Không có khái niệm "quỹ lớp, quỹ trường": Sẽ chấm dứt chuyện chồng chéo quỹ?

16/10/2023 09:40
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với cách làm quyết liệt, hy vọng sẽ không còn tình trạng một số trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh thu quỹ đè quỹ như hiện nay.

Nhiều phụ huynh tại một trường trung học ở Thành phố Hồ Chí Minh vô cùng bức xúc khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thông báo bảng dự thu.

Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, có nhiều khoản yêu cầu nộp vô lý, trong đó có 2 khoản được nhiều phụ huynh chú ý là tiền quỹ lớp và quỹ trường.

Bảng dự chi quỹ của một lớp. (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Bảng dự chi quỹ của một lớp. (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Loạn quỹ phải nộp và những câu hỏi thắc mắc từ phụ huynh

Một phụ huynh học sinh cho biết, đầu năm học, theo thông báo, họ phải nộp tổng số tiền 3 loại quỹ là 1.700.000 đồng số tiền yêu cầu nộp gồm: quỹ phụ huynh trường 700k; quỹ khuyến học 500k; quỹ lớp 500k.

Nhiều câu hỏi thắc mắc: Tại sao chúng tôi lại phải nộp quỹ khuyến học và quỹ phụ huynh trường?

Tại sao phải nộp cả quỹ lớp? Quy định nào để nhà trường thu những loại quỹ này? Các loại quỹ này dùng để chi vào những việc gì?

“Quỹ khuyến học lâu nay trong các cơ quan công sở, luôn kêu gọi đóng góp. Quỹ này, nhằm hỗ trợ, động viên, khen thưởng, khuyến khích và giúp đỡ về tài chính cho người học trong cơ quan, trong địa bàn, giúp các em phấn đấu học tốt hơn. Vậy mà nay, học sinh đi học phải đóng khoản tiền quỹ khuyến học thấy vô lý quá.

Có phụ huynh bức xúc, ở địa phương đã phải nộp quỹ khuyến học, con đến trường cũng phải nộp quỹ này nữa, chẳng hóa ra một loại quỹ mà phụ huynh phải nộp 2 lần à? Các con còn nhỏ, làm gì có tiền để nộp chứ?”, một phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Cũng có người tâm tư, trong trường vẫn có những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo nhưng không phải hộ nghèo, cận nghèo. Những học sinh này, cũng đang cần được giúp đỡ. Nhưng quy định phải nộp quỹ khuyến học cho trường với số tiền khá cao thì gia đình lấy đâu để nộp? Thật là vô lý.

Đã đóng quỹ lớp sao còn quỹ trường?

Nếu tìm hiểu các thông tư, văn bản trong ngành giáo dục thì không thể tìm đâu ra khái niệm quỹ lớp, quỹ trường chưa nói đến quy định, học sinh phải nộp những loại quỹ này.

Chỉ có kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định trong Thông tư 55/2011. Kinh phí này có được từ sự đóng góp tự nguyện của phụ huynh.

Khi phụ huynh ủng hộ được một khoản, tùy theo quy định của Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp (thực chất là quy định của hiệu trưởng) về % sẽ nộp về trường. Phần còn lại, để ở lớp nên gọi là quỹ lớp.

Tuy thế, trường học quy định thêm loại quỹ trường, nghĩa là ngoài số tiền phụ huynh đã nộp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì vẫn phải nộp thêm một khoản tiền quỹ khác nữa.

Chỉ tính riêng 2 khoản quỹ lớp, quỹ trường của một trường ở Thành phố Hồ Chí Minh (quỹ lớp 500 ngàn+ quỹ trường 700 ngàn), phụ huynh đã phải đóng tới 1.200.000 đồng. Nếu một lớp học có 45 học sinh (sĩ số bình quân ở bậc trung học) thì số tiền một lớp thu được khoảng 54.000.000 đồng.

