PGS.TS Nguyễn Thị Hồi - Giảng viên Khoa Lý luận – Lịch sử (ĐH Luật Hà Nội) cho hay, Đại biểu Quốc hội đại diện cho toàn dân để thực hiện ý chí, mong muốn của dân. Nhiều đại biểu đã có những đóng góp lớn thể hiện tốt vai trò của mình, nhưng trên thực tế cũng có những đại biểu lợi dụng vị trí này để mưu cầu lợi ích cá nhân, hoặc trong quá trình là Đại biểu Quốc hội nhưng lại vi phạm kỷ luật ở địa phương, đơn vị công tác. Do đó, cần có thêm những quy định cụ thể hơn để siết chặt tư cách Đại biểu Quốc hội.
“Chúng tôi đề nghị bổ sung thêm 2 khoản 3 và 4 vào Điều 7 của Dự thảo với nội dung tương tự như quy định của Hiến pháp năm 1946, đó là: “3. Quốc hội phải xem xét vấn đề bãi nhiệm một đại biểu Quốc hội khi nhận được đề nghị của ít nhất là một phần tư tổng số cử tri tỉnh hay thành phố trực thuộc trung ương đã bầu ra đại biểu đó.
Đại biểu Quốc hội đó sẽ bị bãi nhiệm khi có ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành đề nghị bãi nhiệm. Cách thức cử tri và Hội đồng nhân dân bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ do luật định”, PGS Hồi nói.
PGS.TS Nguyễn Thị Hồi - Giảng viên Khoa Lý luận - Lịch sử ĐH Luật Hà Nội. |
PGS Nguyễn Thị Hồi lý giải, sở dĩ đề nghị như vậy là vì trong bốn bản Hiến pháp của nước ta, từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 đều thừa nhận quyền bãi miễn các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Cụ thể, Hiến pháp năm 1946 quyền này của nhân dân được quy định tại Điều thứ 20 là: “Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra, theo Điều thứ 41 và 61”.
Trong Hiến pháp năm 1959, quyền bãi miễn đại biểu của nhân dân được thừa nhận tại Điều 5 với nội dung: “Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có thể bị cử tri bãi miễn trước khi hết nhiệm kỳ nếu tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.
Trong Hiến pháp năm 1980, quyền này của nhân dân được thừa nhận tại Điều 7 là: “Cử tri có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nếu đại biểu đó không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.
Ở Hiến pháp năm 1992, quyền này của nhân dân được thừa nhận tại Điều 7 là “Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm và đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.
Tuy nhiên, từ năm 1946 đến nay hầu như cử tri ở nước ta chưa thực hiện được quyền này vì chưa có cơ chế pháp lý đầy đủ để giúp cho cử tri thực hiện được quyền đó.
Trong bốn bản Hiến pháp đã nêu thì chỉ duy nhất bản Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp năm 1946) quy định rõ cơ chế pháp lý để bảo đảm thực hiện quyền này của cử tri. Cụ thể, tại Điều thứ 41 quy định: “Nghị viện phải xem xét vấn đề bãi miễn một nghị viên khi nhận được đề nghị của một phần tư tổng số cử tri tỉnh hay thành phố đã bầu ra nghị viên đó.
Nếu hai phần ba tổng số nghị viên ưng thuận đề nghị bãi miễn thì nghị viên đó phải từ chức”. Bên cạnh đó, Điều thứ 61 quy định: “Nhân viên Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính có thể bị bãi miễn. Cách thức bãi miễn sẽ do luật định”.
PGS Hồi nhận định: “Tiếc là do hoàn cảnh nước ta lúc đó đang có chiến tranh nên các quy định tại Hiến pháp năm 1946 không thực hiện được trong thực tế. Ba bản Hiến pháp sau này, chưa có Hiến pháp nào thiết lập cơ chế cử tri bãi miễn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, chính vì vậy mà cho đến nay, quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân của cử tri ở Việt Nam vẫn chủ yếu tồn tại ở trên giấy, chủ yếu có ý nghĩa pháp lý mà không có giá trị thực tế.
Vì thế, để quyền này của công dân trở thành hiện thực trong thực tế mà không phải chỉ là lời tuyên ngôn, thiết nghĩ, Hiến pháp cần dự liệu cụ thể cơ chế pháp lý để bảo đảm thực hiện được quyền này của công dân. Bổ sung thêm khoản 3 và khoản 4 như trên là vừa xác lập cơ chế pháp lý để cử tri bãi miễn đại biểu Quốc hội, vừa xác định trách nhiệm cho Quốc hội là phải ban hành luật để quy định cách thức cử tri và Hội đồng nhân dân bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân. Quy định như vậy thì sẽ vừa bảo đảm thực hiện quyền của công dân, vừa bảo đảm cho các quy định của Hiến pháp thể hiện ý chí, nguyện vọng của đa số dân cư và trở thành hiện thực trong thực tế”.