Khi PCA ra phán quyết công bằng và khách quan, bên nào sẽ thắng?

08/07/2016 10:22
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Tôi chia sẻ với Phó Giáo sư Nông Lập Phu về việc không có "bên thắng, bên thua" khi PCA ra phán quyết công bằng và khách quan trong vụ kiện của Philippines.

Trong chương trình Bàn Tròn Thứ Năm của đài BBC ngày 7/7, các khách mời đã trao đổi xung quanh việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) chuẩn bị ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) vào ngày 12/7 tới đây.

Tham dự cuộc tọa đàm trực tuyến này có cá nhân tôi, Thạc sĩ Hoàng Việt từ thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason, Virginia, Hoa Kỳ và Phó Giáo sư Nông Lập Phu từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, Trung Quốc. 

Quanh lập trường và cách tiếp cận của Trung Quốc với vụ kiện dưới con mắt chuyên môn, Phó Giáo sư Nông Lập Phu và Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số thông tin và bình luận đáng chú ý, người viết thiết nghĩ cần làm rõ trong khuôn khổ của bài viết này.

Học giả Trung Quốc: Không có bên thắng, bên thua trong phán quyết của PCA

Phó Giáo sư Nông Lập Phu cho hay, theo quan sát của ông, chỉ có một bộ phận người Trung Quốc thường xuyên sử dụng mạng internet là quan tâm đến vụ kiện của Philippines, và ông nghĩ rằng ở Việt Nam cũng vậy.

Phó Giáo sư Nông Lập Phu, ảnh: BBC.
Phó Giáo sư Nông Lập Phu, ảnh: BBC.

Theo ông, Trung Quốc và Việt Nam cần chung sống hòa bình với nhau, tranh chấp trên Biển Đông chỉ là một phần của quan hệ hai nước và "không ảnh hưởng gì" đến hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên.

Người dân Trung Quốc cũng như Việt Nam đều mong muốn có hòa bình, ổn định để làm ăn, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống.

Bất kể PCA ra phán quyết thế nào đi nữa, thì đối với Trung Quốc cũng như Philippines mà nói, không có bên nào thắng, bên nào thua. Bất kể PCA phán quyết ra sao, cánh cửa đàm phán vấn đề Biển Đông vẫn luôn rộng mở.

Ông hy vọng Trung Quốc và Philippines có thể giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua dàm phán hòa bình. Bởi duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông là mong muốn, là nguyện vọng chung của người dân hai nước.

Còn với Việt Nam, Phó Giáo sư Nông Lập Phu cho rằng, năm 2002 Trung Quốc và ASEAN đã ký với nhau Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Hai nước vừa là đồng chí, vừa là anh em, vừa là láng giềng, có gì thì ngồi lại với nhau bàn bạc giải quyết.

Nhà nghiên cứu này nhấn mạnh, hai nước đã từng giải quyết xong xuôi vấn đề phân định biên giới trên bộ và trên vịnh Bắc Bộ thông qua đàm phán.

Là người dân Việt Nam, là người nghiên cứu pháp lý trong đó có UNCLOS 1982 và đã từng có thời gian được tham gia đàm phán về biên giới đất liền, phân định biển với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc, cá nhân tôi cảm thấy cần chia sẻ một vài điều.

Thứ nhất, xét trên góc độ pháp lý quốc tế, tôi chia sẻ với Phó Giáo sư Nông Lập Phu về việc không có "bên thắng, bên thua" khi PCA ra phán quyết công bằng và khách quan trong vụ kiện của Philippines, bởi vì, tôi cho rằng động cơ Philippines khởi kiện không phải nhằm giành giật phần thắng thua với Trung Quốc, để hạ thấp uy tín, danh dự của Trung Quốc trước công đồng khu vực và quốc tế, để làm cho tình hình Biển Đông  càng thêm căng thẳng, phức tạp…

Mà cái chính là để bảo vệ chân lý, lẽ phải, giữ vững và phát huy hiệu lực của UNCLOS 1982- Hiến pháp Xanh của các vùng biển và đại dương. Và như thế thì quyền và lợi ích chính đáng của mọi quốc gia có liên quan mới được tôn trọng và giữ gìn.Tất nhiên trong đó có quyền và lợi ích chính đáng của cả Philippines và Trung Quốc nữa! 

Do đó khi PCA ra một phán quyết khách quan và công bằng, thì đó chính là thắng lợi của UNCLOS 1982, thắng lợi của cơ quan tài phán quốc tế trong việc bảo vệ sự trong sáng, hiệu lực và hiệu quả của UNCLOS 1982.