Một số trường học hiện nay, để giảm bức xúc của phụ huynh đã chia nhỏ số tiền mà học sinh phải đóng để nộp theo từng đợt, hoặc nộp theo học kỳ.

Có lớp, có trường đưa ra số dự thu ban đầu ít. Khi chi hết lại kêu gọi nộp tiếp. Có lớp, có trường thu theo học kỳ nên nhìn qua ngỡ mức thu ít nhưng cả năm là một khoản tiền không nhỏ.

Ví như, cả năm một trường thu quỹ lớp là 500 ngàn đồng/học sinh nhưng trường tách mỗi học kỳ thu 250 ngàn đồng (thu cả năm vẫn là 500 ngàn đồng/học sinh). Việc xé nhỏ các khoản phải đóng để nhiều người nhìn vào tổng số tiền phải nộp thấy ít hơn và không có ý kiến.

Lớp có cần tiền quỹ để hoạt động?

Tiền quỹ lớp có được chính là số tiền mọi người thường hay gọi bằng cái tên “hội phí”. Nếu làm đúng quy định, sau khi phụ huynh ủng hộ kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (nộp về trường một ít), phần còn lại sẽ là quỹ lớp. Vậy tại sao phải thu thêm một khoản quỹ lớp, dẫn đến tình trạng quỹ đè quỹ.

Tiền quỹ đối với mỗi lớp học là cần thiết. Số tiền này, sẽ giúp cho việc học và hoạt động ngoài giờ của học sinh hiệu quả hơn. Đó là tiền phô tô tài liệu, bồi dưỡng học sinh khi tham gia các hoạt động phong trào, trả tiền trang phục, đạo cụ trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức sinh nhật học sinh thêm phần gắn kết, thăm hỏi khi các em ốm đau, trang trí phòng học…

Nếu tiền quỹ lớp để chi cho những hoạt động học tập, sinh hoạt của học sinh như vừa kể ở trên thì cũng không cần số tiền quỹ lớp nhiều đến mấy chục triệu như vậy.

Một phụ huynh có con học tại Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là đồng nghiệp của người viết cho biết, tiền quỹ lớp thường làm quà tri ân cho thầy cô vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm nên phải tốn một khoản tiền khá lớn.

Thu được 13.200.000 đồng tiền quỹ mà dự chi cho giáo viên hết 9.200.000 đồng (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Thu được 13.200.000 đồng tiền quỹ mà dự chi cho giáo viên hết 9.200.000 đồng (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Có lớp, phong bì biếu giáo viên lên đến 2 triệu đồng, một năm có biết bao ngày lễ, tết như thế. Một lớp cũng có hàng chục thầy cô giáo giảng dạy. Thế nên, mang tiếng là tiền để phục vụ cho học sinh nhưng học sinh không được hưởng bao nhiêu trong số tiền ấy.

Quỹ lớp là cần thiết nhưng không vì thế mà bắt buộc phụ huynh phải đóng. Tại hội nghị giao ban đầu năm học với các lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo Thành phố Thủ Đức, các quận, huyện vào ngày 4/10, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo quyết liệt về xử lý vi phạm các khoản thu trong trường học với người đứng đầu các cơ sở giáo dục.

Ông Hiếu còn yêu cầu tất cả các khoản thu của trường đều phải được thực hiện thu trên hệ thống. "Không có khái niệm quỹ lớp, quỹ trường. Tôi đề nghị phòng kế hoạch tài chính hướng dẫn tất cả các khoản thu trong trường học đều phải được thực hiện thu trên hệ thống để Sở GD-ĐT quản lý được việc trường thu như thế nào", ông Hiếu nói.[1]

Hy vọng, với cách làm quyết liệt, sẽ không còn tình trạng một số trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh thu quỹ đè quỹ như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/khong-co-khai-niem-quy-lop-quy-truong-nhieu-noi-tai-tphcm-phai-tra-lai-tien-post238570.gd

Phan Tuyết