Quyền con người bị hạn chế vì những lý do mơ hồ
Theo PGS.TS Ngô Huy Cương – Giảng viên Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, quyền con người là căn nguyên, đồng thời là mục tiêu của Hiến pháp. Việc Dự thảo bổ sung nhiều điều khoản nói về quyền con người vào Hiến pháp năm 1992 là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng đất nước.
Các quyền cơ bản, tuyệt đối và phổ biến này không thể bị chối bỏ xuất phát từ “nhân phẩm” hay “phẩm giá của con người” dẫn đến một hệ luận quan trọng rằng: Không ai có nhân phẩm cao hơn ai, do đó không có dân tộc nào có nhân phẩm cao hơn dân tộc nào, cho nên không ai có quyền áp bức ai và không dân tộc nào có quyền áp bức dân tộc nào.
Cũng như vậy, người cai trị không có nhân phẩm cao hơn người bị trị. Vì vậy, họ không thể lạm dụng vị trí của mình để tước đi cái quyền tự do của người khác.
Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 15 của dự thảo lại tuyên bố: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng”.
PGS Cương nhận định: “Những lý do liệt kê trong khoản 2 Điều 15 có thể dẫn đến các hạn chế đối với các quyền, nó vừa cụ thể, vừa mơ hồ tới mức bất kỳ việc giới hạn quyền nào cũng có thể có lý do, trong khi Hội đồng Hiến pháp không được Dự thảo ban cho chức năng giải thích Hiến pháp. Cần phải nhận thức rằng: Pháp luật chỉ có thể giới hạn tự do cá nhân của con người khi có lý do thật sự chính đáng từ phía cộng đồng.
Thông thường các nền tài phán lấy lý do “trật tự công cộng” để giới hạn tự do. Tuy nhiên, trật tự công cộng phải được giải thích đối với từng trường hợp và trong từng hoàn cảnh cụ thể. Lý do này có thành tố quan trọng xuất phát từ sự tồn tại chung của cộng đồng”.
PGS.TS Ngô Huy Cương phát biểu tại Hội thảo khoa học góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do các cơ quan của Văn phòng Quốc hội và Trương ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức. |
Tiếp đó các Điều từ 16 cho đến Điều 52 của dự thảo qui định hàng loạt các quyền, không có sự phân loại các quyền, không có sự phân chia giữa quyền và nghĩa vụ, và xác định sự hạn chế các quyền không chỉ bằng các đạo luật mà còn bằng các văn bản dưới luật.
PGS Ngô Huy Cương bình luận: “Các điều này tạo ra một tập hợp các quyền rất khó xác định và giải thích về phạm vi của nó. Đặc biệt Điều 20, khoản 1 của Dự thảo tuyên bố: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân”. Có lẽ đây là một tuyên bố thiếu suy xét nhất. Nhiều Hiến pháp chỉ đề cập tới các quyền, không đề cập tới các nghĩa vụ.
Chẳng hạn: Hiến pháp Bỉ năm 1970, Hiến pháp CHLB Đức năm 1949, Hiến pháp Singapore năm 1963, Hiến pháp Thụy sĩ năm 1999… Có Hiến pháp chỉ đề cập tới một số nghĩa vụ như một số hạn chế của các tự do, có thể hiểu như sự khẳng định quyền chỉ thực hiện một nghĩa vụ nào đó có giới hạn, thí dụ đó là nghĩa vụ nộp thuế. Điển hình như Hiến pháp Nga năm 1993. Nhiều Hiến pháp tách bạch quyền và nghĩa vụ riêng biệt. Điển hình là Hiến pháp Thái lan năm 2007”.
Các Hiến pháp qui định cả các quyền và nghĩa vụ trong một chương thì tất cả các nghĩa vụ đều ít hơn
PGS.TS Ngô Huy Cương kiến nghị sửa đổi Điều 15:
1. Phẩm giá con người phải được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và không bị xâm phạm.
2. Quyền con người và quyền công dân được Nhà nước thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ.
3. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn bởi luật và vì lý do trật tự công cộng
4. Các nghĩa vụ cơ bản của công dân được qui định bởi luật.
quyền. Chỉ có thể tìm thấy một vài nghĩa vụ ở đó như: Nghĩa vụ nộp thuế, nghĩa vụ nuôi dưỡng giáo dục con cái, nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Sự thiếu suy xét qui kết ở trên có thể dễ nhận thấy khi một em bé trong bụng mẹ có quyền hưởng thừa kế hay một người bị mất năng lực hành vi được hưởng nhiều quyền, nhưng không phải gánh vác một nghĩa vụ nào.
“Cần hết sức lưu ý rằng, Hiến pháp ra đời là để tổ chức nên chính quyền và giới hạn chính quyền. Vì vậy, Hiến pháp phải nói tới các quyền, có nghĩa là nói tới việc buộc chính quyền phải thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ các quyền đó của con người, của công dân.
Khi Hiến pháp nói tới nghĩa vụ cơ bản của công dân có nghĩa là Hiến pháp ngụ ý rằng chính quyền không nên quên việc cụ thể các nghĩa vụ đó trong các đạo luật để bảo vệ cộng đồng. Một người trốn nghĩa vụ quân sự phải chịu trách nhiệm hình sự chứ không phải chịu trách nhiệm hiến pháp và không thể đưa họ ra trước cơ quan bảo hiến để vạch mặt chỉ tên”, PGS Cương nói.
Quy định về quyền con người đối nhau chan chát
TS Đỗ Thị Phượng – Giảng viên Khoa Pháp luật Hình sự ĐH Luật Hà Nội nhận định, sau gần 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992, do hoàn cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi nên một số nội dung của Hiến pháp hiện hành đã không còn phù hợp. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với điều kiện kinh tế - xã hội và tư duy pháp lý hiện đại, một số nội dung của Hiến pháp cần phải được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu mới.
Việc bổ sung thêm quyền con người vào chương này trở thành chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cho thấy phạm vi bảo đảm quyền trong Dự thảo Hiến pháp đã được mở rộng hơn, phù hợp hơn với các công ước quốc tế về quyền con người của Liên Hiệp Quốc. Quyền con người rộng hơn, bao trùm lên quyền công dân.
Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung thêm 5 điều luật mới gồm: Điều 16, Điều 21, Điều 44, Điều 45, Điều 46 (nân tổng số điều luật của chương này lên 37 điều). Các điều luật mới này đều hướng tới quyền của con người, bổ sung các quyền được sống, quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa, tự do lựa chọn ngôn ngữ để giao tiếp…
Nhiều cơ quan, tổ chức đang tích cực trong công tác góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. |
Ngoài những ưu điểm, TS Phượng cũng chỉ ra mâu thuẫn tại Điều 15 của dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 50 Hiến pháp 1992) ở khoản 2 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”.
“Quy định như vậy thì rất dễ dẫn tới tình trạng khoản 1 của Điều 15 “Ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” sẽ bị vô hiệu hóa. Vì sao? Vì khoản 2 không quy định lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng được xác định cụ thể ở đâu? Đây rất có thể là những lý do mơ hồ muốn diễn giải thế nào cũng được và trở thành chỗ dựa để vi phạm quyền con người.
Nếu lấy việc bảo vệ quyền con người là mục đích cao nhất trong hiến pháp của nhà nước pháp quyền, thì rõ ràng khoản 2 Điều 15 trong dự thảo lại là sơ hở khiến cho mục tiêu này không thực hiện được. Do đó, xin được bổ sung hoàn chỉnh vào khoản 2 như sau: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn bằng pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”, TS Phượng cho hay.