Và có như thế thì các quyền và lợi ích chính đáng của mọi quốc gia có liên quan mới được tôn trọng và giữ gìn, tất nhiên trong đó có quyền và lợi ích chính đáng của cả Philippines và Trung Quốc! 

Rõ ràng, nội dung Philippines khởi kiện là việc áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 của một thành viên khác tham gia Công ước là Trung Quốc.

Philippines không kiện về tranh chấp chủ quyền các thực thể ở Trường Sa, Scarborough, không kiện về phân định biển hay vùng chồng lấn trên biển mà Trung Quốc bảo lưu không chấp nhận giải pháp tài phán khi phê chuẩn UNCLOS 1982 năm 1996.

Vậy là có những điều chưa rõ, mù mờ trong việc áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 của một quốc gia thành viên Công ước, trong khi sự mù mờ ấy lại là nguyên nhân gây ra những căng thẳng và tiềm ẩn nguy cơ xung đột ở Biển Đông, đặc biệt là yêu sách đường lưỡi bò Trung Quốc.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Trong trường hợp PCA ra phán quyết công bằng và khách quan, mà theo người viết là làm rõ đường lưỡi bò này không có căn cứ trong luật pháp quốc tế nói chung, UNCLOS 1982 nói riêng, và do đó nó vô giá trị, rõ ràng là thắng lợi của Công ước, của nhân loại tiến bộ trong việc góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế trên các vùng biển và đại dương.

Thứ hai, như tôi đã nhiều lần phân tích, việc tranh chấp / tranh cãi giữa các thành viên UNCLOS 1982 về việc áp dụng, giải thích Công ước này ở Biển Đông chỉ là một trong số những tranh chấp phức tạp đang tồn trại trong Biển Đông.

Bởi vì bên cạnh đó còn có các tranh chấp khác phức tạp hơn nhiều, mỗi loại tranh chấp đó đều rất  khác nhau về nội dung, diễn biến… mà việc giải quyết chúng bằng những biện pháp hòa bình thì phải dựa vào những  căn cứ, nguyên tắc, thủ tục pháp lý quốc tế riêng.

Nhưng dù là tranh chấp chủ quyền hay phân định biển...muốn  giải quyết thông qua các cơ quan tài phán  quốc tế thông thường đều phải qua quá trình đàm phán, hiệp thương giữa các bên liên quan, trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Khi các bên không thuyết phục được nhau, việc nhờ đến bên thứ ba là cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền là lựa chọn phù hợp nhất, văn minh và công bằng cho tất cả.

Tất nhiên cũng xin lưu ý, với những tranh chấp song phương như chủ quyền quần đảo Hoàng Sa giữa Trung Quốc với Việt Nam, chủ quyền / khai thác tài nguyên ở bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines...thì có thể giải quyết qua đàm phán song phương.

Tranh chấp đa phương như ở Trường Sa phải giải quyết thông qua cơ chế đa phương.

Ví dụ mà Phó Giáo sư Nông Lập Phu đưa ra về việc Việt Nam, Trung Quốc đàm phán giải quyết tranh chấp biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ là minh chứng rõ rệt cho việc đàm phán song phương các tranh chấp song phương trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Cụ thể, Công ước Hoạch định biên giới Pháp - Thanh 1887 và  Công ước Pháp - Thanh 1895 bổ sung cho Công ước Hoạch định biên giới Pháp - Thanh 1887 là nền tảng pháp lý mà cả 2 bên đều đã thống nhất lấy làm cơ sở pháp lý để xem xét mọi lập luận, bằng chứng của hai bên về biên giới trên bộ, giải quyết các tranh chấp biên giới đất liền.

Còn trên vịnh Bắc Bộ, UNCLOS 1982 chính là nền tảng cơ sở  pháp lý để hai bên đàm phán phân định các vùng biển chồng lấn trong Vịnh Bắc Bộ mà kết quả là hai bên đã thống nhất được một đường phân định đáp ứng được nguyên tắc công bằng.

Đối với tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa gồm 5 nước 6 bên, về nguyên tắc thì giải quyết thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ, hay thông qua một cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, cũng đều phải có sự hiện diện của các chủ thể liên quan.

Khi PCA ra phán quyết công bằng và khách quan, bên nào sẽ thắng? ảnh 3

Những hiểu lầm về phán quyết của PCA

(GDVN) - PCA không phải nguyên nhân, động lực hay cái cớ để Trung Quốc có hành động leo thang phiêu lưu manh động hơn nữa ở Biển Đông.

