Không cần đến bệnh viện, ở nhà được bác sĩ trực tiếp tư vấn về COVID-19 miễn phí

18/03/2020 06:33
Nhật Minh
(GDVN) - Không cần đến bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, người dân có băn khoăn về dịch vẫn được bác sĩ của 2 bệnh viện giải đáp nhờ app y tế COVID-19

Ngay sau khi ứng dụng COVID-19 do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) phối hợp cùng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) xây dựng ra mắt, nhiều người dân rất quan tâm đến app này.

Đặc biệt, trong bối cảnh số lượng người nhiễm COVID-19 tại Việt Nam đang tăng thêm và các nguy cơ lây lan trong cộng đồng đã cao hơn trước.

App COVID-19 giúp người dân chủ động tiếp cận thông tin y tế để phòng chống dịch bệnh.
App COVID-19 giúp người dân chủ động tiếp cận thông tin y tế để phòng chống dịch bệnh. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong nội dung được nhiều người dân quan tâm là tính năng bác sĩ tư vấn của app COVID-19.

Theo đó, người dân sau khi tải app về máy chỉ cần lựa chọn mục Bác sĩ tư vấn để kết nối bằng hình thức nhắn tin, gọi điện, gọi video trực tuyến với các bác sĩ đến từ bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Hiện các bác sĩ sẽ tư vấn với 3 khung giờ hằng ngày: Từ 10h00 đến 11h00; từ 16h00 đến 17h00 và từ 20h00 đến 22h00.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thủy (Cầu Giấy - Hà Nội) một người vừa trải nghiệm app cho biết, trong khung giờ 10-11h sáng ngày 17/3, chị đã được kết nối với bác sĩ Trần Tuấn Anh.

Các thắc mắc, băn khoăn của chị được tư vấn tận tình và hoàn toàn miễn phí.

Gia đình chị Thủy ở quê mới có người thân đi xuất khẩu lao động từ Đài Loan về nước vào tuần trước, đến nay đã được 7-8 ngày. Hiện người đó có hắt hơi, sổ mũi, không bị sốt.

Khi ở Đài Loan về nước, người thân của chị đã được kiểm tra y tế, hiện tại ở đó cũng không có dịch.

Về Việt Nam, người thân của chị cũng đã được kiểm tra y tế ở sân bay. Ngay khi về quê, anh cũng đã chủ động báo với địa phương và chỉ ở trong nhà, không đi thăm họ hàng, người thân.

Chị Thủy chia sẻ: “Tôi đoán có nhiều người đang chờ để được tư vấn vì sáng ngày 17/3 tôi truy cập các bác sĩ online đều đang bận tư vấn.

Khoảng 10h20, ngay khi hệ thống thông báo bác sĩ đã sẵn sàng, tôi đã truy cập để được tư vấn trực tiếp, giải đáp các băn khoăn”.

“Cảm nhận đầu tiên của tôi là bác sĩ quá thân thiện và nhiệt tình. Bác sĩ hỏi tôi về quá trình di chuyển của người thân, có biểu hiện sốt, đau rát, thắt cổ họng không?.

Ngay sau khi tôi trình bày là chỉ hắt hơi, sổ mũi, không ho. Từ khi về nhà, người thân của tôi chỉ ở nhà, bác sĩ đã khen ngợi là có ý thức phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.

Bác sĩ khuyên người thân của tôi tăng cường bổ sung hoa quả, các chất dinh dưỡng để tăng đề kháng. Bởi mùa này, tại Việt Nam rất dễ cúm nên có thể dễ mắc cúm. Đồng thời, tư vấn cho người thân của tôi tiếp tục đeo khẩu trang để tránh lây lan cho người thân, nên tự cách ly đủ 14 ngày, nếu có thể thì ở phòng riêng.

Bác sĩ cũng hướng dẫn nếu có các triệu chứng như sốt, đau rát họng, ho khan thì cần thể liên hệ cơ sở y tế để được hướng dẫn cụ thể.

Bởi việc từ Đài Loan về nước có quá trình di chuyển qua sân bay, nên các nguy cơ là có thể xảy ra”, chị Thủy kể lại.

Chị Thủy cho biết, bản thân chị trước đó cũng từng đặt câu hỏi trực tuyến về các vấn đề sức khỏe qua các buổi giao lưu trực tuyến do một số báo tổ chức.

Tuy nhiên, hình thức chỉ là gửi câu hỏi sau đó chờ trả lời, nên khi đọc trả lời của bác sĩ có băn khoăn khó trao đổi ngay lại được.

Nhưng app này đã xử lý được hạn chế đó bằng giải pháp kết nối trực tuyến, nói chuyện trực tiếp qua video trên hệ thống, đặc biệt là không cần đến bệnh viện thời điểm này mà vẫn được bác sĩ trực tiếp tư vấn là điều quá tuyệt vời.

