Cái bóng từ anh chị
Nhiều teen thầm nghĩ rằng, thật ghen tị với những ai có anh chị học giỏi, hát hay, là người nổi tiếng... Thế nhưng, phải là người trong cuộc thì chúng ta mới hiểu rõ được tâm trạng “tủi thân” và những cố gắng không mệt mỏi của các bạn sao cho “xứng đáng” với danh hiệu “em của người nổi tiếng”. Thu (17t) chia sẻ: "Năm nay mình bước vào lớp 12, năm cuối cấp nên áp lực học hành và đỗ đại học là rất lớn. Anh trai mình trước đây luôn là học sinh giỏi với những thành giải cấp thành phố, rồi đến khi thi đại học, anh đỗ vào một trường danh tiếng với số điểm mà ai cũng phải mơ ước. Chính vì vậy mà ngay từ khi bước vào cấp 3, mình được thầy cô biết đến vì là em gái của anh chứ không phải vì điểm số hay thành tích mình đạt được. Gần như bất cứ thành tích nào mình đạt được đều bị đem ra “so sánh” với anh. Và cũng gần như tất cả các thầy cô trong trường cũng đều nhắc tới anh như một tấm gương cho mình phải lấy đó làm mẫu.”
Khác với Thu, Nam (18t) không biết nên gọi là “may mắn” hay “xui xẻo” khi có một ông anh trai cực kì đa tài, vẽ đẹp, hát hay, đàn giỏi và rất tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp, đã từng nhận được khá nhiều giấy khen. Chính vì vậy mà ai ai ở trong cùng khu phố cũng bảo “Phải nhìn anh mà học tập cháu à!”, rồi ngay cả bố mẹ cũng vậy, suốt ngày bắt Nam phải phấn đấu, phải nỗ lực để được như anh. Trong khi đó, cậu bạn này lại không hề thích những thứ như anh trai của mình. Mặc dù đã cố gắng rất nhiều nhưng hình như chưa bao giờ Nam vượt qua được cái bóng của anh trai cả.
Cái bóng quá lớn từ cha mẹ
Những teen có ba mẹ giỏi giang hay giàu có tưởng chừng như không còn gì để băn khoăn lo lắng nữa. Thế nhưng chính điều này đã khiến cho áp lực trên vai của teen ngày càng nặng nề hơn. “Phải làm sao để mỗi lần tổng kết năm học hay sinh nhật rồi thì các ngày lễ, Tết, bố mẹ không phải “ngượng” với đồng nghiệp, với các cô các chú trong nhà vì thành tích học tập của mình cũng là một điều thực sự khó khăn rồi. Mình may mắn khi cả bố và mẹ đều là giảng viên đại học. Thế nhưng chính vì thế mà hàng ngày mình càng phải cố gắng gấp bội để xứng đáng là “con của giảng viên”, để không bị mọi người nói là “bố mẹ thì giỏi thế mà không hiểu sao nó lại học hành tệ vậy”... - Tùng (16t) nói.
Còn với Lan thì áp lực lại đến theo hướng khác. Bố mẹ Lan là những người kinh doanh khá phát đạt, gia đình khá giả và có điều kiện. Cũng chính từ việc này mà tất cả những gì cô bạn nỗ lực đạt được, từ danh hiệu học sinh giỏi, từ giải nhì trong cuộc thi hát cũng bị mọi người nói là “Nhà giàu thế thì được là phải rồi. Nó học hành cũng bình thường thôi. Chắc là bố mẹ nó lại… đấy mà.”
Những "cái bóng" quá lớn khiến teen cảm thấy rất áp lực. (Ảnh minh họa) |
Và khi cái bóng là chính bản thân
Những bạn được "gắn mác" học giỏi, là con ngoan, luôn biết nghe lời thường luôn phải gồng mình lên sống, học tập, hành động theo những chuẩn mực đó. Dần dần, điều đó trở thành thói quen lúc nào mà teen cũng không hay biết. Nhiều bạn cấp 1, 2 luôn là học sinh giỏi, chính vì thế khi bước vào môi trường cấp 3 hoàn toàn khác với ngày trước, áp lực phải giữ được thành tích như cũ đòi hỏi một nỗ lực không ngừng. Nhiều teen cảm thấy đi học như là một nghĩa vụ, chỉ vì điểm số, ngày càng chán nản vì luôn phải gồng lên chứng tỏ và giữ cho cái bóng đó không bị vỡ, để rồi kết quả học tập không được như ý muốn.
Hồng (18t) cho biết: "12 năm là học sinh giỏi, là trò cưng của thầy cô, khi bố mẹ mình nói chuyện với ai thì mọi người cũng đều bảo "Con gái anh chị mà không đậu đại học thì ai còn đậu nữa. Nó không đậu mới là chuyện lạ đấy!" Chính những lời nhận xét như vậy càng khiến mình thêm lo hơn. Làm sao để vượt qua được cái ý nghĩ “mình đậu đại học là chuyện bình thường”. Nhưng rồi cái chuyện lạ mà mọi người bảo lại là chuyện thật, mình đã không thể vượt qua được “cái bóng” mà mọi người tạo ra."
Không có ai “mười phân vẹn mười”, vì thế teen hãy cứ sống thật với những cảm xúc, cá tính của con người mình. Đừng vì bên cạnh có một cái “bóng” quá lớn mà để nó che hết “nắng ấm” của mình. Hãy luôn nhớ rằng: “Là chính tôi rất ổn”, teen nhé!
Theo PLXH