Ai cũng có thể biết: “BOT là hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định…”.
Tuy nhiên, về mặt kinh tế, khái niệm nêu trên chưa làm rõ được một số bản chất sau đây của BOT:
Thứ nhất: BOT xảy ra khi một hạng mục cơ sở hạ tầng cần huy động vốn xã hội (các doanh nghiệp). Doanh nghiệp vào xây dựng là hướng tới lợi nhuận thu về sau khi bỏ vốn đầu tư.
Thứ hai: Hình thức BOT là cung cấp một loại dịch vụ hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ở nước ta hiện nay chủ yếu là cầu hoặc đường giao thông, đó là bản chất thị trường.
Trạm BOT Cai Lậy. (Ảnh: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online). |
Thứ ba: Từ bản chất thị trường mà việc sử dụng dịch vụ công trình BOT cần tuân theo quy luật cung - cầu, tức “thuận mua vừa bán”.
Sản phẩm cầu đường trước hết cần hợp với túi tiền, nhu cầu, cũng như giá trị sử dụng mà người tiêu dùng được hưởng.
Nhưng không được quên rằng, người dân có quyền không lựa chọn sử dụng dự án BOT mà vẫn được dùng đường quốc lộ với chất lượng thấp hơn, không mất phí (vì nhà nước đã chi ngân sách làm đường cho dân đi lại).
Thứ tư: Do BOT là bản chất là hoạt động MUA và BÁN nên đó là hoạt động dân sự.
Khi tranh chấp xảy ra trước hết đó là tranh chấp dân sự, được phán quyết bởi hình thức dân sự (hiện nay cách giải quyết có biểu hiện thiên hướng không phải là dân sự).
Thứ năm: Vì tuân theo quy luật cung - cầu nên dự án BOT luôn có hai khả năng: LÃI hoặc LỖ.
Nhà đầu tư phải chấp nhận cả hai khả năng này. Muốn có lãi thì từ khi xác lập dự án BOT phải tính toán yếu tố phù hợp (với xu thế, nhu cầu tiêu dùng), mức độ đầu tư, khả năng tận dụng các điều kiện có lãi.
Không được quan niệm lãi là đương nhiên và tìm cách có lãi bằng mọi giá, bất chấp pháp luật (Hiện nay BOT luôn được ứng xử theo kiểu lãi bằng mọi giá).
Những nghịch lý của việc xây dựng và vận hành các dự án BOT
Vì việc sử dụng BOT là mua và bán hàng hóa dịch vụ, do vậy khi có tranh chấp mâu thuẫn xảy ra, hay nói cách khác là xảy ra việc không thuận mua vừa bán thì cần được hiểu đó là tranh chấp dân sự.
Nếu chính quyền, công an có trực tiếp can thiệp vào việc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi của lái xe là sử dụng sai quyền lực.
"Di sản" của ông Đinh La Thăng khiến Bộ Giao thông chịu nhiều áp lực |
Từ sự việc BOT Cai Lậy mà lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp áp đặt quan điểm xử lý, như vai trò của một bên tranh chấp chính là xác định sai phạm vi quyền hạn.
Đó là sự lẫn lộn giữa quản lý nhà nước và bên tham gia vào tranh chấp dân sự. Cơ quan hành chính nhà nước can thiệp vào hoạt động tranh chấp khi chưa có thủ tục dân sự hoặc phán quyết của tòa dân sự.
Việc này cho thấy sự thực thi quyền lực của bộ ngành là tùy tiện, chi phối vào hoạt động kinh tế của các chủ thể dân sự.
Những sự việc về BOT vừa qua bộc lộ sự thiếu vắng vai trò giám sát của cơ quan quyền lực nhân dân đối với hoạt động của cơ quan hành pháp trong thực thi pháp luật, để một bộ phận bộ máy tự tung tự tác, không phân biệt và loại trừ được ý chí, mưu cầu lợi ích của các nhóm cá nhân… Còn tồn tại khoảng cách lớn trong thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.
Những sai phạm đang diễn ra của cơ quan nhà nước trực tiếp tác động rộng lớn tới quyền lợi chính đáng của người dân nhưng họ chỉ được phản ứng, chứ không có cơ chế vận dụng các quyền trên thực tế.
Đến lượt Thừa Thiên Huế xuất hiện tài xế dùng tiền lẻ qua trạm BOT |
Nhóm lái xe, thực chất là một cộng đồng cư dân đang thiếu vắng kênh hữu hiệu để biến nguyện vọng của họ đi tới cơ quan quyền lực tối cao nhằm giám sát, vô hiệu hóa hay điều chỉnh hành động chưa phù hợp hoặc sai pháp luật của cơ quan hành chính (ở đây là Bộ Giao thông Vận tải).
Từ BOT Cai Lậy tới nhiều BOT khác trên cả nước cho thấy sự vi phạm trắng trợn vào quy luật kinh tế thị trường, bóp méo bởi ý chí, mệnh lệnh hành chính, bởi cơ chế xin cho… vào sự vận hành bình thường của quy luật cung - cầu.
Sự can thiệp sâu của quyền lực hành chính sai mục đích đang không có cơ chế kiểm soát.
Với cung cách quản lý như hiện nay, có thể thấy, quá trình xây BOT không có sự hạch toán thấu đáo, các khoản chi phí không tên sẽ được tự do tính vào giá tiêu dùng (cước thu phí), bất chấp có hợp lý hay không do không đủ cơ chế kiểm soát.
Cùng với khả năng sự hậu thuẫn của cơ quan quyền lực mà hiện chủ đầu tư tự ý áp đặt cước thu (thu vô tội vạ), tự do đặt trạm thu vé ở các nơi, thu nơi này để bù cho nơi khác, thu phí ở quốc lộ (xây bằng ngân sách) để bù sang cho BOT...
Đó đều là việc dùng quyền lực áp đặt người tiêu dùng phải bỏ tiền mua thứ mình không được sử dụng, hoặc sử dụng dịch vụ không đúng chất lượng.
Quyền lực và nhóm lợi ích đã can thiệp quá sâu và làm méo mó bản chất của kinh tế thị trường.
Và đến nay còn một chút an ủi, vấn đề nan giải này đáng lẽ không được mấy ai quan tâm, nhưng nay nhờ cánh tài xế qua Cai Lậy quyết liệt phản ứng tiêu tiền lẻ qua trạm, gây ùn tắc, dư luận và báo chí vào cuộc thì tình hình đang rục rịch thay đổi.
Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa.