Khi lãnh tụ thuộc về nhân dân

13/04/2016 14:28
Ngọc Việt
(GDVN) - Chấm dứt xử lý nội bộ là một trong những phương cách làm lành mạnh hoá bộ máy công quyền, đảm bảo niềm tin của nhân dân vào chế độ, vào nhà nước.

BBC ngày 11/4 đưa tin, một tranh cãi hiếm hoi giữa những thành viên của gia đình họ L‎ý khiến người dân nóng lòng và cũng tham gia tranh luận về chuyện ngày giỗ đầu của người sáng lập Singappore Lý Quang Diệu sẽ được tổ chức như thế nào.

Gia đình họ Lý tỏ ra đoàn kết ở bên ngoài, nhưng trong những ngày qua em gái của Thủ tướng Lý Hiển Long, Lý Vĩ Linh, một bác sĩ kiêm nhà báo đã công khai chỉ trích anh trai mình tổ chức lễ giỗ đầu quá lớn, lợi dụng tiếng tăm của người cha quá cố vì mục đích cá nhân.

BBC trích dẫn lời của bà Lý Vĩ Linh đăng trên Facebook vào dịp giỗ đầu ông Lý Quang Diệu, ngày 23/3: "Mọi sự tôn thờ chỉ đem lại kết quả ngược lại và khiến các thế hệ người Singapore sau này nghĩ mọi hành động của cha tôi chỉ nhắm tới vinh quang hoặc để lập ra một triều đại."

Trước phản ứng của em gái, Thủ tướng Lý Hiển Long đã lên tiếng về hành động của mình: “Tưởng nhớ về người quá cố và ngẫm nghĩ về những gì họ đã làm đối với người ở lại là một việc làm ý nghĩa. Điều này càng có ý nghĩa hơn gấp nhiều lần khi người đó là cố Thủ tướng Lý Quang Diệu”.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu trong lòng dân Singapore, ảnh: edunloaded.com.
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu trong lòng dân Singapore, ảnh: edunloaded.com.

Và ông Lý Hiển Long đã khẳng định: "Chế độ coi trọng nhân tài là giá trị cơ bản của xã hội Singapore. Cá nhân tôi, đảng Hành động Nhân dân (PAP) hay công chúng Singapore sẽ không chấp nhận ý kiến đó", theo The Straits Times ngày 10/3.

Trước thông tin khá nhạy cảm này, dư luận Singapore đã có nhiều ý kiến trái chiều nhau về sự kiện tưởng nhớ cố thủ tướng Lý Quang Diệu.

Mohammad Nizam Abdul Kadir, một người viết trên Facebook rằng: "Nếu ông Lý Quang Diệu đã không muốn sự sùng bái thì chúng ta không nên làm. Ông ấy đã làm quá nhiều cho Singappore, hãy để ông ấy yên nghỉ.”

Carol Sim, một người dân khác viết: “Bà Lý Vĩ Linh đã quên mất rằng ông Lý Quang Diệu không chỉ thuộc riêng của bà ấy, mà ông thuộc về nhân dân. Chúng tôi tôn trọng cách tưởng nhớ yên bình của bà ấy về cha mình. Nhưng chắc chắn, bà ấy không thể ngăn cản người dân mong muốn những cách tưởng niệm khác."

Chứng tỏ mỗi người có một suy nghĩ khác nhau và ai cũng có lý của mình.

Tuy nhiên, với cá nhân người viết thì phía sau phản ứng của bà Lý Vĩ Linh, của ông Lý Hiển Long và những người yêu qúy cố Thủ tướng Lý Quang Diệu về lễ tưởng niệm nhân ngày giỗ đầu của ông, chúng ta thấy nổi lên vấn đề gì mới là điều quan trọng.

Bản chất của vấn đề đó có lợi gì cho sự phát triển của xã hội Singapore, thậm chí các quốc gia khác có học hỏi được gì từ việc “tranh cãi” ấy?

Công đức và công trạng

Hầu hết các bậc vĩ nhân nhất là những người có công lập quốc, khi bắt đầu sự nghiệp vì dân của mình đều không nghĩ đến vệc được tung hô khi công thành danh toại, hay được đúc tượng đồng khi rời xa trần thế về cõi vĩnh hằng. Và cũng chính nhân cách ấy, tính cách ấy làm cho họ trở thành những bậc vĩ nhân trường tồn với hậu thế.

Khi lãnh tụ thuộc về nhân dân ảnh 2

Lựa chọn ngôn ngữ - tầm nhìn vượt thời đại của Lý Quang Diệu

(GDVN) - Bản thân ông Lý Quang Diệu là người gốc Hoa nhưng quyết định lựa chọn tiếng Anh để đảm bảo tính độc lập cho thể chế chính trị mà ông xây dựng.

Những lãnh tụ hay những nhà lãnh đạo có tài năng, có tầm đều nhìn nhận việc làm cho dân cho nước là niềm tự hào, là vinh hạnh của mình.

Hình ảnh người lãnh đạo được tồn tại trong lòng dân là thành công lớn nhất của người lãnh đạo.

Lãnh tụ nhân dân hay người lãnh đạo của nhân dân là một danh hiệu không được phong tặng qua các thủ tục hành chính nhà nước, nhưng cao quý hơn mọi danh hiệu.

Những con người ấy, những nhà lãnh đạo tài năng ấy khi làm việc hết mình vì dân thì sẽ mãi sống trong lòng dân, dù họ còn ở cõi dương gian hay đã giã từ nơi trần thế.

Niềm vinh hạnh ấy không phải ai làm lãnh đạo cũng có thể có được. Vì vậy đòi hỏi người lãnh đạo luôn phải lấy niềm tin của nhân dân làm gốc rễ cho sự nghiệp của mình, lợi ích nhân dân làm nền tảng cho quyền lực của mình.

Song tư tưởng “tham quyền cố vị” hay tâm lý ta là “khai quốc công thần” là những cám dỗ không phải ai cũng vượt qua được.

Đó cũng chính là khác biệt giữa những nhà lãnh đạo có tầm, có tài năng xuất chúng với những người lãnh đạo tầm thường. Qua đó hình thành nên hai tâm thế của người lãnh đạo khi nghĩ về những gì đóng góp cho xã hội, đó là công đức và công trạng.
      
Những người xem đóng góp của mình cho xã hội là lớn lao, là phải được lịch sử liệt kê và mãi khắc ghi thì đó lại chỉ là những người “tầm thường làm lãnh đạo”. Họ xem công lao của mình là công trạng đối với nhân dân, đối với đất nước. Lịch sử đương đại hay hậu thế phải ghi nhận bằng những danh hiệu, những phần thưởng và những quyền lợi cho họ cùng gia tộc họ.

Từ những suy nghĩ đó, những người lãnh đạo tầm thường ấy đo đếm công trạng qua những bảng liệt kê thành tích và trao đổi những công trạng ấy bằng sự tung hô khi họ còn tồn tại nơi dương thế, bằng sự thần thánh hoá khi họ về cõi vĩnh hằng.

Cũng từ đó mà tượng đồng của nhiều lãnh tụ được đặt ở khắp mọi nơi mà họ được tuyên dương công trạng.

Ba Lý Vĩ Linh cùng cha mẹ mình – cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và phu nhân. Ảnh: BBC.
Ba Lý Vĩ Linh cùng cha mẹ mình – cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và phu nhân. Ảnh: BBC.

Và khi hậu thế tuyên dương công trạng của cá nhân bậc tiền bối thì cũng không quên nhắc nhở thế hệ tiếp theo ghi nhớ công trạng của họ. Cứ như thế một chế độ chính trị - xã hội lấy tôn vinh công trạng của cá nhân người lãnh đạo làm nền tảng của đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” sẽ tồn tại, và tôn sùng lãnh đạo trở thành truyền thống – sùng bái cá nhân – là một sự nguy hại cho tiến bộ xã hội.

History Libya đã viết: “Từ năm 1972, khi Gaddafi thôi giữ chức Thủ tướng, ông lại được gán các danh hiệu "Người hướng dẫn cuộc Cách mạng Vĩ đại tháng 9 đầu tiên của Đại dân quốc Nhân dân Xã hội chủ nghĩa Ảrập Libya" hay "Lãnh đạo và Người hướng dẫn Anh em của cuộc Cách mạng" trong các văn kiện của nhà nước và báo chí chính thức của Libya”, theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ tháng 11/2005.

Đây có thể được xem là đỉnh điểm của tệ sùng bái cá nhân đối với lãnh đạo trên thế giới.

Tuy nhiên, có nhiều lãnh đạo lại xem việc nắm giữ quyền lực là nhận lãnh trách nhiệm của sự uỷ nhiệm nhân dân, không phải là đặc ân để từ đó hình thành nên những đặc quyền đặc lợi.

Khi làm việc, họ thực hiện tốt nhất cơ chế thực thi quyền lực nhân dân, đảm bảo niêm tin nhân dân luôn bền vững, sức mạnh lòng dân là nền tảng của chế độ phục vụ lợi ích nhân dân.

Những người lãnh tụ nhân dân ấy, những nhà lãnh đạo của nhân dân ấy xem công lao của mình đối với nhân dân, đất nước là công đức của cha ông, là hồng phúc của dân tộc. Họ không liệt kê thành tích của cá nhân mình mà họ cho rằng, đó là thành quả của toàn dân, có được là một phần nhờ vào công đức của cha ông và hồng phúc của dân tộc. 

