Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng biểu dương toàn ngành Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực, sáng tạo, có những chuyển biến, tiến bộ toàn diện, rõ nét; đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tạo sự đồng thuận, tăng cường khối đại đoàn kết, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Điển hình là đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đối với Việt Nam tăng 14 bậc năm 2017, trong khi các năm trước đây chỉ tăng một vài bậc. Xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo WIPO của Việt Nam (theo tiêu chí của Liên Hiệp quốc) tăng 12 bậc (từ 59 lên 47).
Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc (từ 60 lên 55) theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Các chỉ số này tăng đều không thể thiếu được sự đóng góp của ứng dụng công nghệ thông tin.
Tốc độ tăng trưởng của ngành Thông tin và Truyền thông không chỉ ở các lĩnh vực như viễn thông, công nghệ thông tin, bưu chính mà các lĩnh vực xuất bản, in còn nhiều khó khăn nay cũng phát triển ấn tượng.
Nhiều việc đã được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “kiến tạo, hành động, phục vụ, liêm chính” như đổi mới đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện, khai trương mạng 4G, quản lý báo chí, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc xây dựng, liên thông cơ sở dữ liệu. Ảnh: VGP |
Phó Thủ tướng nhất trí với 5 phương hướng, nhiệm vụ lớn của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2018, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển thông tin và truyền thông nâng cao nhận thức về xã hội thông tin, kinh tế tri thức và vai trò của thông tin và Truyền thông trong toàn xã hội; hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới tổ chức, nâng cao trình độ quản lý, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thông tin và truyền thông.
Khi triển khai các nhiệm vụ của năm 2018, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ thông tin và truyền phải “gương mẫu, thiết thực và tạo sự đồng thuận, huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia vào hoạt động của mình”.
Đơn cử về báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cần quản lý thật tốt các cơ quan báo chí trực thuộc hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, hoạt động năng động nhất nhưng nếu có sai phạm thì xử lý kịp thời nhất. Đồng thời, sắp xếp, quy hoạch tốt các cơ quan báo chí thuộc quản lý của Bộ để các bộ ngành, địa phương làm theo.
Trong ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thôngphải đi đầu thực hiện xử lý hồ sơ, công việc hoàn toàn trên máy tính, môi trường mạng; xây dựng cơ sở dữ liệu chung, liên thông giữa tất cả các đơn vị trong Bộ; đi đầu trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp 3-4.
Khẳng định vai trò quan trọng của xây dựng và liên thông cơ sở dữ liệu, Phó Thủ tướng tin tưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị trực thuộc liên thông được dữ liệu với nhau, liên thông với Chính phủ, Văn phòng Chính phủ thì các bộ khác sẽ làm theo được.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ: Cơ sở dữ liệu tại bộ ngành phải mở cho các địa phương tra cứu và sử dụng. Liên thông cơ sở dữ liệu thực hiện theo mô hình hình chóp.
Các đơn vị trực thuộc chuyển về cho Bộ, sẽ có đơn vị chuyên môn xử lý việc liên thông ngang. Các bộ ngành, địa phương chuyển đến Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện liên thông.
“Các đồng chí không được làm cơ sở dữ liệu ‘chay’, không mua máy ‘chay’ mà gắn với dịch vụ cụ thể, thực hiện bằng phương thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phải đi đầu trong thuê dịch vụ công nghệ thông tin, Bộ làm được thì sẽ hướng dẫn được cho các bộ ngành, địa phương khác”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Cũng với tinh thần như vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông phải có tầm nhìn xa, chiến lược phát triển đồng bộ nhưng khi triển khai công việc thì rất thiết thực, cụ thể, làm mô hình tốt để nhân rộng.
“Chẳng hạn đối với dịch vụ 4G, nếu không có băng tần, không có chính sách cước phí tốt thì không bảo đảm chất lượng 4G, không khuyến khích được người sử dụng.
Tương tự với từng địa phương, từng lĩnh vực ngoài những tiêu chí, chính sách chung cần lưu ý Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khác với Sơn La, Điện Biên; xây dựng thành phố thông minh khác như thế nào so với giao thông, nông nghiệp, du lịch thông minh”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội, huy động toàn xã hội tham gia vào công việc của Bộ Thông tin và Truyền thông bởi “đây cũng là một chức năng của Bộ”.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước.
Đặc biệt, Bộ cần tạo môi trường, các “hệ sinh thái” trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, truyền thông, bưu chính, viễn thông... sao cho từ những doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel, Mobifone... đến các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chỉ có 1-2 người đều có thể tham gia được