Kiểm tra HK 1, Sở GD TP HCM yêu cầu không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu

20/12/2022 10:36
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh tiểu học đang theo học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ có đề kiểm tra định kỳ cuối kỳ 1 phù hợp với yêu cầu cần đạt của từng khối lớp.

Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa ký văn bản 4903/SGDĐT-GDTH, về hướng dẫn công tác tổ chức kiểm tra định kỳ cuối học kỳ 1 cấp tiểu học năm học 2022 – 2023.

Theo đó, ông Nguyễn Bảo Quốc đề nghị thời gian tổ chức kiểm tra định kỳ các môn học, hoạt động giáo dục căn cứ vào phân phối chương trình, chuẩn kiến thức và kỹ năng của từng lớp. Tuy nhiên, các Phòng Giáo dục và Đào tạo có thể linh hoạt bố trí, tránh cận các ngày lễ được Nhà nước quy định trong năm, hoặc các ngày có ý nghĩa khác.

Học sinh tiểu học của Thành phố Hồ Chí Minh sắp bước vào đợt kiểm tra cuối kỳ 1 (ảnh minh họa: P.L)

Học sinh tiểu học của Thành phố Hồ Chí Minh sắp bước vào đợt kiểm tra cuối kỳ 1 (ảnh minh họa: P.L)

Thời gian kiểm tra do các Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường tiểu học sắp xếp cho hợp lý, phù hợp, cân đối giữa các khối lớp theo kế hoạch năm học.

Trường tiểu học cần xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh, có kế hoạch phụ đạo riêng cho học sinh tiếp thu kiến thức còn chậm, và gặp khó khăn trong học tập, thông báo lịch kiểm tra, phối hợp cùng gia đình nhằm chuẩn bị các điều kiện học tập thật tốt cho học sinh.

Tuyệt đối không chạy theo thành tích để đối phó, gây áp lực, tạo không khí căng thẳng, nặng nề cho giáo viên, học sinh và gia đình các em.

Việc tổ chức ôn tập được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với lớp học 2 buổi/ngày, không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc học sinh làm, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu. Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh cách tự học, ôn tập.

Đối với lớp 1,2,3: Đề kiểm tra cuối học kỳ 1 cần phù hợp với các yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với từng khối lớp, từng mạch kiến thức, kỹ năng và cách triển khai các mạch này trong sách giáo khoa nhà trường sử dụng, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức như sau:

Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập.

Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết được vấn đề có nội dung tương tự.

Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.

Giáo viên cần soạn ma trận đề trước khi soạn đề kiểm tra. Ma trận đề của mỗi giáo viên cần được tổ chuyên môn thống nhất, cán bộ quản lý xem và góp ý, phê duyệt trước khi có thể sử dụng để biên soạn đề.

Đối với lớp 4,5: Thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 3694/GDĐT-TH ngày 24/102018 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về hướng dẫn đánh giá học sinh ở cấp tiểu học kể từ năm học 2018 – 2019.

Sở cũng đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai đầy đủ những nội dung này đến các trường tiểu học. Hiệu trưởng các trường tổ chức hướng dẫn cho tất cả các thành viên hội đồng sư phạm nắm vững yêu cầu, nhiệm vụ để thực hiện nghiêm túc việc đánh giá học sinh.

Việt Dũng