Vì vậy, công lao ấy có cả của thế hệ hiện tại, có cả của những thế hệ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, do đó những thế hệ tiếp theo phải khắc ghi ơn đức của cha ông để hồng phúc của dân tộc ngày càng được vun bồi.

Khi lãnh tụ thuộc về nhân dân ảnh 4

Tổ quốc là sức mạnh

(GDVN) - Trung thành với Tổ quốc sẽ không bị ràng buộc bởi đảng phái, phe cánh, sẽ không bị chi phối bởi những lợi ích nhỏ nhen hay những toan tính thấp hèn.

Những nhà lãnh đạo tài năng xuất chúng, góp công lớn tạo nên những kỳ tích vĩ đại của dân tộc nhưng họ chỉ xem mình là người tập hợp sức mạnh của lòng dân để làm nên những kỳ tích ấy mà thôi. 

Sẽ không ai phản đối nhận định rằng, đất nước Singapore trở thành một trong những nơi đáng sống nhất hành tinh như hiện nay là nhờ công lao của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.

Nhưng BBC đã cho biết: “Khi còn sống, ông Lý Quang Diệu không chủ trương sùng bái cá nhân, từ chối dựng tượng hay khu tưởng niệm mang tên mình và thậm chí còn muốn phá bỏ ngôi nhà mình từng ở vì lo sợ nơi đây sẽ trở thành miếu thờ”.

Lý Quang Diệu đã đi vào ngôi nhà của những huyền thoại chính thế giới với những gì mà ông mang lại cho đất nước Singapore bằng tài năng xuất chúng của mình. Đó là bài học cho nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Lý Quang Diệu được nhiều người dân cũng như nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới ngưỡng mộ, ông đã trở thành lãnh tụ nhân dân tại Singapore.

Vì vậy, việc nhân dân Singapore tổ chức lễ tưởng niệm ông Lý Quang Diệu nhân giỗ đầu của ông là tuỳ vào cảm nhận của mỗi người về công đức, về hình ảnh của cố lãnh tụ vĩ đại của họ.

Chính phủ Singapore cũng là một thực thể ra đời nhờ công đức của ông Lý Quang Diệu nên cũng có cách thức thể hiện của mình. Song không qua đó mà thần thánh hoá tên tuổi của cố lãnh tụ, bởi điều đó có thể khiến cho ông trở nên tầm thường và hoàn toàn trái với ý nguyện của ông lúc sinh thời. 

Giải quyết tốt mâu thuẫn gia đình sẽ giúp đoàn kết xã hội

Dư luận bất ngờ về bà Lý Vĩ Linh vì hành động “vạch áo cho người xem lưng”, khi bà bày tỏ công khai trên mạng xã hội về mâu thuẫn của bà với anh trai, xung quanh cách thức tổ chức lễ tưởng niệm cho cha mình trong ngày giỗ đầu của ông.

Những lời lẽ gay gắt của bà Lý Vĩ Linh khiến cho nhiều người lo lắng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của ông Lý Hiển Long trong vai trò Thủ tướng Singapore đương nhiệm.

Khi lãnh tụ thuộc về nhân dân ảnh 5

Huyền thoại cũng chỉ là hoài niệm

(GDVN) - Dạng tham quyền cố vị khác nguy hiểm hơn nhiều và hậu quả của nó đối với quốc gia dân tộc khủng khiếp hơn nhiều – đó là những ông “vua không ngai”.

Có nhiều người cho rằng, có thể bà Lý Vĩ Linh bị dồn nén mâu thuẫn lâu ngày nên nay có cơ hội là bùng phát.

Có người cho rằng bà Lý Vĩ Linh quá nóng vội nên có hành động sốc nổi, làm ảnh hưởng đến sự nghiệp của anh mình và không tránh khỏi ảnh hưởng đế việc điều hành và quản lý xã hội của chính phủ đương nhiệm.

Đặc biệt, có nhiều người còn nhận định rằng, hành động của bà Lý Vĩ Linh sẽ giúp cho lực lượng đối lập tại Singapore khai thác để làm lợi cho mục đích chính trị của mình.

Bởi lẽ hiện nay vị thế của họ còn quá khiêm tốn, trong khi chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long không có nhiều khiếm khuyết đến mức khiến cho dân chúng Singapore có thể suy giảm niềm tin.

Tuy nhiên, theo ngưới viết thì việc thể hiện thái độ của bà Lý Vĩ Linh không phải là kết quả của suy nghĩ nóng vội hay là hành động bộc đồng, thiếu suy xét. Ngược lại, có lẽ bà Lý Vĩ Linh đã tính toán chi tiết cho hành động của mình và điều đó có lợi cho Thủ tướng Lý Hiển Long – anh trai bà.

