Trong cuốn sách dành cho học sinh lớp 1 nhan đề “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” của NXB Dân Trí có hình ảnh lá cờ Trung Quốc được treo trên cổng trường. Sự việc được một học sinh lớp 1 phát hiện ra vì “sao không giống cờ nước mình?”.
Trang 16 cuốn sách Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 của Nhà xuất bản Dân Trí đăng cờ của Trung Quốc - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Theo đó, bộ sách Chuẩn bị toàn diện cho trẻ bước vào lớp 1 giới thiệu các kiến thức trên nhiều phương diện cần thiết cho trẻ bước vào giai đoạn tiểu học…Cuốn sách được biên tập dựa trên chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ÐT cùng với những vấn đề trẻ gặp phải trong cuộc sống hằng ngày...
Cuốn sách được trình bày khá bắt mắt, trang 4 có ghi "Nhiều tác giả" chứ không công bố cụ thể tác giả nào, và "Chịu trách nhiệm xuất bản: Bùi Thị Hương. Liên kết xuất bản và phát hành tại: Công ty văn hóa Hương Thủy.
Về việc này, trả lời trên báo Tuổi trẻ, bà Bùi Thị Hương, người chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách đồng thời cũng là Giám đốc NXB Dân Trí cho rằng: “Đó là bộ sách có nội dung tốt, nó chỉ "lằng nhằng" ở lời giới thiệu. Nên nếu có ý kiến yêu cầu sửa thì chúng tôi sẽ đề nghị đối tác sửa. Nhưng chắc sẽ không thể sửa nội dung sách, không thể thay cờ Trung Quốc thành cờ Việt Nam bởi như thế là vi phạm hợp đồng".
Theo bà Hương, đây là sách dịch và mua bản quyền của đối tác nước ngoài.
Sách dành cho học sinh lớp 1 mà lại có hình ảnh cờ Trung Quốc treo trên cổng trường làm các em nhỏ nhầm tưởng đây là cờ nước mình? Bên cạnh đó, phát ngôn của những người liên quan như bà Hương, GĐ NXB Dân Trí đồng thời là người chịu trách nhiệm xuất bản lại cho rằng đó là bộ sách có nội dung tốt đã khiến không ít các bậc phụ huynh cùng đông đảo dư luận phản đối vì … “không thể chấp nhận được”.
Cổng trường có cắm cờ đỏ nhưng không phải cờ Việt Nam trong trang 16 của cuốn sách Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ - Ảnh: CHÂU ANH |
Độc giả có tên Cảnh Tú gửi bình luận đến tòa soạn cho rằng: “Đúng là một kiểu làm việc vô trách nhiệm rùi đùn đẩy cho nhau, đưa kiến thức đầu tiên cho những mầm non đất nước lại như vậy mà cho là bình thường thì không hiểu nhận thức giá trị dân tộc và quốc gia của những người có trách nhiệm này để đâu nữa?”
Độc giả khác có tên Thachnguyen cũng đồng tình với quan điểm trên, độc giả này cho rằng: “Quá tồi cho những cuốn sách thiếu trách nhiệm như vậy. Bà Bùi Thị Hương giải thích như thế thì ai sẽ hiểu cho. Bà nên suy nghĩ về chức vụ mà mình đang làm nên có xứng đáng hay không. Bà hãy rút kinh nghiệm”.
Ngoài việc chỉ trích trách nhiệm của những người liên quan đến việc đưa cuốn sách có in hình lá cờ Trung Quốc tới tay của những trẻ nhỏ Việt Nam. Độc giả có tên Hoangnguyen còn tỏ ra “chán nản” vì: “Không biên soạn nổi những chương trình giáo dục cho con em nước mình theo đúng với thực tế và lịch sử nước Việt mà lại đi nhập những thứ đầu độc con em mình từ Trung Quốc. Đề nghị các cơ quan chức năng tìm hiểu, điều tra và xử lý thích đang bọn xấu lợi dụng truyền bá những ấn phẩm đầu độc thế hệ con em chúng ta”.
Bên cạnh đó, nhiều độc giả khác cho rằng, nếu có đi mua bản quyền hay sao chép sách của nước ngoài thì cũng không nên sao chép y nguyên như vậy. Cần phải xem xét, chỉnh sửa kỹ lưỡng bởi mỗi đất nước có nền văn hóa, giáo dục khác nhau nên không thể dung một cuốn sách mà áp dụng cho tất cả hệ giáo dục những nước khác được. Nếu sự việc trên không được phát hiện thì hậu quả để lại là vô cùng nghiêm trọng bởi về lau dài có thể các em chẳng còn biết đâu mới là cờ nước mình?