Sáng ngày 12/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
Phiên xử chưa bắt đầu thì một động thái bất ngờ đã đến từ Tòa án nhân dân TP. Hà Nội làm cho các phóng viên, nhà báo phải “nổi đóa”.
Các phóng viên, nhà báo bị "thắt chặt" khi đến tác nghiệp tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vụ đại án tham nhũng Dương Chí Dũng cùng đồng bọn. |
Theo lời kể của một phóng viên trên báo Petrotimes, Tòa yêu cầu các phóng viên phải để toàn bộ phương tiện tác nghiệp như: máy ảnh, máy tính, máy ghi âm, điện thoại và các vật dụng bên ngoài khi vào dự phiên xét xử. Phóng viên chỉ được mang theo giấy trắng, bút để ghi chép.
Chưa dừng lại ở đó, khi các phóng viên vào tác nghiệp, lực lượng an ninh lại “dồn” tất cả vào một phòng riêng biệt và theo dõi qua màn hình tivi. Trong thời gian ngồi theo dõi phiên xét xử, có hàng chục người tự xưng là cán bộ của Tòa đi kiểm tra thẻ của từng người một và đối chiếu với danh sách đã đăng ký từ trước đó. Các phóng viên phải ngồi xen kẽ với cán bộ tòa án. Mọi động thái của phóng viên đều bị kiểm soát chặt chẽ.
Việc làm trên khiến báo chí cùng dư luận không khỏi hoài nghi và bàn tán. Một vụ đại án tham nhũng, một phiên xét xử công khai vì sao Tòa án TP Hà Nội lại có động thái khó hiểu, gây khó khăn cho báo chí tác nghiệp để chuyển tải những thông tin đến dân chúng như vậy?
Trong khi đó, vụ “đại án” tham nhũng Dương Chí Dũng cùng đồng bọn là một trong những “trận đánh” điểm của Đảng và Nhà nước về cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, được nhân dân cả nước ngóng chờ, theo dõi.
Việc “ngăn sông cấm chợ” của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã khiến cho các phóng viên, nhà báo đến dự có nhiều hoài nghi, thắc mắc, xét nét. Tất cả đều không thể hiểu được mục đích của Tòa án Hà Nội đằng sau việc “hạn chế” những người làm báo là gì?
Trong thành ngữ dân gian hoặc trong cuộc sống xã hội trước đây ở Việt Nam, chúng ta vẫn thường nghe câu: “Phép vua thua lệ làng”.
“Lệ làng” là tên gọi nôm na trong dân gian để chỉ hương ước hay còn gọi là khoán ước, hương biên, hương lệ, hương khoán, khoán làng.
Xuất phát từ nền văn minh nông nghiệp cùng với truyền thống yêu nước, đoàn kết và những phong tục, tập quán lâu đời, hương ước được soạn ra nhằm làm cho mọi người trong làng xã tuân theo những “luật lệ” cơ bản để bảo đảm ổn định cuộc sống của cư dân trong cộng đồng.
Những quy định đó bao trùm lên đời sống, sinh hoạt hàng ngày của cư dân làng xã và được xem như một bộ luật riêng của làng.
Trong không gian làng xã, pháp luật bị đẩy xuống hàng thứ yếu, mọi vấn đề phát triển đều có thể quy về cách gọi là “giải quyết nội bộ”.
Máy ảnh, máy ghi âm…là những công cụ hỗ trợ tối quan trọng của phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp. Việc Tòa án nhân dân TP.Hà Nội ngăn cản, không cho mang theo những “công cụ hỗ trợ” đó vào trong phiên xét xử Dương Chí Dũng cùng đồng bọn quả thực là làm khó cho anh em phóng viên báo chí quá.
Nhiều phóng viên, nhà báo sau khi trở về từ Tòa án đã phải thốt lên rằng “thật là quá đáng!”.
Đúng là quá đáng nhưng dẫu sao đó cũng là Tòa án. Như đã nói ở trên, trong suy nghĩ của nhiều người dân nông thôn ở Việt Nam thời xưa “Phép vua còn thua lệ làng”, trong trường hợp này, nhiều người cho rằng câu nói trên khá sát với việc làm của Tòa Hà Nội?
Có thể hiểu suy nghĩ của Tòa Hà Nội trong động thái "kiểm soát" trên đối với cánh báo chí tác nghiệp như thế này: “Tòa án sắp xét xử và đây là “địa phận” của chúng tôi, báo chí đến phải thực hiện theo quy định của Tòa”.
Như vậy, Luật báo chí cũng “vô tác dụng” khi chạm trán phải “lệ Tòa”. Thế mới biết, không chỉ ở nông thôn và từ thời xa xưa ở Việt Nam mới tồn tại quan niệm “Phép vua thua lệ làng”.
Ngay ở tại thủ đô Hà Nội đây, tinh thần trên dường như vẫn đang được "kế thừa" và phát huy ở một cơ quan luật pháp (!?)