Mọi sự cố tình nhập nhằng hay đánh đồng tranh chấp song phương với đa phương, tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ với tranh chấp phân định biển / vùng chồng lấn, tranh chấp ứng dụng / giải thích UNCLOS 1982 chỉ làm cho Biển Đông thêm rối, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vũ lực, đối đầu ở các quốc gia.

Càng là đồng chí, anh em, láng giềng, bè bạn, muốn bền lâu, tránh cắn xé lẫn nhau, thôn tín nhau, thì càng phải rạch ròi phân minh, ứng xử trên cơ sở thượng tôn pháp luật, công lý và lẽ phải, vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa củng cố bảo vệ tình hữu nghị.

Chỉ có như vậy mới giải quyết rốt ráo vấn đề, loại bỏ những mầm mống ung nhọt trong quan hệ song phương, bởi lợi ích quốc gia dân tộc với nước nào cũng quan trọng, chỉ có điều nó hợp pháp hay không.

DOC mà Phó Giáo sư Nông Lập Phu đưa ra, xin được lưu ý rằng đây là một thỏa thuận chính trị giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm giữ nguyên hiện trạng ở Biển Đông, không phải là một văn kiện  pháp lý để làm cơ sở cho các bên liên quan xử lý các quan hệ, giải quyết một cách cơ bản lâu dài mọi tranh chấp phức tạp trong Biển Đông.

Hãy hỏi Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Xung quanh câu hỏi của người dẫn chương trình đài BBC về việc, dưới góc độ một học giả, một nhà nghiên cứu thì theo ông tại sao Trung Quốc không tham gia vụ kiện, không chấp nhận phán quyết của PCA, Phó Giáo sư Nông Lập Phu cho hay: Cái này phải hỏi Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông phân trần thêm: Từ bé đã được học sách giáo khoa địa lý Trung Quốc dạy rằng, Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền Trung Quốc. Ông Nông Lập Phu đã từng nói điều này với BBC trong chương trình Bàn Tròn Thứ Năm ngày 5/11/2015, thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thì cho biết, sở dĩ Trung Quốc không đồng ý với thủ tục trọng tài trong vụ kiện này vì nó có tính chất bắt buộc (cưỡng hành). Theo Giáo sư, Trung Quốc không hoàn toàn bác bỏ vai trò của "bên thứ ba trung lập". 

Bắc Kinh rất sợ sau khi PCA ra phán quyết, Mỹ sẽ lấy phán quyết này làm căn cứ ép Trung Quốc và can thiệp mạnh hơn vào Biển Đông.

"Bên thứ ba trung lập" mà Trung Quốc có thể chấp nhận, theo một học giả Mỹ nghiên cứu về Trung Quốc nói với Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, đó là biện pháp "điều giải" của bên thứ ba này.

Họ nghiên cứu và kiến nghị giải pháp, Trung Quốc có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận, chứ không có tính chất "cưỡng hành".

Hai là, hoc giả Nong Hong - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung - Mỹ mới mở tại Washington cho hay, bà thừa nhận rằng luật pháp quốc tế (UNCLOS 1982) quy định, đảo nhân tạo thì không có lãnh hải, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: baodoi.com / Hải An.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: baodoi.com / Hải An.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét, đối chiếu với một số nội dung Philippines khởi kiện thì cho thấy, Trung Quốc họ cũng uyển chuyển chứ không hoàn toàn cứng nhắc như chúng ta nghĩ.

Một học giả khác từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược ở Quảng Đông, Trung Quốc thậm chí đề nghị, cần thiết lập một cấu trúc bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Á để giải quyết các vấn đề Biển Đông.

Chính trị hóa luật pháp quốc tế chỉ làm mọi thứ thêm rối

Cá nhân tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ của mình về những nội dung trên.

Thứ nhất, vụ kiện của Philippines thuần túy là vấn đề pháp lý, học thuật chứ không phải vấn đề chính trị. Do đó mỗi nhà nghiên cứu đều có thể đưa ra nhận xét, bình luận của riêng mình.

Việc phải "đi hỏi Bộ Ngoại giao Trung Quốc" nó cho thấy sự thiếu chủ động và thiếu tính độc lập trong việc nghiên cứu, tiếp cận vấn đề dưới góc độ pháp lý, học thuật.

Có thể đây là những trở ngại đối với các học giả, các nhà nghiên cứu Trung Quốc như Phó Giáo sư Nông Lập Phu khiến nhiều khi họ không thể / không được / không dám thể hiện suy nghĩ thật của mình.

Rõ ràng điều này chỉ có hại cho Trung Quốc, bởi trong môi trường học thuật và pháp lý quốc tế khi anh không được / không dám / không thể thể hiện quan điểm của mình thì làm sao có thể làm rõ, bảo vệ những gì mình cho là đúng?

