Hạnh của Báo Quân đội không mang theo ảnh 3×4. Nhân viên an ninh cửa khẩu đưa 3 người đi chụp ảnh để gắn vào visa rời. Cái giá của mỗi tấm ảnh này là 15 đôla!

Nửa tiếng sau chúng tôi đã qua cửa khẩu Israel và khi ngồi trên xe chúng tôi vẫn không hết ngạc nhiên rằng tại sao hôm nay an ninh cửa khẩu Israel lại thoáng đến thế. Đây quả thực là một sự khó hiểu.

Vậy là chúng tôi đã đặt chân lên đất Palestine và là đoàn nhà báo Việt Nam đầu tiên đến được Palestine, từ cửa khẩu về Ramallah – nơi được coi là thủ đô của Palestine – chỉ khoảng 70 cây số, đường sá cực kỳ tốt, xe luôn chạy ở tốc độ 120km/giờ. Hai bên đường toàn một màu vàng xám của sa mạc và núi đá thấp. Hiếm hoi lắm mới nhìn thấy một bóng cây hoặc những khu vườn cây chà là, cây ô liu. Chỉ sau 50 phút xe chạy, chúng tôi đã tới khách sạn Move¨npick – một khách sạn 5 sao mới được khánh thành trước đây 8 tháng. Đại sứ Saadi và một số nhà báo của các nước Arập mà chúng tôi biết mặt sang được Israel trước đó mới chỉ một ngày ùa ra đón các nhà báo Việt Nam. Thật ấm áp và nồng hậu. Ngoài cửa khách sạn, những lá cờ Palestine và Arập vẫn được hạ xuống 1/3 cột, bởi vì Palestine vẫn đang trong những ngày Quốc tang 13 nạn nhân bị Israel bắn chết trong 3 ngày trước.

(Còn tiếp)

Nguyễn Như Phong (NLM)