Cho tới nay, dù đã nhiều ngày trôi qua, nhưng vụ việc thu của phụ huynh lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà, Quận Bình Thạnh 10 triệu đồng/người để sửa chữa phòng học và dùng chi vào một số việc khác sai quy định vẫn còn làm nhiều phụ huynh bức xúc.
Cho dù nhà trường đã tiến hành họp phụ huynh của lớp này, trả tiền lại cho phụ huynh những khoản chi sai quy định, nhưng nội dung này vẫn còn nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong vụ việc này, việc thu chi của lớp 1/2 tại Trường tiểu học Hồng Hà đã bị Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Bình Thạnh kết luận là hầu hết đều sai quy định.
Bảng dự toán thu chi khủng của lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà, Quận Bình Thạnh (ảnh chụp màn hình) |
Thế nhưng, cuối cùng hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm của lớp 1/2 của trường Tiểu học Hồng Hà chỉ bị nhắc nhở, phê bình.
Vào đầu năm học trước, một trường trung học cơ sở tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có một lớp dự trù kinh phí hoạt động cho cả năm học lên đến hơn 165 triệu đồng, chia đều cho tất cả học sinh trong lớp, mỗi em đóng hơn 3,1 triệu đồng.
Điều đáng nói trong bảng dự kiến thu chi này cũng có rất nhiều khoản tiền chi cho giáo viên chủ nhiệm, chi hoa và quà cho các giáo viên dịp lễ, tết.
Ngay sau khi báo chí, cơ quan truyền thông phản ánh, Quận 3 cũng vào cuộc kiểm tra và cũng chỉ là hình thức kiểm điểm, phê bình hiệu trưởng nhà trường vì để xảy ra sự việc nói trên tại trường do mình quản lý.
Cũng vào đầu năm học trước, tại Trường trung học phổ thông Tây Thạnh (Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng xảy ra một việc là hiệu trưởng kêu gọi phụ huynh đóng góp, ủng hộ tiền để xây dựng cơ sở vật chất cho trường, khen thưởng cho học sinh.
Theo đó, một lớp học trong trường này, mỗi phụ huynh phải đóng thêm 500.000 đồng từ lời kêu gọi của vị hiệu trưởng này.
Cũng chỉ đến khi báo chí, cơ quan truyền thông vào cuộc, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh mới có văn bản phê bình nghiêm khắc Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tây Thạnh, do đã thực hiện chưa đúng các quy định hiện hành về quản lý tài chính, hướng dẫn thu chi đầu năm học của Sở, gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của ngành.
Như vậy, hai năm học liền nhau, Thành phố Hồ Chí Minh đều xảy ra tình trạng lạm thu trong trường dịp đầu năm học.
Thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: NVCC) |
Theo hiệu trưởng một trường trung học phổ thông tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, phê bình hay nhắc nhở không phải là một hình thức xử lý kỷ luật, và cuối cùng rồi “cũng huề cả làng”.
Một câu hỏi được đặt ra là, có phải các biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng chưa đủ mạnh, nên những năm gần đây, thành phố luôn xảy ra tình trạng lạm thu trong trường học?
Thầy Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, xã hội hóa giáo dục là cần thiết, do Nhà nước có dành kinh phí cho các hoạt động giáo dục, nhưng không đủ.
“Thế nhưng, tôi nhắc lại là xã hội hóa như thế nào, cần phải làm cho đúng với các quy định. Đó mới là vấn đề “ – thầy Nguyễn Văn Ngai nhấn mạnh.
Theo thầy Nguyễn Văn Ngai, các thông tư, nghị định, văn bản hướng dẫn về vấn đề này đều đã có đầy đủ, xuyên suốt từ cấp trung ương đến địa phương mà vẫn cứ vi phạm thì cần phải được uốn nắn, xử lý kịp thời.
Thầy Nguyễn Văn Ngai khẳng định, có những vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì vẫn phải làm, chứ như hiện nay thì ngành giáo dục vẫn còn nể nang nhau, chưa xử lý kiên quyết lắm.
“Ngành cứ xử lý kiên quyết một vài trường hợp vi phạm, chắc chắn sẽ có tác động mạnh, chứ theo tôi hiện nay thì các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh” – thầy Nguyễn Văn Ngai chia sẻ quan điểm
Bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các khoản thu đầu năm ở các trường cho dù đúng theo quy định cũng vẫn còn rất nhiều.
Đây chính là gánh nặng về mặt kinh tế rất lớn cho các gia đình, đặc biệt nếu gia đình nào có 2 con đang trong độ tuổi đi học mà ba mẹ chỉ là nhân viên thu nhập bình thường.
Với những trường thu các khoản thu không đúng quy định dịp đầu năm, bà Văn Thị Bạch Tuyết cho hay, cần phải suy nghĩ lại nghiêm túc về vấn đề này, và nên chăng ngành giáo dục cần đưa ra cho được các giải pháp phù hợp, đủ mạnh để buộc các hiệu trưởng các trường phải chấp hành cho đúng các quy định.
Cuối cùng, bà Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị, nên chăng Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, dành một khoản kinh phí trong ngân sách đủ đáp ứng cho ngành giáo dục, đúng với quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, là ưu tiên hàng đầu trong các khoản kinh phí cần đầu tư, để cho toàn bộ học sinh được học trong điều kiện tốt nhất, cho dù gia đình khó khăn về mặt kinh tế hay không, không để phụ huynh quá áp lực với các khoản thu đầu năm học.