Đây được xem là kết quả trong cách thức dạy dỗ và thể hiện quan điểm của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đối con cái của mình.

Khi mâu thuẫn của gia đình, đặc biệt là những gia đình có vận mệnh gắn liền với vận mệnh quốc gia được công khai, thì việc “đóng cửa bảo nhau” sẽ không còn nữa.

Và hiện thái độ mâu thuẫn của các thành viên trong gia đình được công khai thì người dân có thể thể hiện thái độ cũng như nêu ý kiến, góp ý cho việc giải quyết mâu thuẫn. Nghĩa là gia đình - nền tảng của xã hội đã có thể giải quyết mâu thuẫn bởi định hướng của xã hội.

Khi không còn “đóng cửa bảo nhau” thì đó cũng sẽ hạn chế tình trạng “xử lý nội bộ”, tình trạng mà ai cũng nhận ra đó là biểu hiện của tệ nạn bao che khuyết điểm, dung túng cho nhau trong những cơ quan công quyền. Và “xử lý nội bộ” là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” gây nên nguy hại cho đất nước, cho xã hội.

Gắn kết gia đình và xã hội là một trong những thành quả mà ông Lý Quang Diệu để lại cho đất nước Singapore phồn thịnh ngày nay. Ảnh: The Straits Times.
Gắn kết gia đình và xã hội là một trong những thành quả mà ông Lý Quang Diệu để lại cho đất nước Singapore phồn thịnh ngày nay. Ảnh: The Straits Times.

Tình trạng cán bộ tham nhũng cũng có nguồn gốc từ xử lý nội bộ, tình trạng cán bộ “ngồi nhầm ghế” cũng có nguyên nhân từ xử lý nội bộ và tình trạng kéo bè kết cánh cũng có nguyên nhân từ xử lý nội bộ mà ra.

Như vậy, chấm dứt xử lý nội bộ là một trong những phương cách làm lành mạnh hoá bộ máy công quyền, đảm bảo niềm tin của nhân dân vào chế độ, vào nhà nước.

Khi một cán bộ công quyền sai lầm được xừ lý công khai thì họ vẫn còn có cơ hội trở lại với công việc của mình nếu họ biết sửa sai và thể hiện được tài năng. Tuy nhiên, một cán bộ có sai lầm nhưng bị giấu nhẹm bởi xử lý nội bộ thì niềm tin của nhân dân sẽ mất đi, trong khi người cán bộ đó sẽ không thể làm việc hiệu quả, dù có sửa chữa được sai lầm hay không.

Như vậy, việc công khai mâu thuẫn gia đình của của bà Lý Vĩ Linh có tác động rất lớn tới cách thức giải quyết công việc của chính phủ đương nhiệm và qua đó sẽ giúp cho quyền lực của ông Lý Hiển Long vững vàng hơn, chứ không phải làm ảnh hưởng xâu tới vị thế của ông.

Xã hội Singapore sẽ tốt lên, người dân Singapore sẽ củng cố niềm tin hơn nữa vào chế độ.

Người viết cho rằng, nếu việc giải quyết mâu thuẫn giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un của đất nước Triều Tiên với anh trai của minh là Kim Jong-nam giống như cách thể hiện quan điểm của của anh em nhà họ Lý tại Singapore, thì có thể chính quyền tại Triều Tiên sẽ vững mạnh, xã hội Triều Tiên sẽ cởi mở và phát triển, niềm tin của nhân dân vào chế độ sẽ bền vững.

Nói tóm lại, việc bà Lý Vĩ Linh thể hiện thái độ không hài lòng với cách thức mà chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long anh trai bà, xung quanh việc tổ chức tưởng niệm cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cha bà nhân giỗ đầu của ông, là một vấn đề gia đình nhưng mang tính cảnh báo xã hội.

Việc anh em họ Lý nêu quan điểm của mình trong một vấn đề nhạy cảm thể hiện họ rất nhân văn trong cách tiếp cận vấn đề gia đình – xã hội.

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã nắm quyền cách đây 57 năm, ông đã rời đỉnh cao quyền lực cách đây 26 năm và ông đã rời xa người dân Singapore hơn 1 năm nay. Nhưng những gì ông để lại cho đất nước Singapore thật đáng ngưỡng mộ, trong đó có nền tảng giáo dục gia đình gắn liền với xã hội mà các con ông đang thể hiện hôm nay.

Ông Lý Quang Diệu chính là vị lãnh tụ nhân dân tại Singapore – một đảo quốc hoá rồng nhờ công đức của ông, nhưng ông lại chưa bao giờ nhận mình có công lao như vậy.

Ngọc Việt