Truyền thuyết rồng để lại đôi mắt trên cao nguyên đá Long Cú

20/04/2011 14:42
Ngọn núi trong câu chuyện cổ tích năm xưa nay gọi là núi Rồng và đôi mắt của Rồng để lại chính là hai hồ bán nguyệt nằm đối xứng nhau qua ngọn núi.

Đến “kinh đô đá” Đồng Văn, con người lọt thỏm vào thiên la của “vũ điệu đá” gồ ghề, thô ráp vút tận chân mây.

Lũng Cú là tên gọi theo tiếng Lô Lô, còn gọi là “Long Cú”, nghĩa là nơi rồng ở. Chuyện kể rằng, xưa kia một con Rồng từ trên trời bay xuống và đậu trên ngọn núi cao nhất của khu vực hình chóp nón trên bản đồ Việt Nam. Rồng say sưa ngắm cảnh núi non hùng vĩ và rất hài lòng về điểm ngụ cư. Song có điều làm Rồng động lòng trắc ẩn, đó là nơi đây rất thiếu nước sinh hoạt. Vì vậy, trước khi về trời, Rồng đã để lại đôi mắt cho dân làng như một nguồn nước cho cuộc sống sinh sôi nảy nở.

Câu chuyện của làng Xín Lảy

Ngọn núi trong câu chuyện cổ tích năm xưa nay gọi là núi Rồng và đôi mắt của Rồng để lại chính là hai hồ bán nguyệt nằm đối xứng nhau qua ngọn núi. Từ trên đỉnh núi Rồng ở độ cao 1.468m so với mực nước biển nhìn ra xa, thấp thoáng trong sương mù những khu làng của người Lô Lô, người Mông với những mái nhà ngói cũ rêu phong. Những dải lụa màu xanh của ngô, của lúa, điểm xuyết những dải vàng óng ả của hoa cải mèo, uốn lượn những đường cong đến mềm lòng du khách.

Với vốn tiếng Kinh khá sõi, ông Vàng Xín Lảy, nhà ở ngay dưới chân núi Rồng, người đã từng tham gia xây dựng cột cờ Lũng Cú trước đây, đã kể với chúng tôi những câu chuyện về tập quán của họ.  Khi xây nhà, người Lô Lô thường chọn những nơi cao ráo, gần các nguồn nước và chọn hướng đất cho hợp tuổi của chủ nhà, thậm chí họ phải dò long mạch để tìm các vị trí “ tụ khí, tàng phong”. Chọn được nền đất tốt xong, họ lấy 7 hạt gạo chôn xuống đó. Ba ngày sau, bới lên mà thấy hạt gạo nở đều, không bị kiến gặm sứt sát và không bị kiến tha đi nơi khác thì đó là nơi có sinh khí tốt để xây cất nhà.

Hồ bán nguyệt -
Hồ bán nguyệt - "Mắt rồng" trên cao nguyên đá


Nhà ở của người Lô Lô cũng gần giống với kiến trúc nhà ở của người Kinh ở vùng trung du phía Bắc. Đó là những căn nhà ba gian, lợp ngói cong, một loại ngói do chính người dân vùng cao này sáng tạo ra. Một sáng tạo gắn với một biểu tượng văn hoá vùng cao đó là tầng tầng lớp lớp những thửa ruộng bậc thang, kết quả của biết bao nhọc nhằn với mồ hôi, nước mắt để chinh phục thiên nhiên tạo ra ngô vàng, gạo tím và rượu nồng.

Khác với người Mông, người Lô Lô không xây chuồng trại chăn nuôi trước cửa nhà ở mà thường bố trí vào bên trái hoặc bên phải nhà để đảm bảo thông thoáng trước nhà và giữ vệ sinh.

Thực phẩm của người Lô Lô đều là tự cung, tự cấp và cái gì cũng “treo”. Lợn treo, bò treo, ngô, lúa, rau, quả cũng đều treo hết thảy. Hôm chúng tôi đến, được chủ nhà mời món lợn treo. Cách làm rất đơn giản là cắt thịt lợn thành những dọi thịt to bằng bàn tay, xát muối vào và treo trên gác bếp. Khói bếp sẽ làm cho thịt khô dần và có thể sử dụng quanh năm. Thoạt đầu món lợn treo trông toàn mỡ và da, nhưng khi ăn vào thì lại thấy giòn giòn, sần sật, thêm chén rượu ngô vào mới thấy cái thú ẩm thực của đồng bào vùng “chóp nón” này cũng thật tuyệt.

Vũ điệu trên kinh đô đá


Lũng Cú là nơi có cột cờ thiêng liêng của Tổ quốc, nằm trong quần thể cao nguyên đá Đồng Văn mới được Tổ chức Văn hoá Khoa học Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10/2010. Những người lần đầu tiên đến Lũng Cú, Đồng Văn hẳn sẽ có những ấn tượng và cảm xúc mạnh mà ít nơi nào có được. Nếu như ở miền Tây, khi đi xuồng cao tốc lướt trên sông Cái Tàu hướng về đất Mũi, người ta có cảm xúc về tốc độ trên mênh mang sóng nước thẳng tới chân trời, thì đến “kinh đô đá” Đồng Văn, con người lại lọt thỏm vào thiên la của “vũ điệu đá” gồ ghề, thô ráp vút tận chân mây. Chính sự kỳ diệu của “vũ điệu đá” này đã “hớp hồn” cả những nhóm chuyên gia quốc tế khó tính nhất về địa chất toàn cầu.