Các bác sĩ tham gia tư vấn trực tiếp trên app đều là các chuyên gia, bác sĩ uy tín tại các bệnh viện hàng đầu trong nước. Ảnh chị Thủy cung cấp.
Các bác sĩ tham gia tư vấn trực tiếp trên app đều là các chuyên gia, bác sĩ uy tín tại các bệnh viện hàng đầu trong nước. Ảnh chị Thủy cung cấp.

“Việc tư vấn này được cá biệt hóa, người hỏi có thể thoái mái trình bày các băn khoăn hay nguy cơ lây nhiễm. Tính tương tác tương đương với việc gặp trực tiếp nên tôi thấy rất hữu ích.

Bác sĩ và người hỏi có trao qua đổi lại tức khắc, đặc biệt các bác sĩ rất tận tình, sau khi trả lời các câu hỏi và tư vấn sâu về y tế còn luôn hỏi xem có cần hỏi gì thêm nữa không”, chị Thủy bày tỏ sự hài lòng khi chia sẻ với chúng tôi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ứng dụng y tế COVID-19 được Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) phối hợp cùng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) xây dựng nhằm cung cấp cho người dân thông tin, tiện ích đầy đủ, toàn cảnh nhất về dịch bệnh diễn ra trên toàn cầu cũng như trong nước.

Theo AIC Group, app COVID-19 được cơ cấu thành các hợp phần gồm: Chỉ đạo Chính phủ; cập nhật dịch bệnh; bản đồ dịch bệnh; điểm tin; phòng bệnh; trợ lý y tế; gọi khẩn cấp; tìm kiếm cơ sở y tế; bác sĩ tư vấn; tờ khai y tế; ý kiến người dân; giới thiệp về app, cụ thể như sau:

1. Thông tin chỉ đạo từ Chính phủ bao gồm tất cả các văn bản chỉ đạo được ban hành từ cấp Trung ương (Chính phủ, Bộ) đến địa phương được cập nhật một cách liên tục và nhanh chóng cũng như có sự tương tác giữa Chính phủ với người dân để gửi thông báo, khuyến cáo y tế và ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân.

Tự thiết kế lớp học trực tuyến dễ dàng từ ứng dụng miễn phí AIC Education
Tự thiết kế lớp học trực tuyến dễ dàng từ ứng dụng miễn phí AIC Education

2. Cập nhật dịch bệnh là những số liệu mới về dịch bệnh toàn thế giới bao gồm: Số quốc gia bị lây nhiễm, tống số ca nhiễm, đang nhiễm, tử vong, nghiêm trọng, phục hồi, số liệu so sánh các quốc gia theo thời gian.

3. Bản đồ dịch bệnh: Bản đồ diễn biến dịch bệnh toàn cầu: tự động đồng bộ số liệu với nguồn WHO, CDC Mỹ.

4. Tương tác với người dân để gửi thông báo, khuyến cáo y tế và ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân.

5. Trợ lý y tế (trợ lý ảo): tương tác với người dân bằng ngôn ngữ, giọng nói tự nhiên, người dân có thể đặt câu hỏi, trợ lý sẽ tự động trả lời.

6. Bác sĩ tư vấn: Người dùng app chọn tính năng này để kết nối bằng hình thức nhắn tin, gọi điện, gọi video trực tuyến với các bác sĩ đến từ bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

7. Khai báo y tế tự nguyện.

8. Phòng bệnh: các tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế, WHO, CDC Mỹ dưới dạng hình ảnh, video trực quan.

9. Tìm kiếm cơ sở y tế: Cung cấp bản đồ các cơ sở y tế xét nghiệm COVID-19-19, các cơ sở điều trị, hiệu thuốc trên toàn quốc.

10. Gọi khẩn cấp: Cung cấp đường dây nóng của Bộ Y tế, các bệnh viện,..

11. Điểm tin: Cung cấp tin tổng hợp, tin video, tin thời sự và tin COVID-19-19 cập nhật từ các nguồn chính thống từ Chính phủ, Bộ Y tế, bộ/ngành, WHO,…

Người dân có thể tải ứng dụng app COVID-19 tại địa chỉ sau:

- Điện thoại hệ điều hành iOS tải ứng dụng tải COVID-19 trên App Store.

- Điện thoại hệ điều hành Android tải COVID-19 trên CH Play.

(hoặc vào địa chỉ https://ehealth.gov.vn để tải app tại mục https://ehealth.gov.vn/?action=ADV&thongbaoId=28)

Trong thông báo phát đi ngày ra mắt app COVID-19, Cục Công nghệ thông tin đã gửi lời cảm ơn đến Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế - ông Vũ Đức Đam; các Lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo, động viên khích lệ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng chống dịch bệnh rất kịp thời và có ý nghĩa.

Cục Công nghệ thông tin bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Tập đoàn AIC đã phối hợp xây dựng app COVID-19 và các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã dành thời gian tham gia tư vấn trực tiếp cho người dân và phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Nhật Minh