Phó Giáo sư Nông Lập Phu và không ít người Trung Quốc "từ nhỏ được sách giáo khoa địa lý Trung Quốc dạy" như thế, mà không xem lại sách dạy đúng hay sai? Căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để nói nó đúng / nó sai?

Mặc định rằng sách do nhà nước Trung Quốc in về đường “lưỡi bò” từ năm 1947 "mặc nhiên đúng" chính là sai lầm, là duy ý chí, là tư duy chủ quan. Phải chăng đây chính là nguyên nhân “không thể thay đổi sản phẩm do lịch sử để lại” của người Trung Quốc đối với đường “lưỡi bò” phi lý? 

Điều này sẽ khiến họ không thể làm giảm bớt hoài nghi từ giới nghiên cứu quốc tế về yêu sách của Trung Quốc.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin không đi sâu phân tích lập luận này của ông Nông Lập Phu, bởi thông cáo báo chí của PCA ra ngày 29/10/2015 đã nói quá rõ và tôi cũng đã phân tích việc này trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thứ hai, tôi xin nhấn mạnh rằng, vụ kiện của Philippines được PCA tiếp nhận từ tháng Giêng 2013 và trải qua rất nhiều thủ tục, quy trình pháp lý chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định của UNCLOS 1982.

Đến nay, 3 năm rưỡi sau mới sắp tới ngày có kết quả. Điều đó cho thấy Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán đã làm việc hết sức có trách nhiệm, đầy bản lĩnh và trí tuệ.

Cho dù PCA không có cơ chế / tổ chức thi hành phán quyết, không thể buộc Trung Quốc tuân thủ nếu họ cố tình lờ đi để không thực hiện, nhưng nó vẫn luôn có giá trị và hiệu lực pháp lý, bất kể Trung Quốc có tuyên bố thế nào đi nữa.

Trung Quốc là một thành viên UNCLOS 1982, phải có nghĩa vụ tuân thủ đầy đủ các nội dung công ước.

Giải pháp "điều giải" mà Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đề cập do một học giả Mỹ nghiên cứu Trung Quốc đưa ra càng không khả thi, bởi lẽ Trung Quốc cứ chọn cái nào có lợi cho mình thì chấp hành, cái nào không có lợi cho họ thì từ chối.

Hơn nữa, tính hợp pháp, chính danh, tính đại diện cho công lý và luật pháp quốc tế của một cơ quan tài phán như PCA rõ ràng, chắc chắn hơn hẳn bất kỳ một bên thứ 3 "điều giải" nào. Bởi ở đây, Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán do PCA thành lập chỉ làm theo luật pháp, chỉ bảo vệ công lý và lẽ phải.

Nhà nghiên cứu Nong Hong - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung - Mỹ, ảnh: chinaus-icas.org
Nhà nghiên cứu Nong Hong - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung - Mỹ, ảnh: chinaus-icas.org

Học giả Nong Hong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung - Mỹ mà Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đề cập đã rất chính xác khi nói rằng, theo luật pháp quốc tế các đảo nhân tạo không có lãnh hải và cũng không có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Điều này quy định rõ trong UNLCOS 1982. 

Nhưng UNCLOS 1982 cũng có Phụ lục VII với đầy đủ quy định về thủ tục trọng tài thụ lý đơn kiện của một thành viên Công ước kiện thành viên khác trong việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982, cho dù thành viên này có tham gia hay không.

Tại sao bà Nong Hong lại chỉ thấy được một vấn đề, mà không thấy những vấn đề khác khi cả hai đều nằm trong UNCLOS 1982?

Theo người viết, đó là bởi vì Trung tâm Nghiên cứu Trung - Mỹ (ICAS) được Trung Quốc mở ra tại Hoa Kỳ tháng 4/2015 với sự hiện diện của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henrry Kissinger trong lễ ra mắt, nhằm tuyên truyền cho yêu sách, lập trường của chính phủ Trung Quốc.

Như vậy có thể thấy, đây là một cơ quan vận động hành lang cho chính phủ Trung Quốc, bảo vệ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có việc trốn tránh nghĩa vụ thành viên UNCLOS 1982 đối với phán quyết của PCA.

Vậy thì tính độc lập trong nghiên cứu, học thuật, độc lập trong tiếp cận các vấn đề pháp lý của ICAS và bà Nong Hong liệu có còn tính khách quan nữa không? Phải chăng đây chỉ là vấn đề chính trị và vì mục đích chính trị?

Ts Trần Công Trục