Theo các nhà địa chất, độ đa dạng địa chất ở cao nguyên đá này là rất cao, các vỉa đá vôi có thể dày tới 4.000m. Ở cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều hóa thạch chứng tỏ nhiều loại sinh vật đã có mặt ở đây từ trên nửa tỉ năm. Cụ thể, có tới 13 phân vị địa tầng với nhiều hóa thạch cổ sinh đặc trưng với gần 1.000 loài, trong đó có loài cá cổ, phát hiện sớm nhất ở Việt Nam. Trên Trái đất, có 5 giai đoạn thế giới sinh vật bị hủy diệt thì ở Đồng Văn có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu cách nay khoảng 350 - 400 triệu năm, giai đoạn 2 khoảng 250 triệu năm. Đây có thể là căn cứ để lý giải các quá trình hủy diệt sự sống trên Trái đất qua các kỷ nguyên tồn tại của Trái đất.

Đến Đồng Văn, Lũng Cú mới thấy “ông trời” như một kiến trúc sư vĩ đại đã sáng tạo ra địa mạo của một vùng đất “có một không hai” trên Trái đất với nhiều kiểu địa hình: vườn đá, rừng đá, muông thú, cỏ cây đá. Ngay cả dòng sông Nho Quế, ba bề, bốn bên cũng đều được kiến tạo bằng đá, đó là khi dòng sông bất thình lình chui tọt vào núi đá, mất hút trong thinh không. Đá xây nên cổng trời Quản Bạ, mà khi đến đây như thể đã đến nơi ông Công, ông Táo chầu trời. Đá tạo nên Núi Đôi nổi bật giữa thung lũng mượt mà của Quản Bạ, căng mọng như đôi gò bồng đảo của người thiếu nữ. Đá tua tủa như gươm đao dáo mác dũng mãnh giữa trời xanh, rừng thẳm giữ cho cuộc sống bình yên, cho sự vẹn toàn của đất nước.

Tại khu vực đèo Mã Pì Lèng có những vách đá dựng đứng cao đến gần 700m. Khi làm đường qua đây vào những năm 60 của thế kỷ trước, những người thợ đã phải treo mình trên vách đá ròng rã 11 tháng trời để phá đá, mở đường và làm nên con đường Mã Pì Lèng huyền thoại.

Cư dân Đồng Văn hàng ngàn đời nay đã gắn bó với đá, như người đồng bằng nặng lòng với hạt phù sa. Đá xây nhà, xây tường bao, xây những con đường cheo leo trên vách núi. Đá lại cần mẫn xếp hàng vun từng nắm đất cho cây ngô, cây lúa trĩu hạt. Đá đi vào bếp lửa ấm nồng tô hồng đôi má trẻ thơ. Đá được chế thành cối xay, cối giã và cả những cây đàn làm nên chất thơ trong đời sống của đồng bào: “sống trên đá, chết lại vùi trong đá, những bàn tay chai sạn hoá thạch rồi”.

“Nương xếp đá”

Mấy năm gần đây, tỉnh Hà Giang có dự án hỗ trợ đồng bào huyện Đồng Văn xây dựng các “nương xếp đá”, nghĩa là xây các thềm đá để giữ đất trồng màu, tạo nên hệ thống nương rẫy trên vách đá. Trước đây, khi làm nương, đồng bào tận dụng thu gom những khối đá nhỏ, nằm rời trên mặt đất để xếp thành các thềm đá, làm thành các thửa ruộng bậc thang trên vách đá. Đến giờ đã hình thành một hệ thống nương rẫy bậc thang vững chãi với thềm đá, bậc đá dày đặc và công phu. Thế nhưng giờ đây, khi mà những khối đá rời cạn dần thì cũng chính là lúc mà các ngọn đá nguyên khối bị đốn gẫy.

Dừng chân tại địa phận xã Sùng Trái của huyện Đồng Văn, nơi có đường cua hình chữ M ngoạn mục, chúng ta không khỏi động lòng trước những vạt rừng đá bị phá loang lổ. Những cây đá, mầm đá được thiên nhiên kiến tạo hàng triệu năm, vốn là chất liệu cơ bản làm nên công viên địa chất toàn cầu thì nay đang trở thành... vật liệu xây dựng. Nếu địa phương không khẩn trương quy hoạch các vùng khai thác một cách hợp lý thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Cái đẹp hoang dại ở Đồng Văn
Cái đẹp hoang dại ở Đồng Văn


Lũng Cú bây giờ đã có nhà nghỉ khang trang cho những ai muốn lưu lại để thưởng ngoạn một đêm giữa lưng chừng trời. Cột cờ Lũng Cú trước đây phải đi vòng vài cây số mới đến nơi thì nay đã có bậc đá đi thẳng lên đỉnh núi. Vào thôn bản nào của người Lô Lô hay người Mông đều thấy đường bê tông sạch sẽ, với những ngôi nhà lợp ngói cong, được bao bọc công phu bởi những bức tường rào đá. Nhịp sống nơi đây như những thước phim quay chậm, thong thả và bình yên. Nhưng mỗi khi có dịp trở lại, chắc hẳn ai cũng đều cảm nhận được những đổi thay hằng ngày trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc này với những phiên chợ đông đúc, hối hả hơn, với những ngôi trường màu sắc rực rỡ hơn và những nụ cười tươi tắn, hồn hậu hơn.

Một chút cảm nhận qua chuyến đi ngắn ngủi, chắc cũng đủ để gợi cho ai chưa đến Hà Giang một ước muốn chiêm ngưỡng núi Rồng, được leo lên đỉnh tháp cờ, được phóng tầm nhìn ra xa, ngắm cặp “Mắt Rồng” trên cao nguyên đá và tự hào rằng: Đây là địa đầu của Tổ quốc ta.

(TNVN)